Lá xanh từ đất

Hương thơm từ trời…

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chỉ hơn chục km về phía tây, vùng đất Tân Cương được thiên nhiên ban tặng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với những đồi chè xanh ngút tầm mắt, uốn lượn trên những dải đồi thoai thoải, … Mùa thu, mùa của những búp chè tinh khiết, đang e ấp, ủ ướp trong mình những tinh túy của đất trời, đi giữa những nương chè, du khách sẽ cảm nhận được một hương vị tinh khôi từ những chồi non, lộc biếc được chăm bón theo một quy trình kỹ lưỡng, hoàn toàn hữu cơ.

Khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt

Nằm ở phía tây thành phố Thái Nguyên, vùng chè đặc sản Tân Cương có địa hình bán sơn địa, nhiều thung lũng hẹp, có sông Công chảy qua, gần hồ Núi Cốc, có dãy núi Tam Đảo án ngữ ở phía tây nên khí hậu trong lành, thoáng, tạo nên vùng tiểu khí hậu có bức xạ nhiệt thấp. Vùng đất này chứa những nguyên tố vi lượng, được hình thành chủ yếu trên nền Feralitic, macma axít hoặc phù sa cổ, đá cát, có độ PH phù hợp với cây chè. Khí hậu trong lành, mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp và với kinh nghiệm trồng, chế biến lâu đời của người dân đã tạo cho chè Tân Cương những giá trị đặc biệt, nên thường được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”.

Vùng chè đặc sản Tân Cương với diện tích gần 1.500 ha, bao gồm sáu xã là Tân Cương, Thịnh Đức, Phúc Trìu, Quyết Thắng, Phúc Hà và Phúc Xuân thuộc thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Trồng hoàn toàn bằng
phương pháp hữu cơ

Cây chè được trồng ở vùng đất Tân Cương từ hàng trăm năm trước. Ban đầu là thức uống tự cung tự cấp của người dân trong làng, xã; sau đó phát triển thành hàng hóa. Có thời kỳ người dân chạy đua năng suất, chế biến chè bất chấp thuốc tồn dư bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng phổ biến phân hóa học, nhất là phân đạm để tăng năng suất lá, lứa thu hoạch, gây mất lòng tin của người tiêu dùng.

Ngày nay, chè Tân Cương đang ngày càng lấy lại được lòng tin của khách hàng, bởi cây chè được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ;  diện tích trồng chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ngày một tăng. Dẫn chúng tôi đi thăm nương chè với những cây chè xanh tốt, khỏe mạnh, Giám đốc Hợp tác xã  chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo vui vẻ nói: Các anh nhìn xem, cây chè được chăm bón hữu cơ sẽ rất bền, khỏe. Không chỉ bón phân hữu cơ mà thuốc bảo vệ thực vật cũng được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ như tỏi, ớt... nên không hề độc hại. Không dùng phân, thuốc hóa học, có thể thời gian thu hoạch chậm hơn, lứa thu hái ít hơn, nhưng đổi lại cây chè rất bền, năng suất ổn định và sản phẩm bán rất chạy.

Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên Ngô Danh Thùy, cho biết: Xác định chè là loại cây lâu năm, có thế mạnh, sản phẩm chủ lực, những năm gần đây các cấp, ngành chức năng từ tỉnh đến xã đã không ngừng tuyên truyền, vận động, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, hợp tác xã trồng, đầu tư chăm sóc, dụng cụ chế biến chè sạch, cải tiến mẫu mã đóng gói, đa dạng các sản phẩm từ trà nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, làm giàu cho người dân.

Thu hái đúng
thời điểm, kỹ thuật

Muốn có được sản phẩm chè chất lượng cao nhất, cần phải thu hái đúng thời điểm, đó là lúc sáng sớm, khi những búp chè còn đang "ngậm sương". Một tốp hái chè  gồm ba người, người đi đầu  hái  búp; người đi sau  hái tôm (hai lá non ngay dưới búp); người cuối cùng sẽ hái phần lá chè non còn lại…Từ cách hái đó, công đoạn chế biến sẽ cho ra 3 dòng sản phẩm: Trà đinh, trà tôm nõn và trà móc câu…

Giám đốc Hợp tác xã  chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo chia sẻ, khi hái búp chè cũng phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè và tạo điều kiện cho lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn. Sau khi thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ rồi mới đem chế biến thì chè sẽ cho hương vị tuyệt hảo. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè. Búp chè hái về phải chế biến ngay trong ngày theo đúng quy trình kỹ thuật truyền thống: Sao, vò, rồi lại sao mà phải làm liên tục, gọi là sao suốt.

Chế biến theo
phương pháp truyền thống

Nơi đây đồi nối tiếp đồi, chè nối tiếp chè, hương chè tươi nồng nàn trong không gian. Người dân vùng chè mê mải với công việc thường nhật, từ động tác hái chè những ngón tay như múa, từ cách thức sao vò chè như thể làm ảo thuật. Cũng vì sự khéo léo đầy tính nghệ thuật đó mà nhiều người đã được tôn vinh là nghệ nhân.

Phải tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình làm chè, ta mới thấm thía được nỗi vất vả của người dân ở đây. Từ công đoạn chăm sóc cây chè, hái chè, sao, vò chè, lên hương cho đến công đoạn đóng gói đều đòi hỏi sự tỉ mẩn và những kinh nghiệm nhất định của người làm.

Qua bàn tay đảo búp chè cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng của mỗi nhà sản xuất chè để được chè ngon; rồi sàng sảy phân loại chè cám, chè ban, chè búp; lấy hương… rất nhọc nhằn, công phu. Trước đây sao chè bằng chảo gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm chè ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp, sao giỏi chỉ được 5kg/ngày, một lò sao lăn được 2kg/giờ. Nay, việc sao vò chè đã có máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng, dù theo cách nào, chè ngon hay dở đều phụ thuộc phần lớn vào việc điều nhiệt độ khi sao chè.

Tiến tới chuyên nghiệp hóa

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những năm gần đây, quan hệ sản xuất ở vùng chè Tân Cương có nhiều chuyển biến, liên kết sản xuất bằng việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng, chế biến chè phát triển mạnh nhằm chuyên nghiệp hóa, tăng cường liên kết, liên doanh. Thành phố Thái Nguyên hiện có 75 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn là hợp tác xã ngành chè ở vùng Tân Cương.

Lực lượng sản xuất của ngành chè cũng không ngừng thay đổi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Máy móc thực hiện các khâu sao, sấy, đóng gói với tính tự động hóa cao. Chỉ có việc thu hái là không thể thay đổi, vì việc này cần kinh nghiệm, đôi bàn tay khéo léo của người dân, như sản xuất chè đinh thì chỉ hái “tôm chè”, sản xuất chè “tôm nõn” chỉ hái một tôm hai lá... vào thời điểm thích hợp.

Trong câu chuyện về trà, bà Đào Thanh Hảo chia sẻ thêm: "Để chuyên nghiệp hóa sản phẩm trà, không chỉ là từ sản xuất mà phải chuyên nghiệp cả các khâu như bán hàng, cải tiến mẫu mã, đóng gói sản phẩm. Trước kia, hầu hết các Hợp tác xã ở vùng Tân Cương thường đóng sản phẩm vào loại gói to 0,5kg đến 1kg. Tuy nhiên, để tiện dụng cho khách hàng sử dụng, giờ đây chúng tôi đã chia làm nhiều loại, có những loại đóng gói chỉ đủ pha “một ấm”, mẫu mã bao bì được làm đẹp hơn, tiện dụng hơn cho khách hàng làm quà tặng".

