Rừng tàn thì làng mạt

Bài 2: Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ

NDO -

Ngược Quốc lộ 7 lên miền tây xứ Nghệ, dường như, chẳng bước chân lữ khách nào có thể một mạch xuyên qua cánh rừng săng lẻ mà không dừng lại một đôi lần. Cả “Khu rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương” rộng 241 ha ấy cứ mốc thếch, thẳng thớm vươn mình lên mãi vòm trời. Bao năm qua, cánh rừng săng lẻ độc nhất vô nhị đó không chỉ là niềm tự hào của bà con xã Tam Đình, của huyện Tương Dương, mà đã trở thành một trong những biểu tượng của cả tỉnh Nghệ An.

Rừng xăng lẻ, niềm tự hào xứ Nghệ.
Rừng xăng lẻ, niềm tự hào xứ Nghệ.

Từ tinh thần giữ rừng mang tên “Chính Nghĩa”

Nếu hỏi rừng săng lẻ ở miền Tây xứ Nghệ có từ bao giờ? Thì có lẽ, là tự ngàn đời như bao rừng già thăm thẳm trên trái đất này. Còn nếu hỏi vì sao xã Tam Đình giữ được cánh rừng săng lẻ độc nhất vô nhị đến tận ngày hôm nay? Thì câu trả lời: Là từ tinh thần giữ rừng của một cố Bí thư Huyện ủy Tương Dương - cụ Vi Chính Nghĩa.

Với bà con Tam Đình nói riêng và huyện Tương Dương nói chung, cụ Vi Chính Nghĩa như một “huyền thoại” giữ rừng. Đến độ nhiều năm dài, cả cánh rừng mênh mông này được bà con gọi là “Rừng ông Nghĩa”. Chuyện bắt đầu từ năm 1964, Lâm trường Tương Dương xin UBND tỉnh Nghệ An khai thác rừng săng lẻ. Bấy giờ đương kim Bí thư Huyện ủy Tương Dương Vi Chính Nghĩa đã viết đơn xin giữ lại cánh rừng, và tỉnh Nghệ An đồng ý.

Một thời gian sau, cụ Nghĩa về TP Vinh làm Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Ở Tương Dương, cánh rừng săng lẻ hơn 70 ha phải đối mặt với nạn chặt phá cây lấy gỗ. Lần nào từ Vinh về nhà, cụ Nghĩa cũng góp ý. Nhưng với lâm tặc, thì những lời của cụ khác nào đàn gảy tai trâu. Năm 1988, cụ Nghĩa về hưu, cánh rừng nguyên sinh từng che chở, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ cách mạng đã bị chặt không ít, nhiều khoảng chỉ còn trơ gốc. Liên tục nhiều năm, chứng kiến từng thân cây thăn thớ, bạc phếch bị đốn hạ mà không biết phải làm sao; đến một ngày, cụ Nghĩa xin xã, huyện cho mình được giữ rừng.

Bài 2: Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ -0

Cụ Vi Chính Nghĩa - cố Bí thư Huyện ủy Tương Dương, người tiên phong trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn cánh rừng săng lẻ.

Các bô lão trong tổ bảo vệ “Khu rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương” vẫn nhớ rõ: Ngày đó cụ Nghĩa xin một khẩu súng rồi vào rừng dựng lán, cụ bảo “tiền công giữ rừng có càng tốt, mà không có cũng làm”.

Công bằng mà nói, không chỉ cụ Nghĩa, mà đồng bào Thái ở xã Tam Đình (đặc biệt là bà con bản Quang Thịnh) từ lâu cũng đã có truyền thống giữ rừng. Năm 1989, bản Quang Thịnh còn văn bản hóa hương ước với những quy định, những điều cấm để bảo vệ cánh rừng: Người Quang Thịnh không được chặt hạ săng lẻ với bất cứ lý do nào, gia súc cũng không được chăn thả trong rừng săng.

Song, vì nhiều lý do mà rừng săng lẻ của Tam Đình vẫn ngã xuống, cũng như không phải 100% người dân đồng lòng bảo vệ. Và người quyết liệt giữ màu xanh dọc hai bên Quốc lộ 7, người sẵn sàng tiên phong đối đầu với nạn chặt phá rừng là cựu Bí thư Huyện ủy Vi Chính Nghĩa.

