Xuất khẩu - động lực quan trọng để phục hồi kinh tế

Quý III năm 2021, tăng trưởng GDP ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất từ năm 2000 đến nay. Nếu một, hai quý tới tình hình tiếp tục diễn biến xấu như vậy, thì rủi ro nền kinh tế sẽ bị rơi vào suy thoái là rất lớn. Chính vì vậy, phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Kinh tế có nguy cơ bị suy thoái có thể sẽ là vấn đề to lớn và nghiêm trọng hơn dịch bệnh rất nhiều.

Công nhân Công ty Esquel Bình Dương (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore) tỉnh Bình Dương trong ca sản xuất.Ảnh | Thu Huyền
Công nhân Công ty Esquel Bình Dương (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore) tỉnh Bình Dương trong ca sản xuất.Ảnh | Thu Huyền

Để phục hồi kinh tế thì phải có thị trường. Thị trường trong nước sẽ khá nhỏ hẹp vì tổng cầu đang giảm. Tổng cầu giảm là vì hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã bị phá sản hoặc rời bỏ thị trường hay phải cắt giảm quy mô sản xuất - kinh doanh; hàng triệu người bị thất nghiệp hoặc bị giảm sút thu nhập; tâm lý “tích cốc, phòng cơ” làm cho người dân cắt giảm chi tiêu; lượng khách quốc tế du lịch từng lên đến 18 triệu lượt người đang trở về với số mo. Muốn phục hồi kinh tế dựa vào thị trường trong nước, chắc chắn sẽ phải có một chương trình kích cầu rất lớn.

Điều dễ dàng hơn là khai thác thị trường thế giới. Do kinh tế của nhiều nước, đặc biệt là các nước đối tác quan trọng của chúng ta như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng cao, nên cơ hội mở ra cho xuất khẩu là rất lớn. Hơn thế nữa, hàng loạt các hiệp định tự do thương mại mà chúng ta đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP… cũng đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động này. Chính vì vậy, xuất khẩu là động lực hết sức quan trọng để phục hồi kinh tế của chúng ta.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, quan trọng là phải tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trước hết, cần bảo đảm giao thông thông suốt và liên tục. Kiên quyết không để các chuỗi cung ứng hàng hóa, vật tư- thiết bị và nhân lực phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Khắc phục ngay tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, “phép vua thua lệ làng” - mỗi địa phương tự đề ra một loại luật lệ. Ngoài ra, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch một cách hợp lý để thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Trong bất cứ trường hợp nào vẫn phải bảo đảm việc sản xuất hàng xuất khẩu không bị đứt gãy. Một trong những nguyên nhân mà đất nước Israel trở nên giàu có chính là: người Israel không bao giờ vi phạm hợp đồng quốc tế.

Cho dù chiến tranh, bom rơi, đạn nổ trên đầu, thì họ vẫn kiên quyết thực hiện đầy đủ cam kết hợp đồng của mình và giao hàng không chậm trễ dù chỉ một ngày. Cho dù chậm giao hàng trong một thời gian ngắn vì lý do bất khả kháng có được khách hàng thông cảm, thì thị trường vẫn không chấp nhận điều này. Khi cơ hội bán hàng cuối năm trôi qua, thì chúng ta có sản xuất và giao hàng đầy đủ cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Bên cạnh đó, điều chỉnh chế độ trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương để họ phải chịu trách nhiệm cân bằng giữa việc phòng chống dịch, vừa bảo đảm việc phục hồi kinh tế. Việc quá coi trọng áp đặt trách nhiệm trong phòng chống dịch gây sức ép rất lớn cho không ít lãnh đạo địa phương dễ dẫn tới ban hành những biện pháp cực đoan trong phòng, chống dịch bất chấp nguy cơ đổ vỡ của kinh tế.

Thúc đẩy và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có hợp đồng nhưng chưa đủ nhân công ở phía nam chuyển giao bớt hợp đồng cho các doanh nghiệp đang có đủ nhân công ở phía bắc; tạo điều kiện và chung tay với các doanh nghiệp trong lôi kéo người lao động trở lại làm việc; nâng cấp thứ tự ưu tiên một cách hợp lý trong tiêm chủng cho đội ngũ lao động làm hàng xuất khẩu cũng là những biện pháp cấp thiết.

Cuối cùng, những khó khăn về kinh tế đang phải đối mặt là rất to lớn. Tuy nhiên, với những phản ứng chính sách phù hợp, chắc chắn chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua. Đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những phản ứng chính sách như vậy.