Tăng giá trị từ những mô hình
du lịch nông nghiệp

Bảo tồn, phát triển, tôn vinh con người và vùng chè, hằng năm thành phố Thái Nguyên tổ chức lễ hội chè, thi hái, xao chè, rước cây chè cổ; định kỳ tỉnh tổ chức liên hoan quốc tế trà. Đặc biệt, Không gian Văn hoà trà Tân Cương được xây dựng để giới thiệu nghề chè, trưng bày dụng cụ trồng, chế biến, cách pha chế, thưởng trà, trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch vùng chè.

Được xây dựng trên diện tích gần 27.000 m2, Không gian Văn hoá Trà là công trình văn hóa, có kiến trúc độc đáo với một không gian mở. Mỗi hạng mục của công trình đều mang dấu ấn thời gian và nghệ thuật. Phía trước công trình là một không gian thoáng đãng để từ đó các hoạt động lễ hội, đón tiếp, quảng bá du lịch được diễn ra nhằm thu hút các đoàn du khách đến thăm quan, nghiên cứu và thưởng thức nét văn hóa và đặc sản chè Tân Cương.

Nhà trưng bày là hạng mục chính của Không gian văn hóa Trà. Công trình được thiết kế với công năng hội tụ ba không gian kiến trúc chính: Không gian đón tiếp; không gian trưng bày hiện vật và không gian giới thiệu văn hóa chè và sản phẩm trà. Nhà trưng bày  đóng vai trò như một bảo tàng thu nhỏ khắc hoạ câu chuyện trọn vẹn về dòng đời của chè tại Thái Nguyên. Cây chè là nhân vật chính như một nhân chứng về lịch sử, nét văn hoá mang đậm yếu tố truyền thống của của người dân vùng chè từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến.

Ngày nay, tại vùng chè đặc sản Tân Cương đã có những nương chè, đổi chè đẹp, đường đi trong đồi chè, cơ sở lưu trú, không gian thưởng trà từng bước được người dân, hợp tác xã đầu tư để thu hút khách du lịch trải nghiệm vùng chè. Đây cũng là cách để địa phương, người dân quảng bá chè Tân Cương. Mỗi ha chè ở vùng đặc sản đạt bình quân gần 700 triệu đồng/ha/năm, có những diện tích đạt hơn một tỷ đồng/năm”. Mỗi năm, vùng chè Tân Cương mang lại cho người dân hơn một nghìn tỷ đồng.

Những trăn trở của vùng chè

Với hương vị đậm đà, mẫu mã đẹp, đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng, chè Tân Cương luôn có giá trị kinh tế, có lợi thế so sánh nên có “đầu ra” ổn định, có năm dịp Tết Nguyên đán chè không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy vậy, vùng chè Tân Cương đang đứng trước thách thức.

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND thành phố Thái Nguyên Ngô Danh Thuỳ trăn trở: “Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn, người trồng chè muốn mở rộng diện tích để nâng sản lượng, nhưng những năm gần đây diện tích trồng chè tăng rất chậm. Mặc dù vẫn là đất sản xuất nông nghiệp, những rất khó chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng chè, bởi để trồng được chè thì phải san lấp đất trồng lúa, như thế là thay đổi hiện trạng sử dụng đất nên rất khó”. Mặt khác, nhiều dự án đô thị hoá, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, hạ tầng kinh tế-xã hội đang có nguy cơ làm cho đất trồng chè thu hẹp. 

Mặc dù nhiều công đoạn trong quy trình chế biến chè đã có máy móc hỗ trợ, giảm nhân công, tăng năng suất, chất lượng, nhưng việc thu hái thì vẫn phải do con người trực tiếp làm. Trong khi đó, nhiều người trẻ chuyển sang làm trong các nhà máy, khu công nghiệp, thoát ly khỏi địa phương nên nghề chè đang có nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực. Diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ chưa nhiều.

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 12/10/2022
Chỉ đạo thực hiện: Hà Quốc Việt
Nội dung: Quốc Việt, Văn Lúa, Thế Bình, Bùi Cường
Trình bày: Diệu Thu