Bấy giờ cụ Nghĩa dựng lán, ngày đêm xách súng đi tuần khắp rừng săng lẻ; “chạm trán” những kẻ “phá sơn lâm, đâm hà bá”, họ ngang ngược hỏi rừng của ông mô mà ông giữ? Cụ nạt lại: Rừng của mi mô, răng mi phá? Ông Vi Dương Cảnh - người tiếp bước giữ rừng từ chú ruột Vi Chính Nghĩa nhớ: “Ngày nớ cụ Nghĩa canh rừng, có nổ súng dọa, có bắt giữ, có nói chuyện phải trái với cha mẹ chúng - nhờ họ giáo dục con cái đừng có vô phá rừng ni nữa”.

Vừa canh giữ nghiêm cẩn, vừa “dân vận”, lại nhiều năm uy tín trước chính quyền và nhân dân; cụ Nghĩa đã mời cả công an và kiểm lâm truy quyét lâm tặc trong cả rừng săng lẻ của bản Quang Thịnh cũng như những cánh rừng còn sót lại của xã Tam Quang.

Bài 2: Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ -0

Rất nhiều nếp nhà của bản Quang Thịnh hòa vào rừng săng như thế này. 

Từ 70 ha ban đầu, “Rừng đặc dụng săng lẻ” đã tăng theo cấp số nhân

Năm 2012, ông Vi Vĩnh Trường và một lão nông nữa đã thay ông cụ tuổi ngoài bát thập Vi Chính Nghĩa trông coi rừng săng lẻ. Cánh rừng đã trở thành niềm từ hào của miền Tây xứ Nghệ, nên cả khi địa phương chưa được áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, huyện Tương Dương vẫn trích mỗi tháng bốn triệu đồng gọi là phụ cấp cho hai thành viên tham gia giữ rừng.

Lâm tặc sạch bóng, bà con xã Tam Đình nói chung và bản Quang Thịnh nói chung đã dần dần nhận ra tầm quan trọng của rừng. Thế là từ 70 ha ban đầu cụ Vi Chính Nghĩa xin giữ lại, qua không ít “tổn thương”, rừng săng lẻ của đồng bào Thái nơi đây giờ đã có diện tích lên đến 241 ha! Ngày 10-1-2014, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chuyển đổi “Rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương” từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng tại Quyết định số 113/QĐ-UBND. Trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 53,85 ha, phân khu phục hồi sinh thái rộng 141,82 ha và vùng đệm là 45,93 ha.

Sáu năm trước, cụ Vi Chính Nghĩa về trời, song tinh thần giữ rừng mang tên ông vẫn như ngọn đuốc soi sáng lẽ sống nương nhờ thiên nhiên; như ngọn gió lành thổi bùng những bếp than hồng đang ủ ấm tinh thần giữ rừng - là giữ cho cả cộng đồng. Nhiều năm nay, đội giữ “Rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương dương” đã tăng lên 11 thành viên, đại diện cho 11 hộ của bản Quang Thịnh.

Ngay sau nhà ông Vi Dương Cảnh là rừng săng lẻ, dù mặt tiền của ngôi nhà chính là Quốc lộ 7. Chỉ vậy thôi, là có lẽ đã phần nào thấy rõ bà con Quang Thịnh sống hòa mình với “niềm tự hào của miền Tây xứ Nghệ” đến nhường nào. Rừng ấy, nhờ sức mạnh cộng đồng, giữ rừng bằng tinh thần “Chính Nghĩa” mà lan mãi, lan mãi và trở thành điểm dừng chân cho mọi chiếc xe du lịch và xe cá nhân đi ngang. 90 triệu đồng/năm/11 hộ tham gia giữ rừng, số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả còn khiêm tốn; song đó cũng là động lực để “Rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương” có được diện mạo như ngày nay.

Bài 2: Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ -0
Ông Vi Dương Cảnh (cháu ruột cụ Vi Chính Nghĩa) - tổ phó tổ bảo vệ “Khu rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương”. 

Đội giữ rừng có một Đảng viên là ông Vi Trường Vĩnh (tổ trưởng), một cựu binh chung huyết thống với cố Bí thư Huyện Ủy Vi Chính Nghĩa - ông Vi Dương Cảnh. 11 ông lão giữ rừng, nhưng quy củ đâu ra đấy.

