Ðưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử

Những ngày tháng 5, đầu tháng 6-2021, sự kiện vải thiều chính thức được giao dịch trên sàn thương mại điện tử (TMÐT), đã được người nông dân, doanh nghiệp hưởng ứng. Ðiều này đánh dấu sự thay đổi lớn trong quy trình thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Vùng sản xuất vải xuất khẩu tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Vùng sản xuất vải xuất khẩu tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Bắc Giang là địa phương vừa đưa thành công quả vải lên các sàn TMÐT. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Văn Thọ cho biết: Quả vải thiều - đặc sản của tỉnh đã có mặt trên các sàn TMÐT lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Cuccu. Theo đó, việc thu mua, vận chuyển đối với các giao dịch TMÐT được thống nhất triển khai bằng hình thức xe lạnh, máy bay. Toàn bộ số vải thiều trước khi vận chuyển đi tiêu thụ đều có "Giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn", bảo đảm về chất lượng và quy định phòng, chống dịch bệnh. Tính đến thời điểm này, các sàn giao dịch đã bán được khoảng 1.200 tấn vải thiều. Ông Thọ cho biết thêm: Hiện người dân các vùng vải rất hào hứng với cách làm mới này, nhất là khi một số sàn TMÐT đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người nông dân thực hành cách livestream, tự đưa vải thiều lên các trang mạng xã hội cá nhân nhằm mở rộng thêm các kênh giao dịch hàng hóa; đồng thời cũng giúp bà con làm quen dần với thao tác đăng hàng, chốt đơn trực tuyến.

Anh Ngô Văn Liên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ: Vụ vải Lục Ngạn đang bắt đầu vào mùa, hiện bà con bán tại vườn với giá 25.000 đến 30.000 đồng/kg, đây là mức giá khá tốt, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Ðiểm mới năm nay là hợp tác xã cũng đã tham gia giao dịch trên sàn TMÐT. Mặc dù số đơn đặt hàng chưa nhiều, lượng đặt còn ít, một số đơn lẻ lại giao xa cho nên chưa chốt thành công, nhưng cũng góp thêm một kênh để hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều cho các thành viên. Nói về khó khăn khi tham gia vào lĩnh vực mới này, anh Liên bày tỏ: Với cách thức bán truyền thống cho thương lái hay doanh nghiệp lớn thì số lượng thường rất nhiều, bán nhanh, gọn, bà con cũng quen thuộc lâu năm. Còn với việc đưa quả vải lên sàn TMÐT, không ít bà con còn ngại, chưa thật sự quan tâm, nhất là với những hộ mà nhân lực chủ yếu là người lớn tuổi.

Trước Bắc Giang, tỉnh Hải Dương cũng đã đưa quả vải lên sàn TMÐT. Cụ thể, Công ty Rồng Ðỏ (Thanh Hà) liên kết tiêu thụ vải thiều thông qua sàn TMÐT Lazada. Ðây là doanh nghiệp đầu tiên phân phối vải Hải Dương qua kênh bán hàng trực tuyến từ giữa tháng 5-2021 với giá niêm yết 150.000 đồng/kg. Chỉ trong bốn giờ, nửa tấn vải Thanh Hà đã được bán hết trên sàn Lazada, và cũng chỉ cần bốn giờ, vải Thanh Hà đã tới tận tay khách hàng ở TP Hồ Chí Minh. Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam James Dong chia sẻ: Ðây chính là bước khởi đầu khả quan cho sự hợp tác lâu dài giữa Lazada với các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân Hải Dương.

Từ sự kiện quả vải thiều lên sàn TMÐT trong sự đón nhận của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và các đơn vị vận chuyển đã cho thấy các "mắt xích" trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản đã bước đầu có sự liên kết hệ thống, bài bản. Ðây lại là hình thức giao dịch hoàn toàn mới, gắn với chuyển đổi số và phương thức bán hàng trực tuyến cho nên sự đón nhận đó càng có giá trị, mở ra hướng tiêu thụ nông sản nhanh gọn, hiệu quả và hợp xu thế.

Mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về thực hiện chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục đích là thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản đối với các địa phương chịu ảnh hưởng dịch Covid-19. Từ đó góp phần giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản.