Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế tập thể của nước ta có sự thay đổi nhanh chóng, vượt bậc.

Nhân viên Hợp tác xã Sinh Dược ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) chế biến dược liệu. (Ảnh TRẦN GIANG)
Nhân viên Hợp tác xã Sinh Dược ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) chế biến dược liệu. (Ảnh TRẦN GIANG)

Từ năm 2002 đến nay, kinh tế tập thể đã chuyển biến rõ nét, thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, tư duy hợp tác xã kiểu cũ dần được xóa bỏ, từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa IX) ngày 18/3/2002 ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân ta giành được những thành tựu to lớn sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ VI của Ðảng và 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội (1991-2000).

Nhân rộng các mô hình mới

Theo số liệu từ Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, năm 2021, cả nước có hơn 27.400 HTX, liên hiệp HTX, số lao động thường xuyên duy trì khoảng hơn một triệu lao động/năm. Doanh thu, lợi nhuận của HTX cũng tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp.

Ðáng chú ý, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, cả nước xuất hiện hàng trăm mô hình HTX, liên hiệp HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới như: HTX ứng dụng công nghệ cao và ứng phó biến đổi khí hậu; HTX quy mô toàn xã; HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp bản địa, OCOP kết hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn,… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt, HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên và nông dân.

Việc sản xuất hoặc phân phối theo chuỗi giá trị góp phần giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó các HTX sẽ thu được lợi ích nhiều nhất từ sản phẩm của mình. HTX nông nghiệp Ái Nghĩa (Quảng Nam) là một trong những đơn vị chọn cho mình hướng đi mới như vậy. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Ái Nghĩa Trương Cảm nhớ lại, thành lập từ năm 1978, đã từng có khoảng thời gian Ái Nghĩa mấp mé bên bờ vực giải thể. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều ngưng trệ vì không có vốn, hiệu quả kinh tế thấp, xã viên quen với tư tưởng trông chờ, ỷ lại cơ chế thời bao cấp, không tham gia cổ phần, thậm chí còn chiếm dụng vốn; niềm tin của thành viên đối với HTX bị mai một. Nhưng kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 13, nhất là khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, Ái Nghĩa đã chuyển biến rõ rệt, mở ra nhiều ngành nghề kinh doanh hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. HTX nông nghiệp Ái Nghĩa lấy lợi ích thành viên lên trên hết; mở rộng tìm kiếm thêm nguồn vốn; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; mạnh dạn sản xuất lúa gạo theo chuỗi liên kết, giúp nâng cao năng suất, đạt lợi nhuận cao. Ðến nay, HTX đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, chi phí sản xuất giảm 5-8%, trong khi thu nhập thành viên tăng từ 15 đến 20%, tổng doanh thu năm 2021 đạt 30 tỷ đồng.

Có thể thấy, những HTX như Ái Nghĩa được xem như "cánh chim đầu đàn" về mô hình HTX nông nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị; tiêu biểu cho sự năng động, sáng tạo, đổi mới. Tuy nhiên, cũng như phần lớn các mô hình kinh tế hợp tác khác, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Những khó khăn đang phải đối mặt là sự cạnh tranh gay gắt về sản phẩm trên thị trường, thiếu nguồn lực để đầu tư tương xứng quy mô phát triển, diện tích đất sản xuất còn manh mún, tác động của biến đổi khí hậu,… Ðại diện HTX nông nghiệp Ái Nghĩa kiến nghị Nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX về cơ chế, đất đai, giúp khu vực này ngày càng lớn mạnh trong nền kinh tế quốc dân.

Gỡ "điểm nghẽn", tạo động lực mới

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 13-NQ/TW ra đời đã có tác dụng nhiều mặt và trực tiếp đến củng cố, đổi mới và thúc đẩy HTX phát triển. Ðặc biệt, Nghị quyết đã tạo chuyển biến về nhận thức, định hướng được tư tưởng, qua đó có sự tập trung, thống nhất cao về hành động từ trong Ðảng đến nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị quyết đã cho thấy còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém. "Vì vậy, thời gian tới, một mặt phải tập trung củng cố phát triển Hợp tác xã theo chiều sâu, bảo đảm các quy định của Luật Hợp tác xã và xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX mới tiêu biểu, mặt khác phải có biện pháp quyết liệt trong tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể và triển khai chính sách đến được với các HTX, các thành viên thì mới tạo được những chuyển biến thật sự", Bộ trưởng nêu rõ. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và trên cơ sở bổ sung, sửa đổi các nội dung cho phù hợp thực tiễn, điều chỉnh bổ sung các chính sách mới để khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với kinh tế tập thể trong thời gian tới.

Là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên và đại diện các thành viên trong quan hệ với tổ chức ở trong nước và nước ngoài, trong 20 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Theo nhận định của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, dù đạt nhiều kết quả rất khích lệ, song phải thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, đang có nhiều bất cập nội tại, hạn chế cần được quan tâm giải quyết. Một số "điểm nghẽn" có thể kể tới như: tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; đa số các HTX trên phạm vi cả nước quy mô còn nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên thấp, chưa tạo dựng được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Một số bộ, ngành, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến kinh tế hợp tác và HTX;…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm: Phát triển kinh tế tập thể, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Ðảng và Nhà nước, là thành phần kinh tế quan trọng, phù hợp cơ chế thị trường định hướng XHCN, cùng với kinh tế nhà nước giữ vai trò nền tảng trong nền kinh tế-xã hội ở nước ta, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân; tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn nông thôn và thành thị, theo phương châm tích cực và vững chắc, xuất phát từ thực tiễn, tránh duy ý chí, nóng vội, kinh tế tập thể, HTX giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp,...

Phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, khắc phục các "điểm nghẽn" đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới. Nghị quyết Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương lần này và Luật Hợp tác xã (bổ sung, sửa đổi) sẽ thể hiện những quan điểm, giải pháp đúng đắn và đồng bộ để kinh tế hợp tác và HTX có điều kiện phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.