Kỳ tích tạo nên từ ý chí vàng

Giành hai tấm HCV trong thời gian ngắn, Nguyễn Thị Oanh đã phát biểu trước truyền thông rằng, bản thân không suy nghĩ quá nhiều. Khi cô chấp nhận thách thức đồng nghĩa với việc phải cố gắng để thi đấu một cách tốt nhất. Điều đó phần nào cho thấy ý chí và nghị lực phi thường của cô gái vàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh.
0:00 / 0:00
0:00
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành bốn HCV tại SEA Games 32.
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành bốn HCV tại SEA Games 32.

Cô gái của những kỳ tích

“Trước thềm Đại hội này, đặc biệt là đợt tập huấn tại Nghệ An (nơi có thời tiết nắng nóng như Campuchia), chúng tôi đã áp dụng những bài tập khắc nghiệt hơn nhiều. Khi Oanh chạy xong 2.000m cũng chỉ được nghỉ nhiều nhất từ hai đến ba phút. Việc rèn luyện như vậy giúp em bảo đảm thể lực để chinh chiến ở nhiều nội dung. Tuy nhiên, khi tập luyện không có áp lực như lúc thi đấu. Khi cởi bỏ được gánh nặng (như việc bản thân là đương kim vô địch, từng vô địch châu Á trong nhà…), Oanh hoàn toàn có khả năng giành được nhiều thành công hơn trong chặng đường sắp tới”, HLV Trần Văn Sỹ lý giải về thành tích 2 HCV chỉ trong vòng 20 phút của Oanh ở SEA Games 32.

Thời điểm ấy, nhìn vào lịch thi đấu, không ai nghĩ Oanh có thể thành công ở cả hai nội dung. Rõ ràng, nếu bố trí vận động viên tranh tài hai nội dung nặng trong cùng ngày vào hai buổi sáng và chiều đã là sự thử thách cực lớn chứ chưa nói đến thời gian tranh tài chỉ cách nhau khoảng 20 phút. Ngay khi kết thúc chạy 1.500m, Oanh lấy khăn lau người, uống một cốc nước. Cô gái quê Bắc Giang bình tĩnh di chuyển từ vạch đích đến phòng đăng ký để chuẩn bị cho lượt thi đấu tiếp theo. Với sự tập trung cao độ, những tính toán kỹ càng về chiến thuật nhằm tiết kiệm thời gian cũng như bảo đảm giữ gìn sức khỏe, Oanh đã băng băng về đích ở cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật trước sự nể phục của các đối thủ.

Những ngày luyện tập vất vả đã phát huy tác dụng. Những chiến thắng liên tiếp giúp cô trở thành vận động viên điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành tới bốn HCV tại một kỳ Đại hội.

Thực tế, đây không phải lần đầu Oanh bị làm khó tại SEA Games. Năm 2019, chân chạy Việt Nam cũng được sắp xếp thi đấu 3.000m chướng ngại vật và 5.000m cùng trong một ngày. Giữa hai phần thi, do cơ thể mất nước, Oanh phải mất tới hơn ba giờ chỉ để lấy mẫu thử nhằm phục vụ kiểm tra doping đột xuất. Bởi thế, HCV cùng kỷ lục SEA Games khi ấy được giới chuyên môn đánh giá chẳng khác nào kỳ tích vượt qua giới hạn sức chịu đựng của cơ thể.

Từ rung động nơi vạch đích

“Tôi vốn không có sở thích gì đặc biệt. Nhưng khi lắng nghe những tiếng reo hò, chứng kiến ánh mắt ngưỡng mộ của khán giả dành cho người chiến thắng, tất cả như thôi thúc bản thân, khiến tôi cứ mãi nghĩ về một ngày nào đó mình cũng có thể làm được như vậy”, Oanh hé lộ lý do bén duyên với điền kinh.

