Phát triển logistics ở vùng kinh tế trọng điểm (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Phát triển nhanh, bền vững dịch vụ logistics

Theo Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTÐ) phía nam là cửa ngõ trọng yếu của các tuyến hàng hải vận chuyển đi quốc tế. Tiềm năng rất lớn nhưng hệ thống logistics của TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế.

Cùng với hệ thống cảng biển, việc phát triển và hoàn thiện dịch vụ hậu cần cảng, phát triển Trung tâm logistics Cái Mép Hạ ... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh: LÊ ANH TUẤN
Cùng với hệ thống cảng biển, việc phát triển và hoàn thiện dịch vụ hậu cần cảng, phát triển Trung tâm logistics Cái Mép Hạ ... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Với đặc thù hoạt động trải dài qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, phạm vi hoạt động rộng, đa phương thức nên không DN logistics nào có thể đảm nhiệm tất cả các khâu trong chuỗi dịch vụ. Việc liên kết giữa các DN trong và ngoài nước nhằm khép kín chuỗi cung ứng là yêu cầu bắt buộc.

Ðẩy mạnh liên kết, chuyển đổi số

Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép Nguyễn Xuân Kỳ phân tích, logistics là ngành dịch vụ có tính khoa học và chính xác cao. Các hãng tàu lớn trên thế giới từ lâu đã số hóa mọi hoạt động của mình. Do đó, DN cảng trong nước không thể chậm trễ trong việc chuyển đổi số (CÐS). Thực tế, CÐS sẽ giúp tối ưu lộ trình vận tải, giảm tình trạng tải rỗng đường về, kiểm soát hiệu quả phương tiện vận chuyển và các chi phí liên quan. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept Phạm Quốc Long, hầu hết các DN logistics Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính còn yếu, thiếu sự liên kết giữa các DN với nhau cũng như với các DN sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu. Thế nên, các DN dịch vụ logistics trong nước chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, đơn nhất trong chuỗi cung ứng với giá trị gia tăng thấp. Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, việc thiếu liên kết giữa hệ thống vận tải, thanh toán và các đơn vị vận đơn trung gian sẽ khiến DN logistics trong nước nhanh chóng tụt hậu so với các DN nước ngoài.

Ðể các DN logistics trong nước lớn mạnh, mở rộng được phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam, hơn lúc nào hết, các DN cần đẩy mạnh liên kết, giữa DN logistics với DN sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin để nâng cao năng lực nội tại. Muốn làm được điều đó cần sớm hình thành mạng lưới các DN lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa trong nước.

Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, thực hiện CÐS giúp DN giảm chi phí làm các thủ tục giao hàng, bến cảng. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam còn khá cao và chưa xây dựng được chuỗi hệ thống kết nối vận tải. Nếu CÐS mạnh mẽ hoạt động logistics sẽ hỗ trợ kết nối thông tin đồng bộ, giúp các DN phối hợp trong khâu vận chuyển, từng bước tiết giảm chi phí vận chuyển. Cùng chung nhận xét, Phó Chủ tịch Hội xuất, nhập khẩu Ðồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, với 32 khu, 27 cụm công nghiệp phát triển năng động và nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn, dịch vụ logistics của Ðồng Nai đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, dịch vụ logistics trên địa bàn còn phụ thuộc vào TP Hồ Chí Minh vì các hãng tàu lớn đều không có văn phòng tại Ðồng Nai, do đó hầu hết hoạt động xuất, nhập khẩu lớn đều thực hiện qua hệ thống cảng Cát Lái, thiếu tính liên kết.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, xu thế hiện nay là ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động logistics. Việc sử dụng robot, các phần mềm tính toán hiệu quả logistics, thương mại điện tử... hiện đã và đang được sử dụng rất nhiều trên thế giới và Vùng KTTÐ phía nam cũng đã bắt đầu vào cuộc. Cùng với đó, việc đầu tư phát triển và đào tạo con người sẽ tạo cơ hội để vùng ngày càng phát triển, bắt kịp với bước chuyển mình của thế giới.

