"Lập trình" cho ếch thương phẩm
Dáng cao to, khuôn mặt hiền lành, quần xắn móng quạ tất tả xả nước, lội ao, ít ai nghĩ mới đây thôi, anh kỹ sư máy tính có mái tóc nghệ sĩ dài quá vai ngày ngày đóng "xơ-vin" đến làm ở Trung tâm Công nghệ phần mềm TP Hồ Chí Minh, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng nay tóc húi cua, áo phông, quần bò, không ở nhà thì ra trại, có hôm đón xe mấy ngày lên tận Cà Mau, Trà Vinh giao hàng, lập trại mới theo yêu cầu của khách hàng...
Dăm năm trước, hồi còn ở thành phố, hằng ngày truy cập mạng, anh Khoa đam mê tìm hiểu nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả của những hộ nông dân các nước trong khu vực. Khi biết rằng, người nông dân ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ đi đầu trong nuôi ếch xuất khẩu như Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái-lan... thật sự có cuộc sống khá giả, anh cử nhân tin học đau đáu niềm suy nghĩ, tại sao vùng quê miệt vườn thiên nhiên ưu đãi lại chưa ai làm thử... ý tưởng mở trang trại nuôi ếch thương phẩm hình thành từ đó.
Thông qua bạn bè làm hướng dẫn viên du lịch người Thái-lan, đầu năm 2003, chừng 5.000 con ếch giống ngoại trong những thùng xốp, theo xe vượt biên giới, rồi xuôi từ TP Hồ Chí Minh về tới vườn gia đình anh Khoa thuộc vùng quê yên bình nằm ven con sông Tiền. Sau hai tháng chăm sóc, đàn ếch giống tưởng chừng ổn định dần với môi trường vườn nhà, bỗng dưng chướng hơi, sình bụng, phù mắt và... lăn đùng chết ngót nửa đàn! Vụ thu hoạch ếch đầu tiên lỗ tới cả trăm triệu đồng, anh nông dân lâu nay chỉ cầm bút, nhấn "chuột" nghiệm ra một điều: Con ếch Thái-lan không hề mặn mà với khí hậu, môi trường vùng đất Nam Bộ.
Chấp nhận vớt vát được vài tạ ếch thịt trong năm đầu gây dựng mô hình, nhất định không bỏ cuộc, anh Khoa quyết định tiếp tục chăm sóc chừng 200 cặp ếch cha mẹ còn lại để nhân giống. Vừa lên mạng tìm đọc thêm tài liệu về mô hình nuôi ếch trên thế giới, vừa sang Ðại học Cần Thơ ăn ở cả tuần tìm thầy giáo dạy ngành thủy sản để "tầm sư học đạo". Ðầu năm 2005, anh Khoa mới thở phào nhẹ nhõm khi thầy và trò đã lai tạo thành công giống ếch , tạo nên điểm khác biệt bất ngờ: Ếch lai ít hao hụt, tỷ lệ số con đạt yêu cầu thương phẩm lên tới 90- 95%. - Mừng lắm, con ếch lai nuôi trong vườn nhà lớn nhanh, da hình hoa giống con ếch đồng, nhiều thịt, chất lượng được người tiêu dùng và thương lái ưa chuộng.
Nguyễn Thế Khoa bàn với người thân huy động tiền đầu tư xây dựng lên một khuôn viên rộng hai nghìn m2 làm trại nhân giống ếch, bên cạnh là 10 nghìn m2 mặt nước ao hồ gần bờ sông thả nuôi ếch thương phẩm. Khái quát quy trình nuôi ếch, anh Khoa giảng giải: Muốn cho ếch con nở đều, tăng trọng nhanh phải chọn giống bố mẹ tốt, tránh đồng huyết. Chọn con cái mập, bụng to khỏe không bị bệnh hoặc bị dị tật, mầu da sậm có hình hoa. Chọn con ếch đực cũng tương tự như vây, hình thon, dài, đùi to, mõm nhọn, mầu đen sậm,... Vấn đề quan trọng nữa là chuồng trại cần thoáng mát, thiết kế có cống xả, có ao lắng nước, bể đủ bóng râm, "hè thì mát, đông thì ấm". Khi chọn giống, lấy con hơn 30 ngày tuổi, đã chuyển sang đời sống trên cạn, trọng lượng khoảng 200 con/kg, v.v.
Bắt mạch... thị trường
Với khát vọng làm giàu, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học, anh Khoa đã và đang tiếp tục mở rộng các trại nuôi ếch giống để cung cấp cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Biết mô hình nuôi ếch hiệu quả của anh Khoa, nhiều người ngoài tỉnh đến mua con giống và nhờ anh chuyển giao kỹ thuật nuôi. Ðến nay, nông dân các tỉnh chung quanh đã hình thành nhiều mô hình nuôi ếch thương phẩm. Trong tỉnh Vĩnh Long, phong trào nuôi ếch cũng được nông dân nhiều nơi triển khai từng bước tại xã Hòa Tịnh (huyện Mang Thít), các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, (huyện Long Hồ),...
Anh Khoa cho biết, để nuôi ếch có hiệu quả, người nuôi phải tính toán kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, như việc chọn con giống thả nuôi, bể nuôi, nguồn nước, thức ăn và chăm sóc. Ðối với ếch thương phẩm, mật độ nuôi là 70 con/m2. Còn với con giống thì 800-1.000 con/m2. Nuôi ếch không tốn công chăm sóc, mỗi ngày chỉ trông coi việc thay nguồn nước và cho ếch ăn bốn lần. Sau hai, ba tháng là có thể đem bán. Từ bốn đến năm con được một kg, thời điểm này giá 28 nghìn đồng/kg; con giống 1.000 đồng/con. Càng dịp cuối năm giá ếch càng lên vì là ếch "trái vụ". Mỗi năm anh Khoa bán khoảng hai, ba tấn ếch thịt và chừng một triệu con giống, trừ chi phí thức ăn, công sá đi, lãi gần một tỷ đồng.
"Hữu xạ tự nhiên hương", sản phẩm con giống trong trại của "Khoa ếch" đã được đông đảo bà con miệt vườn các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Ðồng Tháp tìm mua, xin gặp để học hỏi cách làm trại ếch. Anh Khoa giọng phấn khởi, lúc đầu xây bảy bể nuôi, rồi xây thêm bảy bể nữa, rồi tới 50 bể vẫn không đủ ếch giống cung cấp cho nông dân... Mỗi năm nhu cầu khách hàng cần chừng hai triệu con, nhưng anh chỉ đủ cung cấp 1,5 triệu con từ 50 bể của mình.
Anh Nguyễn Thế Khoa cho biết, qua người thân, bạn bè, sắp tới sẽ từng bước triển khai ý tưởng hình thành một vùng sản phẩm ếch, có thể coi như một "vựa ếch thương phẩm" của nông dân cả miền Tây và miền Ðông Nam Bộ! Anh thật sự rất tin tưởng, trong tương lai, món đặc sản thịt ếch lai của Vĩnh Long sẽ có mặt tại các nhà hàng châu Âu và nước Mỹ...
VĂN NGHIỆP CHÚC