Cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ xi-măng

Cung vượt xa cầu, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao,… đã và đang tác động lớn đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xi-măng. Nhiều đơn vị đã phải điều chỉnh giá bán, tăng từ 5 đến 8% so đầu năm nhằm bù đắp chi phí đầu vào. Tuy nhiên, đây là "con dao hai lưỡi", nếu không cao tay, xi-măng từ nước ngoài rất có thể sẽ bị đẩy ngược vào tiêu thụ trong nước.

Xuất bán xi-măng tại hệ thống kho bãi của Vicem Hoàng Thạch.
Xuất bán xi-măng tại hệ thống kho bãi của Vicem Hoàng Thạch.

Việc tìm kiếm các giải pháp để cân bằng lại thị trường được các doanh nghiệp xi-măng đặt lên hàng đầu và kỳ vọng những tháng cuối năm, tình hình tiêu thụ được cải thiện, góp phần hoàn thành mục tiêu cả năm.

Áp lực dồn dập

Vừa tạm hồi phục sau khoảng thời gian nới lỏng giãn cách, "làn sóng" dịch Covid-19 thứ tư lại bùng phát tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố trọng điểm phía nam đã khiến nhu cầu xây dựng nói chung và sử dụng xi-măng nói riêng "khựng" lại. Hầu hết các doanh nghiệp xi-măng phải tiết giảm công suất, sản lượng, kéo theo tình hình tiêu thụ ảm đạm. Tiếp đến, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất xi-măng như: điện, than, dầu, thạch cao,… đều tăng mạnh, trong đó, nhiên liệu than chiếm tỷ trọng khoảng 40 đến 45%, dẫn đến giá thành sản xuất xi-măng tăng đột biến 110% so cùng kỳ và 75% so hồi đầu năm, buộc các doanh nghiệp xi-măng phải tăng giá bán trong tháng 10 lên khoảng 80 đến 100 nghìn đồng/tấn tùy thương hiệu. Nhiều đơn vị cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nhưng vẫn không thể bù đắp được tỷ lệ tăng giá.

Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (Vicem) cho biết, toàn ngành xi-măng tiêu thụ tại thị trường trong nước trong quý III đạt gần 12 triệu tấn, giảm khoảng 24% so cùng kỳ. Riêng Vicem đạt gần bốn triệu tấn, giảm khoảng 21% so cùng kỳ và bằng 71,5% so kế hoạch quý. Việc xuất khẩu xi-măng của Vicem cũng đang có xu hướng giảm do thị trường xuất khẩu chính là Philippines, Trung Quốc gặp khó khăn do đang trong mùa mưa bão và tình trạng bùng phát dịch bệnh gần đây, cước tàu biển tăng cao, rất khó thuê được tàu. Theo kế hoạch, trong quý III, Vicem dự kiến đạt doanh thu thuần 8.890 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 428,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, trong quý III, lợi nhuận trước thuế của Vicem sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt hơn 3% kế hoạch (khoảng 13 tỷ đồng), bằng 2,4% so cùng kỳ. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp thành viên của Vicem giảm mạnh, hầu hết nguyên nhân do tiêu thụ khó khăn tại thị trường trong nước, các đơn vị không thể tăng giá bán, lãi gộp hầu hết đều giảm mạnh. Quý III vừa qua được ghi nhận là quý có bức tranh sản xuất, kinh doanh hết sức ảm đạm của ngành xi-măng, nhiều đơn vị bị thua lỗ.

Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung nhận định, xuất khẩu xi-măng năm nay tốt hơn và là cứu tinh cho tình hình tiêu thụ chung do một số nước sử dụng nhiều xi-măng bị khủng hoảng năng lượng, nên phải dừng hoạt động nhiều nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu này không nhiều, chỉ tăng khoảng 5% so năm 2020 và giá xuất khẩu cũng không có biến động lớn. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, nguyên, nhiên liệu đầu vào khan hiếm và giá tăng cao. Những tháng cuối năm, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án xây dựng. Theo dự báo, mức tiêu thụ xi-măng sẽ được cải thiện, sản lượng có khả năng đạt gần bằng năm trước, nhưng xét về mặt tài chính, hiệu quả thấp hơn nhiều.

Cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ xi-măng -0

Dây chuyền vận chuyển xi-măng đi tiêu thụ. 

