“Quý ông của tình ca” - U60+Đức Long:

“Làm liveshow vì mọi người đã quá mệt vì dịch bệnh”

NSƯT Đức Long đang khẩn trương chuẩn bị cho liveshow “Đức Long… hát” sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 15/4 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội). Thời Nay có cuộc trò chuyện cùng anh.

NSƯT, ca sĩ Đức Long.
NSƯT, ca sĩ Đức Long.

Phóng viên (PV): Thưa anh, thực tế thì làm liveshow vào thời điểm hiện nay vẫn đầy mạo hiểm?

NSƯT Đức Long (ĐL): Thời gian vừa qua dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động biểu diễn, thế nhưng đâu đó vẫn có những ca sĩ làm liveshow như Lê Anh Dũng chẳng hạn. Còn ở lứa tuổi U60+ như tôi thì có lẽ là trường hợp khá hiếm. Tôi đã ấp ủ thực hiện liveshow này cách đây ba năm nhưng đại dịch làm mọi việc bị hoãn nhiều lần. Thời điểm “mở cửa” này, tôi nghĩ mình phải làm liveshow, bởi vì mọi người đã quá mệt mỏi vì dịch bệnh, bị “cuồng chân, cuồng tay” vì phải ở nhà quá lâu. Âm nhạc với sứ mệnh cao cả của nó là làm người nghe phấn chấn, lạc quan và tin vào cuộc sống tốt đẹp phía trước. Và tôi nghĩ tiếng hát của mình sẽ truyền được năng lượng tích cực đến khán giả. 

PV: Người bạn thân của anh cũng là tổng đạo diễn của liveshow - NSND Quang Vinh - từng nhận xét: “Ngọn lửa hát trong Đức Long chưa bao giờ tắt, ngọn lửa này không phải cháy bằng củi mà cháy bằng than đá”. Anh nghĩ sao về điều này?

ĐL: NSND Quang Vinh nói thế để “ám chỉ” tôi sinh ra ở vùng đất mỏ Quảng Ninh mà “đặc sản” chính là than đá (cười). Tôi đến với ca hát từ một công nhân mỏ và may mắn được biết đến khi giành Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực I năm 1978 với ca khúc “Chiều Hạ Long”. Tính đến nay đã hơn bốn thập kỷ trôi qua với biết bao cay đắng, ngọt bùi, vinh quang và khó nhọc nhưng tôi vẫn hát. Một chặng đường mà tôi có thể kể trên sân khấu cả chục đêm diễn không hết những câu chuyện nghề, chuyện đời. Thế nhưng, trong liveshow này, tôi sẽ không kể chuyện mà chỉ hát. Tiếng hát chính là lời giãi bày mọi tâm tư của tôi đối với khán giả chứ không cần có thêm bất cứ một tâm sự nào nữa. 

Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là không được hát, ngoài ra tôi… không sợ gì cả. Ca hát cho tôi nhiều thứ và cũng lấy đi của tôi không ít thứ nhưng tôi hạnh phúc khi được làm nghề và không cảm thấy hối tiếc vì bất cứ một điều gì. Tôi luôn cho rằng nghệ sĩ không phải là ông này bà nọ mà được quyền nọ, quyền kia. Tôi ví người nghệ sĩ như người công nhân quét rác. Anh muốn người ta yêu mến mình thì đoạn đường này ngày nào cũng phải quét sạch, chứ “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy” thì sẽ chẳng ai yêu mình cả.

PV: Được biết anh cùng học trò của mình là NSƯT Minh Thu, NSƯT Ánh Tuyết, Bách Nguyễn… đã làm nên “thương hiệu” với các liveshow “Khi gió mùa về”, “Khi xuân thức giấc” nhưng trong liveshow này lại không có sự xuất hiện của họ mà thay vào đó là NSND Thái Bảo và “họa mi” Phạm Thu Hà?

ĐL: Bởi vì tôi muốn liveshow này kể về cuộc đời tôi chứ không chỉ là một chương trình nghệ thuật đơn thuần. NSND Thái Bảo đã đồng hành cùng tôi trên suốt chặng đường âm nhạc khi còn công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và cho đến tận bây giờ. Cô ấy đã từng cùng tôi đi lưu diễn nơi biên giới, hải đảo đến nước ngoài, anh em rất hiểu và thương nhau, vui buồn đều chia sẻ. Còn ca sĩ Phạm Thu Hà là “cô cháu” mà tôi vô cùng yêu mến. Tôi biết Thu Hà từ khi cô còn học trung cấp ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nơi tôi từng tham gia giảng dạy. Tuy Thu Hà không học lớp tôi dạy nhưng lại rất hay chạy qua chạy lại hỏi ý kiến tôi về nghề. Đánh giá một cách công bằng thì Thu Hà là người rất thành công khi đã “thổi hồn”, cách tân được giọng hát opera bác học trở nên gần gũi, đi vào lòng khán giả đại chúng. 

PV: Trong khi nhiều nghệ sĩ tên tuổi chọn những nhà hát có quy mô, tầm vóc như Nhà hát Lớn Hà Nội là địa điểm tổ chức liveshow thì anh lại chọn Nhà hát Âu Cơ?

ĐL: Thật ra với tầm vóc và sự đầu tư cho liveshow lần này, tôi hoàn toàn có thể đưa liveshow thực hiện ở bất cứ đâu nhưng tôi vẫn nhất quyết chọn Nhà hát Âu Cơ (thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Nơi đây đã chứng kiến 30 năm tôi trưởng thành trong nghề cùng bao mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trân quý. Từ một công nhân mỏ, tôi lên Hà Nội công tác tại Đoàn Nghệ thuật phòng không - không quân rồi Nhà hát Ca múa nhạc quân đội nhưng mức độ “phủ sóng” mới chỉ ở trong quân đội mà thôi. Chỉ khi tôi về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, khán giả mới thật sự biết tôi là ai. Bởi vậy liveshow lớn nhất cuộc đời ở Nhà hát Âu Cơ giống như tôi được trở về hát ở “chốn tổ” của mình vậy. 

Tôi yêu Nhà hát, yêu những năm tháng sống và làm việc tại đây, vì vậy dấu ấn sự nghiệp này nhất định phải thực hiện tại nơi này. Thời còn công tác, lãnh đạo Nhà hát luôn tạo điều kiện cho tôi làm việc tốt nhất, cho phép tôi được tham gia giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho tôi được thỏa sức đam mê, thỏa sức sáng tạo, thử hỏi làm sao mà tôi không yêu Nhà hát cho được? (cười).

PV: Trân trọng cảm ơn anh và chúc liveshow sẽ thành công rực rỡ!