Phát triển kinh tế rừng ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc

Bài 2: Thực hiện những giải pháp đột phá

Sản xuất nguyên liệu bán thành phẩm ở Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: HẢI CHUNG
Sản xuất nguyên liệu bán thành phẩm ở Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: HẢI CHUNG

Mặc dù kinh tế rừng ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, giá trị sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng và đã bộc lộ bất cập. Ðể lâm nghiệp thật sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ngoài việc khắc phục những hạn chế, cần có chính sách huy động các nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành, sau khi mở rộng diện tích và khối lượng cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía bắc nước ta hiện có 5,3 triệu héc-ta rừng, chiếm 36,3% tổng diện tích rừng cả nước. Diện tích rừng trồng là rừng sản xuất của khu vực này là 1,3 triệu héc-ta, chiếm khoảng 37% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất của cả nước. Tuy nhiên, năng suất rừng trồng còn thấp, hiện chỉ đạt 15m3/ha/năm (bằng 83% năng suất bình quân chung cả nước, bằng khoảng 50 đến 60% so với tiềm năng), chất lượng nguyên liệu không cao.

Nguyên nhân là do các hộ dân chưa đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng tốt, số cây mô và hom mới chiếm 25%, còn lại là 75% số cây hạt. Ðiều kiện nơi trồng không thuận lợi, nhiều nơi có độ dốc hơn 300, đất trồng bị suy thoái do chu kỳ khai thác ngắn và ít có điều kiện thâm canh. Chi cục trưởng Kiểm lâm Yên Bái, Nguyễn Thái Bình cho biết: Hiện, diện tích đất lâm nghiệp của các hộ gia đình còn manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến đầu tư cho lâm nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Gần đây, người dân đã chú trọng hơn đến giống cây trồng, nhưng một số người vẫn mua giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc về trồng, hoặc tự sản xuất giống từ những cây khỏe mạnh trong rừng trồng của mình, dẫn đến chất lượng cây giống không bảo đảm, năng suất, sản lượng, phẩm chất gỗ khi thu hoạch chưa đạt giá trị cao.

Ngay cả các tỉnh có lợi thế phát triển rừng sản xuất như Thái Nguyên, kinh tế rừng phát triển nhanh, nhưng giá trị ngành này hiện mới chỉ chiếm 4% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản, bởi sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, phổ biến là cây keo, chu kỳ khai thác phổ biến từ 5 đến 6 năm, sản lượng bình quân đạt 65 đến 70 m3/ha, khi rừng đang cho sinh khối lớn thì đã khai thác, giá trị chỉ đạt từ 80 đến 90 triệu đồng/ha, trong khi đó nếu kéo dài chu kỳ khai thác từ 12 năm trở lên thì giá trị sẽ tăng lên từ 2,5 đến 3 lần.

Năng lực chế biến lâm sản của các tỉnh trung du, miền núi phía bắc còn hạn chế, cả vùng hiện chỉ có 118 nhà máy chế biến gỗ (bằng 7% số lượng nhà máy chế biến cả nước), phân bố không đều, với công suất thấp, chỉ đạt 3,1 triệu m3 sản phẩm/năm, chưa đáp ứng yêu cầu chế biến 5,2 triệu m3 gỗ nguyên liệu hiện nay và khoảng 9 triệu m3 gỗ hằng năm từ năm 2022 trở đi. Liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị gỗ chưa chặt chẽ do sự phân bố của nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu phân tán; số lượng hợp tác xã lâm nghiệp còn quá ít (mới có 77 hợp tác xã), năng lực hợp tác, liên kết còn hạn chế.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp phân tích, những hạn chế, bất cập nêu trên do cơ chế, chính sách của các địa phương chưa đủ mạnh để thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực này. Khu vực các tỉnh miền núi phía bắc tập trung nhiều tỉnh nghèo, thu ngân sách hạn chế, nếu không có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư thì rất khó phát triển bứt phá. Ngoài ra, cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm lâm nghiệp để hình thành và phát triển chuỗi giá trị lâm sản đều yếu. Như ở Yên Bái, do tỉnh chưa có các chính sách đồng bộ trong đầu tư phát triển rừng trồng là rừng sản xuất gắn với đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Ngoài sản xuất ván nhân tạo, thì các hoạt động chế biến lâm sản chưa được đưa vào danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư của tỉnh; chưa có các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng nguyên liệu lâm sản tập trung. Năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ còn nhiều hạn chế, cán bộ kỹ thuật còn thiếu và yếu, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, đến khả năng tiếp thu, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ. Phần lớn các cơ sở sản xuất có quy mô công suất nhỏ, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Sản phẩm sản xuất ra còn ở dạng sơ chế, giá trị thấp; sản lượng một số sản phẩm xuất khẩu trực tiếp đạt thấp…

