Làm báo thời này

Khi viết bài báo này trong tôi luôn có hai luồng suy nghĩ đan xen: cũ và mới, truyền thống và hiện đại. Có những sự cũ càng về thời gian nhưng luôn mới, đó là niềm say mê, sáng tạo, là tính trung thực của người làm báo, là tính tổng kết và dự báo.

Sản xuất chương trình truyền hình tại Trung tâm Truyền hình Nhân Dân. Ảnh | Trần Hải
Sản xuất chương trình truyền hình tại Trung tâm Truyền hình Nhân Dân. Ảnh | Trần Hải

Chúng ta đang trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, không thể không nhắc đến những dấu ấn đã qua, những điều tốt đẹp đã đặt nền móng cho báo chí hôm nay. Báo chí cách mạng đã có một khởi hành tốt đẹp, đã có những chương độc nhất vô nhị mà thế giới có lẽ chưa ở đâu có. Xin lấy thí dụ, cách đây một tháng, nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Bác Hồ, người sáng lập, người thầy vĩ đại của dòng báo chí mới, Hà Nội có sáng kiến tổ chức không gian “kể chuyện” lịch sử báo chí tại Nhà tù Hỏa Lò. Gian trưng bày “Ðứng lên và Cất tiếng” với hai nội dung là Tiếng nói dân tộc và Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng được người xem, phần lớn là các nhà báo trẻ, hết sức xúc động. Người giới thiệu Gian trưng bày đã nói tỉ mỉ về các tờ báo đặc biệt trong các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Hỏa Lò là nơi xuất bản các tờ báo “Con đường chính”, “Ðuốc Việt Nam”, “Lao tù”. Người chỉ đạo và trực tiếp viết bài chính là các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta: Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Ðình Cửu. Còn Nhà tù Sơn La thì có báo “Suối reo” do các đồng chí Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Đặng Văn Lâm chỉ đạo và viết bài. Báo được viết tay trên giấy thường, khổ 20x14 cm, mỗi tháng xuất bản hai kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là... hai số. Nhà tù Côn Ðảo xuất bản tờ “Phá ngục”. Tờ báo vô cùng lạ lẫm này được người tù dùng vỏ sò, san hô nung lên làm phấn và viết trên nền nhà. Theo các nhà sử học, trong giai đoạn 1930-1945, đã có khoảng 20 tờ báo được “xuất bản” trong các nhà tù ở ba miền bắc, trung, nam. Tại các nhà tù khủng khiếp nhất là Hỏa Lò, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Sơn La... đều có các tờ báo. Báo chí trong tù ở Việt Nam đúng là dòng báo chí rung động nơi con tim, hình thành trong máu lửa.

Đấy là truyền thống. Còn hiện đại và hiện tại, thời của công nghệ truyền thông phát triển nhanh chóng từng ngày, báo chí cạnh tranh nhau đến từng phút. Lại xin thí dụ về cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra đã hơn ba tháng qua. Có nhà nghiên cứu báo chí xã hội nước ngoài cho rằng, đã và đang diễn ra “hiện tượng chiến tranh truyền thông toàn cầu”. Cuộc chiến không ai mong muốn này đã thu hút sự quan tâm của công luận toàn thế giới. Không nằm ngoài quy luật chiến tranh, các giao tranh không chỉ bùng nổ trên chiến tuyến mà xuất hiện trên mặt trận thông tin. Nga dốc sức ngăn chặn và kiểm duyệt các kênh truyền thông, các nền tảng mạng xã hội của phương Tây. Còn Ukraine lại có những chiến lược “úp mở” với con dao hai lưỡi. Vì vậy, cuộc chiến này đến nay không thể có con số chính xác về con người, vũ khí, trang bị, tiêu hao sinh lực...

Không phải bây giờ mà cách đây gần 20 năm (2005), khi viết cuốn sách Thế giới phẳng, Thomas Loren Friedman - nhà báo, nhà bình luận người Mỹ, người ba lần nhận Giải thưởng Pulitzer danh giá, đã nói, đại ý: Tôi tạm khép lại quyển sách in giấy ở đây. Giá như có quyển sách điện tử thì tôi sẽ điều chỉnh, bổ sung hằng ngày. Những người làm báo hôm nay có hạnh phúc, may mắn được kế thừa truyền thống tốt đẹp và cũng đang chịu nhiều áp lực từ báo chí hiện đại, cái áp lực từ truyền thông mang tính toàn cầu. Chậm là thua. Chậm là chết. Đã có nhiều bài báo, thậm chí có những công trình khoa học về báo chí hiện đại, cung cấp cho ta những dữ liệu, những phân tích khoa học, cầm tay ta đi vào thế giới ngày càng phẳng và cũng còn rất nhiều lồi lõm. Sự phát triển của ngành báo chí - truyền thông, nhất là sự thay đổi quy trình làm báo trong kỷ nguyên số như: nguyên tắc lọc bình luận và quản lý fanpage; sử dụng mạng xã hội để phát triển nội dung; tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin; quản trị rủi ro trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội... đòi hỏi báo chí phải liên tục thay đổi.