Cô gái trẻ quê Bắc Giang vẫn nhớ như in kỷ niệm lần đầu dự hai giải thể thao quy mô lớn là Giải điền kinh huyện Lạng Giang và sau đó là Giải Việt dã báo Bắc Giang năm 2010. Đây chính là những sự kiện thổi bùng ngọn lửa đam mê thể thao, cũng như tạo nên bước ngoặt bất ngờ.

Thế nhưng, khi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục-Thể thao tỉnh Bắc Giang chiêu sinh đội tuyển điền kinh, do thể hình hạn chế (chiều cao khoảng 1,5m và cân nặng gần 40kg), Oanh suýt chút nữa bị loại. Khi ấy, chính quyết tâm theo đuổi đam mê được thể hiện qua tinh thần luyện tập nghiêm túc, sự cố gắng rèn luyện bền bỉ đã giúp cô xóa tan những hoài nghi, thuyết phục được lòng tin của ban huấn luyện và ngay cả những thành viên trong gia đình.

Bản thân Oanh cũng nhận thức rõ ràng thể trạng nhỏ bé - sải bước chân ngắn là bất lợi của bản thân. Để khắc phục nhược điểm này, cô gái trẻ hầu như chẳng mấy khi rời đường chạy, cho dù đó có là ngày nghỉ trong tuần. Ngay cả chuyện về thăm gia đình, Oanh dù nhiều lần khóc vì nhớ nhà cũng cố gắng nén lại để chuyên tâm rèn luyện bản thân nhiều hơn.

Huấn luyện viên Đào Xuân Hùng, Trưởng bộ môn điền kinh Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục-Thể thao tỉnh Bắc Giang nhận xét: Thể hình Oanh tuy hơi nhỏ so với yêu cầu nhưng lại khá dẻo dai, có thể lực tốt. Đặc biệt, em có sự mạnh mẽ, bền bỉ và ý chí cao trong luyện tập, thi đấu. Khác với nhiều tài năng trẻ sẵn sàng từ bỏ đam mê vì áp lực và cường độ luyện tập quá lớn, riêng Oanh, bất kể trời mưa rét hay nắng gắt, vẫn kiên trì theo đuổi và nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu, quyết không bỏ cuộc.

Năng khiếu cùng sự miệt mài rèn luyện giúp thành tích của Oanh tiến bộ rõ rệt. Chỉ sau chưa đầy một năm, Oanh giành HCB Giải Điền kinh trẻ toàn quốc và sau đó là tấm HCĐ Giải vô địch Điền kinh toàn quốc năm 2011. Tới năm 2012, Oanh đã vụt sáng trở thành kiện tướng quốc gia khi mới 16 tuổi.

Cũng như hành trình vươn tới đỉnh vinh quang của bao tài năng trẻ khác, Nguyễn Thị Oanh cũng trải qua vô số quãng thời gian khắc nghiệt. Ngay như giai đoạn mới được gọi lên đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia, Oanh đã gặp phải chấn thương cơ khá nặng do chưa kịp thích ứng với các bài tập mới. Những tưởng điều này sẽ ngăn cản bước tiến của cô gái trẻ, bằng nghị lực và quá trình điều trị tích cực, Oanh đã sớm trở lại để rồi từng bước khẳng định vị trí của mình bằng tấm HCB SEA Games năm 2013 ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.

Cuối năm 2014, sau khi kết thúc Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc lần thứ VII, Oanh phát hiện khuôn mặt mình có nhiều chỗ sưng tấy, phù nề và được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận cấp. Chỉ trong ít ngày, cơ thể Oanh tăng đột ngột 5-6kg do tích nước và sau đó lại sụt cân nhanh chóng. Sống tích cực là thế, trong những ngày này, chân chạy trẻ không ít lần nghĩ tới việc giải nghệ.