Ðiều chỉnh phù hợp các giải pháp

Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc phân tích, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xi-măng cần dựa trên cơ sở thực tế tình hình kiểm soát dịch bệnh, các yếu tố đầu vào và cung cầu của thị trường để điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như giá bán sản phẩm. Tín hiệu khả quan là lượng tiêu thụ xi-măng những tháng cuối năm đã nhích lên chút ít. Theo đó, tháng 10, cả nước tiêu thụ ước đạt 7,5 triệu tấn, lũy kế 10 tháng ước đạt gần 84 triệu tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu vẫn đóng vai trò chủ lực (10 tháng đạt khoảng 35,46 triệu tấn, tăng 12,5% so cùng kỳ). Với chiến lược mới về kiểm soát dịch bệnh, chắc chắn thị trường xây dựng sẽ từng bước phục hồi trở lại. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh các kênh phân phối bán hàng, tối ưu hóa hệ thống logistics, các doanh nghiệp xi-măng cần tự điều tiết giữa sản xuất và tiêu thụ, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, dẫn đến tồn kho sản phẩm lớn. Ðồng thời, tiếp tục giữ mối liên hệ với các bộ, ngành liên quan để tìm kiếm, nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu mới, nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong nước. Hiện, xuất khẩu xi-măng vẫn phụ thuộc vào các đầu mối, cũng như thị trường cũ, hầu hết doanh nghiệp xi-măng trong nước chưa thể tiếp cận trực tiếp thị trường nước ngoài, phải qua khâu trung gian, do đó hiệu quả xuất khẩu chưa cao.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Vicem Hoàng Thạch (Vicem), mặc dù là một trong những đơn vị duy trì khá ổn định sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng tiêu thụ 10 tháng ước đạt 4,28 triệu tấn, tăng 7,79% so cùng kỳ, tuy nhiên công ty cũng xác định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp sản xuất và tiêu thụ của đơn vị. Thời gian qua, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, thu nhập của người dân còn bấp bênh, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, các công trình, dự án lớn bị chậm tiến độ,... Ðây đều là những yếu tố tác động tiêu cực đến sức tiêu thụ của ngành xi-măng nói chung và Vicem Hoàng Thạch nói riêng, làm gia tăng áp lực lên giá thành sản xuất, tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh giải pháp bảo đảm an toàn sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, công ty cũng tập trung xây dựng các phương án tổng thể nhằm tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của nguyên vật liệu đầu vào tới giá thành. Ðồng thời, tiếp tục bám sát tình hình thực tế thị trường tiêu thụ để xây dựng các kịch bản phù hợp; triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và kinh doanh; tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu,…

Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh cho biết, trước những áp lực đối với ngành xi-măng, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm, chặng đường ngắn gần hai tháng cuối năm đang bộc lộ rất nhiều khó khăn, thách thức. Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục tối ưu hóa, nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường. Vicem cũng chỉ đạo các đơn vị cân đối việc huy động năng lực thiết bị hợp lý, tiến hành cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa, tối ưu hóa điều kiện hoạt động của thiết bị, sẵn sàng tăng sản lượng sản xuất khi có tín hiệu tốt từ thị trường. Mặt khác, xúc tiến đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, thực hiện các thủ tục xin phê duyệt trữ lượng, cấp phép, nâng cao công suất khai thác mỏ nguyên liệu của các đơn vị thành viên. Ðồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu thụ nhằm phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy, tối ưu hóa hoạt động logistics, tận dụng mọi lợi thế về thương hiệu của Vicem để tăng thị phần; mở rộng thêm thị trường xuất khẩu tại Mỹ, khu vực Nam Mỹ, Ðông Phi,...

Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung nhận định, mặc dù giá nguyên, nhiên liệu đầu vào của xi-măng tăng cao thời gian qua, song các đơn vị sản xuất cần lưu ý về giá bán, không thể tăng quá cao do còn phụ thuộc giá của thế giới. Nếu tăng giá cao, có sự chênh lệch, một lượng lớn xi-măng thế giới sẽ đổ ngược vào thị trường trong nước, dẫn đến tiêu thụ xi-măng sản xuất trong nước gặp bất lợi. Bên cạnh đó, tiêu thụ xi-măng phụ thuộc vào chính sách về đầu tư xây dựng và lĩnh vực này còn khá nhiều tiềm năng. Hiện, tại các địa phương, đầu tư hạ tầng giao thông-thủy lợi đang được chú trọng, nhưng chính sách kích cầu, tiêu thụ xi-măng chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, ngành xi-măng cần tham vấn, khuyến nghị chính sách với các bộ, ngành và địa phương trong huy động nguồn lực, xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng bằng bê-tông xi-măng, giúp tăng cao nhu cầu sử dụng, tiêu thụ xi-măng, góp phần cân bằng thị trường cung đang vượt cầu như hiện nay.