Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu

Những tháng đầu năm, nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm trước tác động của đại dịch Covid-19, đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sụt giảm mạnh. Mặc dù xuất khẩu trong tháng 6 đã có những bước chuyển tích cực so thời gian trước, nhưng dự báo khó khăn còn chồng chất, quá trình hồi phục chắc chắn còn mất nhiều thời gian.

Công nhân Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định) kiểm tra sản phẩm khăn trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: VIỆT THẮNG
Công nhân Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định) kiểm tra sản phẩm khăn trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: VIỆT THẮNG

Những tín hiệu tích cực

Ngay từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đã làm gián đoạn nhiều hoạt động thương mại giữa Việt Nam với thị trường này, nhất là đối với xuất khẩu hàng nông, thủy sản, cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu chỉ thật sự bị tác động mạnh từ quý II sau khi dịch bệnh lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam là: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN,… Việc nhiều nước đồng thời thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như: hạn chế đi lại, đóng cửa các nhà hàng, đóng cửa biên giới và sân bay,... đã gây ra sự gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kim ngạch xuất khẩu cả nước quý II ước đạt 57,98 tỷ USD, giảm 8,3% so quý I và giảm 9% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung sáu tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng trưởng 7,2%).

Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh trong nước, cộng thêm các nước châu Âu, Mỹ đã dần mở cửa trở lại từ cuối tháng 4, hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã phục hồi khá nhanh. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu sau khi giảm mạnh xuống còn 17,58 tỷ USD trong tháng 4 đã tăng lần lượt là 9,1% trong tháng 5 và tiếp đà tăng 9,5% tháng 6. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cũng dần thu hẹp khoảng cách so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 (tháng 5 kim ngạch giảm 12,3% so cùng kỳ nhưng tháng 6 chỉ giảm 2%). Trong đó, kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh. Cụ thể, sáu tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp này tăng 11,7% so cùng kỳ, đặt trong tương quan kim ngạch xuất khẩu của cả nước và kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều tăng trưởng âm lần lượt là -1,1% và -6,7%. Kết quả này cho thấy động lực tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước không còn phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước, mà đã có đóng góp từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xu hướng này đã bắt đầu từ vài năm gần đây, nhất là từ năm 2019 khi xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn, xuất khẩu của khu vực trong nước vẫn tăng trưởng cao và thậm chí cao hơn tăng trưởng chung của cả nước.

Ngày 8-6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam cũng chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với EU (EVFTA và EVIPA). Riêng EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18 nghìn tỷ USD. Như vậy, trong giai đoạn hậu dịch Covid-19 tại châu Âu, EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan, tăng cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU.

Chủ động đối mặt thách thức

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Thậm chí, nhiều lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á sau khi một số quốc gia đang phải đối mặt nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai. Riêng tại Trung Quốc, trước tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, nước này ngay lập tức áp dụng nhiều biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh và một số địa phương khác đã tăng cường rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm. Đồng thời, chính quyền tỉnh Quảng Tây, địa phương có chung đường biên giới với thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cũng đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm... Điều này chắc chắn sẽ gây thêm những rào cản cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông sản, thủy sản. Trước tình hình đó, Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc cần tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để chủ động đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm bớt rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. 

Bộ Công thương sẽ chủ động phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hóa được thuận lợi. Mặt khác, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, nhất là trong việc áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm, từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Đồng thời, tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và tìm thị trường mới, nhất là sẵn sàng chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực.

Trước tác động xấu từ dịch Covid-19, không chỉ Việt Nam mà kết quả xuất khẩu của nhiều quốc gia khác cũng sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm 2020. Cụ thể, trong năm tháng, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,7%; Thái-lan giảm 6,4%; In-đô-nê-xi-a giảm 7,24%; Xin-ga-po giảm 8,5%; Hàn Quốc giảm 11,2% và Ấn Độ giảm 26,6%;...

Nguồn: Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương)