Bảo vệ các cơ sở sản xuất

Một tháng sau khi triển khai Nghị định 52/2021/NÐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, ước tính đã có hơn 26 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất được giãn, hoãn nộp cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Không dừng ở đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian giảm 29 khoản phí, lệ phí đến hết năm nay thay vì hiệu lực thi hành đến hết ngày 30-6. Nghĩa là đến cuối năm, sẽ tiếp tục có hơn 100 nghìn tỷ đồng được tạm thời để lại cho DN cầm cự chống dịch, thay vì nộp vào ngân sách nhà nước.

Ðây là những nỗ lực của Bộ Tài chính để chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN, trong bối cảnh dư địa hỗ trợ của chính sách tài khóa cho DN năm 2021 không còn nhiều. Nhìn lại "sức khỏe cỗ máy" tăng trưởng, tình hình khu vực DN hiện nay đã có nhiều khác biệt so với năm trước. Số lượng DN thành lập mới và quay lại sản xuất cơ bản không có nhiều thay đổi nhưng số DN tạm dừng kinh doanh lại tăng rất cao. Dữ liệu này cho thấy đây không phải là cuộc tái cơ cấu chủ động trong cơ chế thị trường mà DN đang ở giai đoạn đuối sức sau hơn một năm chống chịu trước đại dịch Covid-19. Ở lần bùng phát thứ tư, dịch Covid-19 tác động trực diện vào các cơ sở sản xuất tạo động lực chính cho tăng trưởng là các khu công nghiệp cho nên chắc chắn sẽ gây thiệt hại nhiều hơn nữa cho khu vực sản xuất. Ðiều đó khiến quá trình phục hồi kinh tế thêm trắc trở. Ðã có tổ chức nghiên cứu quốc tế lần đầu cập nhật hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021, từ mức 7,8% xuống còn 6,7% cho dù vẫn ghi nhận Việt Nam là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trong giai đoạn dịch Covid-19.

Muốn kinh tế trụ vững, cộng đồng DN phải khỏe. Mong muốn của DN lúc này là Nhà nước không ban hành những quyết định có thể làm gia tăng chi phí hoạt động, rà soát gỡ bỏ những quy định gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là giữ ổn định chính sách thuế, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới trong vài năm tới để DN yên tâm đầu tư, sản xuất. Chính sách hỗ trợ không chỉ dừng ở giãn, hoãn mà cần tính toán giảm thuế hoặc miễn thuế thu nhập DN và duy trì ít nhất đến năm 2022. Một số DN cũng đề xuất cần miễn, giảm thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh nhằm vực dậy khu vực này và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN.

Theo những kết quả khảo sát gần đây của VCCI, chính sách về thuế vẫn là đề xuất quan trọng nhất được các DN mong muốn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Về dài hạn, trong các giải pháp, ổn định môi trường chính sách thuế là nền tảng quan trọng để DN có thể tập trung phát triển, đồng thời thu hút những nhà đầu tư nước ngoài. Tình hình mới đòi hỏi giải pháp hỗ trợ DN, trọng tâm là chính sách tài khóa, tiền tệ cần chủ động, thần tốc với mục tiêu phải đúng thời điểm, đúng địa chỉ để vực dậy sức khỏe DN, bảo vệ các cơ sở sản xuất.