Dù sự việc đã qua từ lâu, mỗi khi được phóng viên hỏi đến, Oanh vẫn luôn thấy xúc động và gần như rơi vào trầm tư khi nhớ về những tháng ngày ấy. Khi bị bệnh, Oanh từng có thời gian rơi vào trầm cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người. Do phải ăn uống kiêng khem, dùng nhiều loại thuốc, lại không được tập luyện hay vận động suốt nửa năm trời, cơ thể cô cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Cũng vì phải thay đổi kế hoạch tập luyện để tập trung chữa trị, Oanh lỡ hẹn với kỳ SEA Games năm 2015.

Dù từng nghĩ phải rời xa đường chạy mãi mãi, nhưng khi sức khỏe khá hơn, đam mê điền kinh lại cháy bỏng trong cô. Nhớ lại cảm giác trống vắng những ngày ngừng tập luyện, Oanh quyết tâm quay lại đường chạy khi sức khỏe dần ổn định hơn. “Tôi lựa chọn điền kinh rồi thì phải dành trọn tình yêu cho nó, sống hết mình, cháy hết mình với đam mê”. Cứ như vậy, Oanh tự động viên bản thân phải cố gắng nhiều hơn để vượt qua thử thách.

Quay trở lại đường chạy, Oanh lại cần mẫn đi tìm điểm mạnh, yếu của bản thân, để rồi lao vào tập luyện, khắc phục. Cô cũng tranh thủ học hỏi kỹ năng từ các anh chị trong đội, cũng như cố gắng lắng nghe sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Trong mắt thầy cô, dù trước hay sau khi mắc bệnh, Oanh luôn là một học trò giàu ý chí nghị lực, một vận động viên với quyết tâm cháy bỏng. Nhiều thời điểm, mọi người trong đội còn rất lo lắng cho Oanh, vì cô... chăm tập quá.

Bằng ý chí mạnh mẽ và quyết tâm khổ luyện, Oanh đã đánh dấu sự trở lại của mình cuối năm 2015, với những chức vô địch liên tiếp ở các giải đấu hàng đầu trong nước. Tuy nhiên, mãi đến năm 2017, kỳ SEA Games mà Oanh tiết lộ là suýt nữa thì không được tham dự, Oanh đã xuất sắc giành hai HCV các cự ly 1.500m và 5.000m.

Tấm gương truyền cảm hứng

Kết thúc hành trình tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh giành tổng cộng 12 huy chương vàng. Nói về bí quyết làm nên thành công, Oanh khẳng định không thể thiếu sự bền bỉ, quyết tâm tiến về phía trước, coi khó khăn thách thức là động lực, lấy thành công làm đòn bẩy để “bay” cao.

“Quy trình đào tạo và thải loại vận động viên đỉnh cao rất rõ ràng. Nếu không đạt được thành tích hoặc không có sự đột phá sẽ bị loại. Điều này khiến em luôn tự nhủ phải quyết tâm trụ vững trên đôi chân của mình. Giáo án dù nặng, nhất là trước các giải lớn, em cũng sẽ cố gắng hoàn thành đầy đủ khối lượng với chất lượng tốt nhất”, Oanh chia sẻ.

Trong con mắt các thầy cô, dù Oanh bị chấn thương phải nằm điều trị cả tháng trời, trong ánh mắt chân chạy quê Bắc Giang vẫn toát lên ý chí quyết tâm. Đặc biệt mỗi khi tranh tài, Oanh luôn tập trung tối đa, hướng ánh nhìn về phía vạch đích để tìm động lực vượt qua đối thủ.

Con đường đến đỉnh vinh quang của Nguyễn Thị Oanh không hề bằng phẳng. Đó là cả một quá trình dài chăm chỉ, kiên trì, nỗ lực mỗi ngày. Với bốn tấm HCV SEA Games 32 trong tay, đây chắc chắn sẽ là đòn bẩy giúp cô hướng tới chinh phục HCV ASIAD 19 và tiếp đó là suất tham dự sân chơi Olympic.