Chưa kể, do địa hình phức tạp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, việc cấp chứng chỉ rừng còn khó khăn, năng suất rừng thấp, khoảng cách địa lý đến nơi tiêu thụ sản phẩm lớn, cho nên nhiều trường hợp giá thành sản phẩm cao hơn giá bán, làm giảm lợi thế cạnh tranh. Tỉnh Hà Giang có 88.000 ha rừng trồng, mặc dù diện tích rừng trồng lớn, nhưng nguồn lợi đem lại từ rừng chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài việc người dân trồng rừng chưa quan tâm đến việc đầu tư chăm sóc, cho nên năng suất, sản lượng gỗ rất thấp, năng suất dao động từ 60 đến 100 m3/ha, thì điều kiện địa hình phức tạp làm cho chi phí trồng rừng cao, nhưng giá bán gỗ lại thấp, dẫn đến người dân chưa mặn mà với trồng rừng sản xuất. Ðơn cử như tại xã Vô Ðiếm (huyện Bắc Quang) có 1.000 hộ dân tham gia trồng 2.816 ha rừng. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Vũ, hiện tại, 80% đường từ trung tâm các thôn lên khu rừng trồng là đường đất, thậm chí nhiều nơi chưa có đường, vì thế chi phí trồng rừng lớn, giá bán gỗ lại thấp. Sau mỗi chu kỳ sản xuất tám năm, mỗi ha rừng thu được khoảng 60 m3 gỗ, trừ các chi phí đầu tư, thì lợi nhuận thu được 32 triệu đồng, tính ra người dân chỉ thu được khoảng 4 triệu đồng/ha/năm.

Hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tới là xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Trong đó, các tỉnh miền núi phía tây bắc được định hướng phát triển rừng sản xuất theo hướng trồng rừng nguyên liệu, nông lâm kết hợp, trồng lâm sản ngoài gỗ như thảo quả, sơn tra, sa nhân, mắc-ca, tre, nứa..., phát triển lâm nghiệp cộng đồng. Vùng trung du, miền núi phía đông bắc được định hướng trồng rừng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến, thương mại lâm sản, nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ như hồi, quế, tre, nứa…

Từ mục tiêu, định hướng phát triển nêu trên, mỗi địa phương có giải pháp riêng về cơ chế, chính sách, tổ chức sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, chế biến lâm sản… để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo sự đột phá phát triển kinh tế rừng, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương và lợi ích của người dân, hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua Ðề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rừng gỗ lớn và cây quế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ hỗ trợ tổ chức, hộ dân 15 triệu đồng/ha để trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm như trám, lát, lim, dổi, sấu; hỗ trợ 10 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh (cây keo); hỗ trợ công bảo vệ rừng với mức 400 nghìn đồng/năm, trong thời gian bảy năm (từ năm thứ tư đến năm thứ mười) để chuyển hóa rừng keo từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hỗ trợ 100% kinh phí cấp chứng chỉ FSC. Từ năm 2021 tỉnh rà soát, chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất lên khoảng 105.000 ha để phát triển kinh tế rừng. Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư nhà máy chế biến gỗ và ván sợi, nhà máy sản xuất gỗ dán, gỗ viên nén có quy mô vừa và lớn, công nghệ hiện đại để giải quyết ổn định đầu ra, nâng cao giá trị gia tăng của gỗ rừng trồng, tạo nguồn thu ngân sách.