Sớm hoàn thiện kết nối hệ thống giao thông vùng

Sự hỗ trợ hiệu quả nhất của Chính phủ hiện nay cho hoạt động logistics là đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối các trung tâm sản xuất hàng hóa trong nước với các trung tâm logistics lớn trong khu vực. Các hãng tàu đưa hàng xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ, kể cả sang các thị trường châu Á hiện nay đều bằng các tàu lớn, do đó tất nhiên cũng cần nguồn hàng lớn.

Theo quy hoạch tổng thể, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ðồng Nai) sẽ là những trung tâm logistics lớn của cả khu vực. Việc kết nối hệ thống giao thông giữa các địa phương, các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trong vùng với các trung tâm logistics sẽ quyết định quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ lâu, hệ thống giao thông kết nối vùng đã bộc lộ nhiều hạn chế, tập trung chủ yếu vào giao thông đường bộ vốn đã quá tải, chưa kết nối hiệu quả giữa đường bộ và đường thủy, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải có sức chuyên chở lớn và giá cả cạnh tranh như đường sắt, đường thủy nội địa.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với gần 50 dự án cảng biển đã đi vào hoạt động, công suất quy hoạch hơn 155 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, tuyến quốc lộ 51 nối Bà Rịa - Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã nhanh chóng quá tải. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh xác định chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng. Tập trung triển khai các dự án như đường 991B, cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Long Sơn - Cái Mép, Phước Hòa - Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải. Xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung. Thúc đẩy phát triển các dự án cảng thủy nội địa… Tỉnh cũng xem xét để sớm có phương án triển khai nạo vét tuyến luồng hàng hải và nâng cấp toàn bộ tuyến luồng theo quy hoạch, bảo đảm độ sâu an toàn cho các tàu lớn ra vào cảng. Tăng cường cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng.

Với định hướng tiếp tục phát triển công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ, dịch vụ logistics phục vụ cho công nghiệp là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Ðồng Nai. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, một trong những vấn đề quan trọng của Ðồng Nai là đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông kết nối. Ðể có thể phát huy tối đa lợi thế của sân bay Long Thành, tỉnh Ðồng Nai cần có quy hoạch và đầu tư bài bản cho hệ thống giao thông kết nối. Ðồng thời chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối cảng biển ở huyện Nhơn Trạch sau khi Chính phủ đồng ý thực hiện điều chỉnh khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An thành khu công nghiệp dịch vụ kho bãi hàng hóa, bến sà-lan, ga tàu trung chuyển… phục vụ hoạt động giao thông vận tải và logistics trên địa bàn và Vùng KTTÐ phía nam.

Ðóng vai trò đầu tàu Vùng KTTÐ phía nam, TP Hồ Chí Minh đã thông qua Ðề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2030, là cơ sở pháp lý quan trọng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong 10 năm tới. Theo đó, thành phố ưu tiên nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm từng bước hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông gắn với liên kết vùng. Cụ thể là các dự án liên kết vùng như: đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước). Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm kết nối khu, cụm công nghiệp và khu chế xuất, cảng biển; các dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường sắt đô thị, hạ tầng đường thủy.

Còn tại tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các tuyến đường kết nối vùng. Song song với đó, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), các bến, bãi, điểm trung chuyển hàng hóa gắn với lộ trình phát triển công nghiệp và đô thị. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có chỉ đạo nâng cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Ðồng Nai 1 đạt cấp kỹ thuật luồng, tuyến. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ðồng Tâm Group Võ Quốc Thắng, việc phát triển luồng logistics hàng xuất, nhập container qua Cảng quốc tế Long An bằng đường thủy sẽ góp phần giảm tải cho tuyến đường bộ vận chuyển truyền thống, giúp DN cắt giảm thời gian và chi phí, giải phóng nhanh lượng hàng nhập khẩu tại các cảng ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, logistics đường thủy nội địa sẽ tạo ra tuyến di chuyển hàng hóa nhanh chóng giữa Cái Mép và miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, Cảng quốc tế Long An sẽ kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3 sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông thuận lợi đến các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương...