Tạo cơ chế đột phá để phục hồi, phát triển kinh tế

Ðại dịch Covid-19 cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế toàn cầu và thiết lập một trật tự mới, buộc nhiều quốc gia phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế. Với Việt Nam, đây là giai đoạn khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), đòi hỏi phải có những phân tích, đánh giá sâu sắc để đưa ra những giải pháp chính xác, kịp thời và phù hợp nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Ðại hội XIII của Ðảng đề ra.

Các kỹ sư của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) trao đổi công việc trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.
Các kỹ sư của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) trao đổi công việc trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Kinh tế phục hồi nhưng chưa vững chắc

Sáu tháng đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đạt 5,64%, cao hơn 3,82 điểm phần trăm so mức tăng cùng kỳ năm 2020, là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát kéo dài tại nhiều địa phương và trong các khu công nghiệp lớn. Tính riêng quý II/2021, tăng trưởng đạt 6,61%, cao hơn 6,22 điểm phần trăm so mức tăng cùng kỳ. Những con số này thể hiện trong khó khăn, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy bị tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19 nhưng các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế vẫn được duy trì. Cụ thể, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng 8,91%, cao hơn nhiều so mức tăng 2,91% của cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2%, trong đó, xuất khẩu tăng 28,4%, nhập khẩu tăng 36,1%, chủ yếu tăng mạnh ở danh mục máy móc, nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế khi vừa bảo đảm lương thực, thực phẩm trong nước, vừa hướng ra xuất khẩu. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,82% và tăng mạnh nhất ở lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, đóng góp 8,17% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%...

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế chưa vững chắc. Năng lực nội tại của nền kinh tế còn yếu trong khi dịch bệnh vẫn đang tấn công trực tiếp vào các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng và những địa bàn vốn là "đầu tàu" tăng trưởng như TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương… Chỉ số sản xuất công nghiệp của các tháng trong quý II/2021 có xu hướng giảm dần mức tăng trưởng do dịch Covid-19 xâm nhập "thành trì" sản xuất công nghiệp. Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế cũng xuất hiện những con số kém lạc quan khi chặng đường phía trước còn rất nhiều rủi ro, thách thức với dự báo dịch bệnh còn kéo dài, khó kiểm soát. Mức tăng trưởng đạt được trong sáu tháng đầu năm vẫn thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Tốc độ tăng trưởng 5,64% của nửa đầu năm chưa phải là cao, xét trên cả góc độ nền thấp của cùng kỳ năm trước và so với tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ðó là chưa kể tác động của dịch bệnh trong tháng 5, tháng 6 chưa phản ánh nhiều vào các chỉ số kinh tế vĩ mô sáu tháng đầu năm. Ðại dịch Covid-19 đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế toàn cầu và thiết lập một trật tự mới, buộc nhiều quốc gia phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế. Ðể không bị lỡ "chuyến tàu" lịch sử, Việt Nam cần có chiến lược cải cách mang tính tái cấu trúc thích ứng với sự thay đổi này. Yêu cầu đặt ra lúc này là cần phân tích sâu hơn từng khu vực đóng góp cho tăng trưởng để đánh giá thực lực của nền kinh tế và trả lời được các câu hỏi: Nội lực của nền kinh tế hiện nay ra sao sau hơn một năm chống chịu trước đại dịch Covid-19; doanh nghiệp Việt Nam đã "ngấm đòn" đến đâu, có đủ sức bật dậy hay không; động lực tăng trưởng trong giai đoạn mới của nền kinh tế Việt Nam là gì; làm thế nào để vừa tạo ra các động lực tăng trưởng mới trong khi vẫn triển khai hiệu quả các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra…? Trả lời được những câu hỏi đó cũng chính là thực hiện được thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực của nền kinh tế cũng như nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bắt đúng "mạch" phát triển kinh tế thế giới

Trong ngắn hạn, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn đến từ đầu tư công, sản xuất công nghiệp và sự phục hồi của cộng đồng kinh doanh nhưng yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thiết lập được nền tảng kinh tế mới.

Nhìn ra toàn cầu, các cường quốc thế giới đang đứng dậy rất nhanh nhờ vào bước chuyển hướng phát triển mạnh mẽ các ngành công nghệ cao và kinh tế số. PGS, TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế thực bị đổ vỡ thì thế giới tìm được công cụ để "khắc chế" Covid-19, đó là kinh tế số. Vì thế, năm 2020 kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 4,5% nhưng năm nay có thể bật tăng 5%, Trung Quốc có thể tăng trưởng từ 8-9%. Thế giới hơn một năm qua cũng xuất hiện nhiều tỷ phú mới vì họ bắt đúng mạch phát triển ở vào thời điểm chuyển đổi kinh tế số trên toàn cầu. Việt Nam cần có tầm nhìn cho thế hệ doanh nghiệp tương lai, hướng đến các ngành nghề mới, kinh tế số, đổi mới sáng tạo và phải thiết lập được chuỗi sản xuất. Giải pháp cho tầm nhìn đó là thúc đẩy kinh tế số, bắt đúng mạch phát triển của kinh tế thế giới để bật dậy với một năng lượng mới, sức vóc mới.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, kết quả tăng trưởng cao của một số nền kinh tế thế giới sáu tháng qua đều có động cơ chính nằm ở các ngành công nghệ, tăng năng suất lao động do ứng dụng công nghệ… Họ không chờ, mà bắt tay vào thúc đẩy sự thay đổi cùng lúc với chống dịch. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Ngay lúc này, các kế hoạch, phương thức kinh doanh mới cần được khuyến khích, không chỉ theo nghĩa bù đắp cho sự sụt giảm của các mô hình truyền thống, mà còn chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú huých quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững. "Rất có thể những ngành nghề tạo ra tăng trưởng cho Việt Nam hơn 30 năm qua, như gia công xuất khẩu, ngành nghề thâm dụng lao động không còn là bệ đỡ của tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Do đó, phải tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sự phục hồi của khu vực DN trên nguyên tắc lựa chọn ngành nghề, phương thức kinh doanh mới. Ðối với DN tư nhân, phải tháo bỏ mọi rào cản để nguồn lực lớn trong dân cư được bùng nổ, chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì tìm nơi trú ẩn hoặc đầu tư vào các kênh rủi ro mỗi khi kinh tế có biến động. Ðối với DN nhà nước, phải thay đổi quản trị và trao quyền tự chủ cho DN để khu vực nắm giữ nguồn lực công rất lớn này tham gia hiệu quả vào quá trình phục hồi kinh tế", TS Nguyễn Ðình Cung nói.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua ở mức cao nhưng tốc độ tăng trưởng đang giảm dần qua các kỳ chiến lược và thấp hơn mức tiềm năng. Cách thức tăng trưởng vẫn chủ yếu theo chiều rộng, vì vậy cần có cải thiện đủ lớn về hiệu quả đầu tư, về mức tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp thì mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Ðại hội XIII của Ðảng đề ra và thu hẹp được khoảng cách với các quốc gia phát triển. Những vấn đề này cần được nhận diện, phân tích để từ đó đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tế, có tính đột phá, khả thi cao.