Tỉnh Phú Thọ thời gian tới đẩy mạnh trồng rừng sản xuất tập trung, tuyển chọn giống có chất lượng đưa vào sản xuất, mở rộng diện tích rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ và rừng được cấp chứng chỉ FSC để nâng cao năng suất, giá trị của gỗ nguyên liệu và phát triển bền vững. Phát triển 800 ha rừng trồng quế và các sản phẩm ngoài gỗ có thế mạnh như mây tre, dược liệu.. tại bốn huyện: Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa. Nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm gỗ qua chế biến, giảm tỷ lệ chế biến thô, tăng tỷ lệ chế biến sâu, đưa lâm nghiệp thật sự trở thành ngành kinh tế có hiệu quả cao, tạo việc làm, thu nhập người dân, nhất là đồng bào dân tộc miền núi. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng hai lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng suất giá trị rừng trồng, phấn đấu đưa năng suất rừng năm 2025 đạt bình quân từ 110 đến 120 m3/ha/chu kỳ, nâng khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ từ khai thác rừng sản xuất cho chế biến trong tỉnh lên khoảng 1,6 triệu m3/năm; bảo đảm vùng cung cấp gỗ nguyên liệu ổn định cho nhu cầu công nghiệp chế biến và sử dụng trong tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng để người dân sống được bằng nghề rừng. Ðưa Tuyên Quang trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước.

Nghị quyết của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 -2025 xác định xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng trung du và miền núi phía bắc tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để nâng cao tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp của Yên Bái và các tỉnh khác trong khu vực, đồng thời xây dựng được thương hiệu ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ toàn khu vực trung du và miền núi phía bắc. Tỉnh cũng đẩy mạnh trồng rừng sản xuất theo hướng quản lý rừng bền vững (FSC) trong giai đoạn 2021- 2025, để đến năm 2025 có 100.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC bằng việc xây dựng chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất theo hướng FSC chi phí mua cây giống, nhằm tăng năng suất khoảng 30% so với phương thức truyền thống, giá bán gỗ nguyên liệu được cấp chứng chỉ tăng từ 15 đến 20%.

Tại tỉnh vùng cao, có địa hình chia cắt như Lào Cai thì tập trung phát triển, khai thác lâm sản ngoài gỗ và đầu tư chế biến sâu gỗ rừng trồng để nâng cao giá trị kinh tế rừng ở địa phương. Tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và đất đai, tỉnh khuyến khích người dân trồng quế, cây thông mã vĩ và cây bồ đề. Tại các huyện biên giới vùng cao, đất dốc, khô hạn, tỉnh đã khảo nghiệm thành công trồng cây hồi, cây sa nhân tím là những loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài những giải pháp cụ thể nêu trên của các địa phương, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Phạm Văn Ðiển nhấn mạnh giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị lâm sản, hướng mạnh ra toàn cầu. Tạo cơ chế và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã lâm nghiệp "làm tổ" tại mỗi vùng nguyên liệu. Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho chủ rừng; hỗ trợ cho người dân, thanh niên khởi nghiệp từ rừng. Tiếp đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc mở rộng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó có chi trả dịch vụ thương mại các-bon rừng, trao đổi, giao dịch hạn ngạch giảm phát thải. Phát triển "chợ điện tử", coi đây là một phương thức thường xuyên trong thương mại và tiêu thụ sản phẩm, tiến tới nền lâm nghiệp thông minh, cân bằng và hội nhập, phù hợp với sự đổi thay của thế giới và với cả bối cảnh rủi ro hay dịch bệnh khó lường.

Hy vọng rằng, từ những chủ trương, định hướng phát triển và những giải pháp cả ở tầm vĩ mô và vi mô nêu trên, trong thời gian tới, các tỉnh trung du, miền núi phía bắc nói riêng và các tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong cả nước nói chung sẽ tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự phát triển đột phá trong kinh tế rừng, đưa lâm nghiệp thật sự trở thành ngành kinh tế hiện đại, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

----------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 1-6-2021.