Mỗi ngày hai ông - đại diện hai hộ mang dao rựa, đèn pin, điện thoại di động… phối hợp với kiểm lâm địa bàn đi tuần rừng. Kết thúc phiên tuần, các ông đều phải ghi lại vào “nhật ký tuần rừng”. Cây có đổ gãy trong rừng do gió bão thì sẽ được đưa về sử dụng trong các công trình chung của bản.

Giữ rừng có khó không? Câu hỏi đó, có lẽ không chỉ của riêng chúng tôi mà còn của rất rất nhiều người quan tâm đến môi trường, đến những cánh rừng được ví là “vàng” của đất mẹ Việt Nam.

Ông Cảnh vừa tự tin, vừa luôn ở tư thế sẵn sàng vào cuộc: “Những hộ làm việc không tốt với rừng đã phải bán cả trâu, cả nghé đi mà nộp phạt đấy. Không làm nghiêm là họ lấn tới, mất rừng như chơi. Rừng có cửa, dù vào rừng hay khiêng gỗ ra đều phải theo lối ấy. Chúng tôi luôn có “tai mắt” ở các cửa rừng. Giữ rừng có khó không? Có. Nhưng nếu thực sự muốn giữ thì vẫn giữ được tốt”.

Bài 2: Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ -0
Thân săng lẻ xù xì, mốc thếch, vươn thẳng tắp lên trời. 

Mở đường đi bộ ngắm rừng, giới thiệu sản vật của cộng đồng

Khúc đường cua giữa rừng săng, bất kỳ xe khách nào đi qua đều dừng lại, người trên xe bước xuống hít hà cái không khí vắt trong như muốn “lọc” bớt khói bụi phố thị. Gần đây, một dải đất ven những gốc săng lẻ mốc thếch thường xuyên được quét dọn. Những thân luồng lớn được ghép lại thành ghế ngồi - chiếc ghế dài đúng bằng chiều cao của thân cây - để khách đường xa có chỗ dừng chân, ngắm rừng và chụp ảnh.

Đề án phát triển du lịch huyện Tương Dương đã được UBND Huyện Tương Dương xây dựng, trong đó có mục xây dựng trạm quan sát cảnh quan, đường đi bộ xuyên rừng để du khách tham quan. Bà con Tam Đình xin được chôn cột đèn hai bên đường qua rừng săng lẻ, dựng trạm dừng nghỉ một cách hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Và ở đó sẽ giới thiệu sản vật ẩm thực, thổ cẩm từ những bàn tay phụ nữ Thái đảm đang, tài hoa.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi cũng từng là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tam Đình có vẻ đã “nghiên cứu” việc làm du lịch cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng khá kỹ. Bà bảo, ở trạm dừng chân và các chòi quan sát sẽ có xôi nếp nương, cơm lam ống nứa tươi, cá mộc bọc lá chuối nướng trên than hoa, “cùng tiếng cồng tiếng chiêng nồng thắm, rượu cần trao mái nhà sàn đêm…”. Nghe các bà, các chị trao đổi, bàn kế hoạch tự đồng bào Thái Tam Đình làm du lịch cộng đồng; thấy gương mặt ai cũng rạng rỡ, giọng nói háo hức lắm.

Bài 2: Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ -0
 Từ nhiều năm nay, “Khu rừng đặc dụng săng lẻ” đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của hầu hết du khách.

Rừng săng lẻ, nhìn theo lẽ thường, có lẽ cũng như rất rất nhiều cánh rừng khác. Nhưng rừng săng lẻ của người Thái nơi miền Tây xứ Nghệ này dường như đã khiến người ta nghĩ khác và sống khác. Bất kỳ người phố thị (tự nhận mình) văn minh nào, khi được nghe chuyện về tinh thần giữ rừng mang tên “Chính Nghĩa” của bà con nơi đây; hẳn sẽ ít nhiều phải cật vấn về ý niệm “làm chủ, chế ngự thiên nhiên” thời kỹ trị.

Sau nhà ông Cảnh, bà Vi Thị Hoan - vợ ông vừa băm thân chuối nuôi lợn vừa lý lơi hát bài “huyện ca”: “…Tia nắng vàng rớt giữa rừng săng lẻ. Mời anh đến bản mường Tương Dương…” (Bài hát “Về Tương Dương yêu thương”. Lời: Lô Thanh Nhất. Nhạc: Bảo Thái). Cách bà Hoan chưa đầy năm mét, khói lam chiều như cuốn theo câu hát, vấn vít mãi trong những vạt rừng săng lẻ xanh um.

Rừng tàn thì làng mạt