Làm báo thời hiện đại đòi hỏi người làm báo phải có tư duy mới, có trang thiết bị làm báo hiện đại, giỏi ngoại ngữ, v.v. Thậm chí có thể từng bước dùng rô-bốt thực hiện một số tác phẩm báo chí đơn giản như viết tin hội nghị, những tin mang tính công thức, lặp lại nhiều lần. Báo chí, truyền thông lại đang đứng trước một đối thủ không rõ hình hài nhưng vô cùng lợi hại, nhiều khi nó muốn dấn tới, áp đảo báo chí chính thống, có người ví nó như một siêu thị khổng lồ, bán đủ thứ hàng ảo, tiếp cận nó thật nhanh chóng và thuận lợi, đó là mạng xã hội. Tin tức từ đây lan nhanh như xăng cháy và không được kiểm chứng. Vì vậy muốn dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, muốn hạ gục thông tin giả, bình luận ác ý, thì báo chí, truyền thông phải xốc lại đội ngũ, làm mới mình hằng ngày bằng tư duy và phương pháp mới. Từ tháng 5 năm 2022, Báo Nhân Dân đã chọn ra một ngày làm “Ngày đổi mới, sáng tạo”, đây là một thể nghiệm, một dấu mốc mới trong mạch nguồn Báo Đảng.

Có những điều trở lại cái cũ, giữ gìn cái hay, cái đẹp, chính là đổi mới. Bởi có một lúc nào đó do hoàn cảnh lịch sử, do nhận thức chưa tới mà ta đã loại bỏ, phá dỡ những cái không nên phá, hoặc cố giữ cái vòng tròn nhỏ mà làm hỏng một quy hoạch lớn. Đổi mới bao giờ cũng gắn với kế thừa. Kế thừa là biết chọn điểm tạo đà, biết đứng trên vai người khổng lồ mà vươn tới. Cái hay, cái đẹp của báo chí cách mạng từ buổi đầu thanh tân đã sáng lên phẩm chất của người cầm bút. Trung thực, công tâm, khách quan, không vụ lợi, những tiêu chí ấy xuyên suốt trong 10 điều Quy định đạo đức người làm báo. Trung thực vừa là một phẩm chất, một đòi hỏi mà còn là lương tâm mỗi cây bút. Khi anh trung thực thì tâm anh trong, trí anh sáng, anh biết cân nhắc vấn đề này nên hay không nên viết, nên hay không nên duyệt cho đăng. Anh biết vấn đề này có nhất thiết phải lao vào nơi khó khăn nguy hiểm như cháy rừng, lũ bão, dịch bệnh... hay là chỉ cần xào xáo trên mạng? Vẫn biết thực hiện được cái “nên” này mệt tâm, mệt óc vô cùng. Vì chỉ cần “khôn khéo” một chút, anh có thể có tất cả, thậm chí mua được nhà lầu, xe hơi trong lúc bao đồng nghiệp còn khó khăn, vất vả. Nhưng cái mà người viết phấn đấu, suy cho cùng là một chữ đẹp. Đẹp trong tâm hồn. Đẹp trong mỗi bài viết - bài viết hay, có trí tuệ, mỗi chữ là một lấp lánh.“Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ/mới thu về một chữ mà thôi” (V. Maiakovsky). Những lấp lánh ấy “bầu” nên cái bút danh của anh, để bạn đọc yêu mến, gửi gắm niềm tin, hoặc sẽ ngoảnh mặt khi gặp tên anh. Thế nên, người viết chớ lầm lẫn giữa hai khái niệm hạnh phúc và thỏa mãn. Sự tự vấn, giằng xé lương tâm đôi khi lại là cuộc đấu tranh gay go và không kém nhọc nhằn.

Viết đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện ban chiều với một nhà văn, nhà báo trẻ. Anh bảo, trung tuần tháng 6 này có một hội nghị cây bút trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Chủ đề hội nghị là: Vì sao chúng ta viết? Và tự trả lời: Chúng tôi viết vì một sức hút kỳ lạ, vì cái đẹp của báo chí, văn chương, cái đẹp cứu rỗi con người. Tôi viết vì muốn giãi bày, muốn cho mọi người đọc được ý nghĩ, quan điểm của tôi, như một nhà văn lớn từng nói, viết là một cách tư duy lớn để mọi người nghe được. Tôi viết vì muốn thể hiện rõ ý tưởng, ý thức cá nhân của một người trẻ, sức trẻ, vì không gì có thể thay thế được cá nhân người viết. Vâng, với báo chí, không thể không nhắc lại điều cốt lõi này: chúng tôi viết vì ý thức rất rõ về trách nhiệm của người làm sử đương đại, nói đúng và nói rõ sự thật, vạch trần, phản bác những thông tin sai trái để làm trong sạch bầu khí quyển thông tin. Tiếp nhận cái mới, cái tinh túy rất nhanh nhưng phải được thẩm thấu qua cái màng lọc là truyền thống, bản sắc dân tộc. Và muốn như vậy thì phải tiến về phía trước, không chỉ đứng ở đầu nguồn tin tức mà phải ở ngay trong lòng tin tức.

Lý luận và cách làm về sự đứng đầu hay ở trong thì các nhà trường, các tòa soạn báo đã trang bị, đã gợi mở. Mỗi nhà báo còn may mắn có ông Thầy lớn: Trường đời.