Xóa "điểm nghẽn" chế biến, nâng tầm giá trị nông sản

Hiện nay, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chiếm 70 - 80%; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15 - 30% tùy lĩnh vực...

Chế biến quả và thảo dược tại nhà máy của Tập đoàn TH đầu tư tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Ảnh | TUỆ LINH
Chế biến quả và thảo dược tại nhà máy của Tập đoàn TH đầu tư tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Ảnh | TUỆ LINH

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại. Từ đó, đã hình thành hệ thống cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản với hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra còn hàng loạt cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình, rải rác khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có doanh nghiệp chế biến đối với các ngành hàng nông sản chính. Trong đó, một số ngành hàng có công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã của các thị trường xuất khẩu, góp phần quan trọng đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 của cả nước đạt hơn 41 tỷ USD, tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành duy trì ở mức cao (8 - 10%/năm). Ngoài ra, công nghiệp chế biến đã thu hút khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động sản xuất nguyên liệu và dịch vụ, góp phần to lớn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, bền vững và xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông, lâm, thủy sản hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp. Cụ thể, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp; tổn thất sau thu hoạch cao, khoảng 10 - 20% tùy theo ngành hàng. Trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam hiện cũng chỉ ở mức trung bình của thế giới. Nhất là hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 của các quốc gia khác). Tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Việc sử dụng các phế phụ phẩm để chế biến các sản phẩm phụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất còn hạn chế. Nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta có quy mô vừa và nhỏ (hơn 95%), tiềm lực tài chính rất ít ỏi, không có khả năng đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu đòi hỏi vốn lớn. Trong khi đó, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản. Không những thế, việc triển khai thực hiện một số chính sách tài chính, tín dụng còn bất cập về điều kiện, thủ tục; thiếu các quy định chi tiết để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với từng ngành hàng.

Những điều này thể hiện rõ nét tại các ngành hàng nông sản chính. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, thì một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành là công nghệ chế biến. Hiện, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới của các nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia... ngày càng đi vào chiều sâu, đạt trình độ cao với các sản phẩm chế biến đa dạng, ngon, mẫu mã bắt mắt, tiện lợi. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ công nghệ chế biến đạt mức trung bình của thế giới. Mặt khác, diện tích trồng rau quả của nước ta còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, ít có các nông trại lớn nên rất khó khăn trong khâu cơ giới hóa trồng trọt, thu hái, nhiều công đoạn còn làm thủ công, khó kiểm soát thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chính vì vậy, công suất chế biến quy mô công nghiệp của toàn ngành hiện khoảng một triệu tấn sản phẩm/năm nhưng tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế chỉ đạt 56,2% do thiếu vùng nguyên liệu tập trung đạt yêu cầu chất lượng.

Xóa
Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. 

Đối với ngành thủy sản, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhận định: Một trong những hạn chế lớn nhất của ngành chế biến thủy sản là nguyên liệu. Ngoại trừ cá tra, thì hầu hết các nhóm sản phẩm khác, theo mùa vụ, đều thiếu nguyên liệu cho các nhu cầu đặt hàng. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do không kiểm soát được hoặc bị động trong vấn đề nguyên liệu nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện hợp đồng giao hàng. Bên cạnh đó, giá thành nguyên liệu còn cao trong tương quan cạnh tranh các mặt hàng tương tự với các nước khác. Thí dụ tôm chân trắng, cùng kích cỡ thì giá tôm Việt Nam đang cao hơn 10 - 20% so với Ấn Độ. Ngoài ra, dù nhiều công đoạn và công việc đã được cơ giới hóa, nhưng với đặc thù lĩnh vực chế biến (bóc tôm, fillet, bao bột, xếp khay...) tình trạng thiếu lao động cũng đang cản trở lớn đến quá trình đẩy mạnh phát triển chế biến của ngành. Nhiều năm qua và những năm tới, thiếu lao động tiếp tục là bài toán khó của các doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực sản xuất hàng hóa của toàn ngành.

Xóa
Chè là một trong những sản phẩm đặc sản của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhưng chưa đạt giá trị gia tăng cao do thiếu các sản phẩm chế biến sâu. Ảnh | Thanh Trúc 

Vai trò dẫn dắt của “đại bàng” và sự lớn mạnh của “chim sẻ” là nhân tố “lõi” quyết định sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

Được ví là “đại bàng” trong nền nông nghiệp, thời gian qua nhiều doanh nghiệp lớn đã có những đột phá lớn trong lĩnh vực chế biến, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nhiều mặt hàng nông sản. Công ty CP Việt Nam Food đã đổi mới công nghệ để chế biến ra chitosan (một nguyên liệu đa năng, quý giá, để chế tạo ra rất nhiều sản phẩm công nghiệp, thương mại, y tế) và các sản phẩm khác từ phụ phẩm tôm chất lượng cao. Nhờ công nghệ mới, tiên tiến, hạn chế lượng hóa chất sử dụng, mô hình sản xuất tối ưu nên sản phẩm chitosan tạo ra có giá thành giảm từ 25-30% so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Theo đó, các sản phẩm chitosan của doanh nghiệp chiếm lĩnh 80 - 90% thị phần trong nước, 10 - 20% thị phần trên thế giới. Việc đổi mới công nghệ trong dự án để chế biến hiệu quả các phụ phẩm từ tôm sẽ đóng góp thêm từ 10 - 15% tổng giá trị của chuỗi giá trị của tôm Việt Nam so với hiện nay. Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food Phan Thanh Lộc cho biết: Không chỉ đối với tôm mà phụ phẩm của nhiều mặt hàng nông nghiệp khác cũng mang lại giá trị gia tăng rất lớn, được chứng minh từ thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể tham khảo thực hiện. Như tại Iceland, giá trị phụ phẩm của ngành cá tuyết đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2010, gấp 1,5 lần giá trị chính phẩm. Hay ở Na Uy, giai đoạn 2006 - 2010, giá trị ngành phụ phẩm cá hồi tăng trung bình 70%/năm, theo đó tổng giá trị phụ phẩm cá hồi cũng vượt giá trị chính phẩm.

Ông ÐINH CAO KHUÊ
(Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (DOVECO):

“Một trong những đòi hỏi cơ bản đối với hoạt động vận hành của nhà máy chế biến chính là nguồn nguyên liệu phải ổn định, thường xuyên và lâu dài. Trong khi đó, vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến rau quả hiện nay tại Việt Nam phần nhiều là vùng nguyên liệu phi tập trung. Đây là vùng nguyên liệu truyền thống, sẵn có nhưng chỉ cung cấp các loại rau quả cho các doanh nghiệp chế biến mang tính chất mùa vụ, không thường xuyên. Thí dụ, quả vải của tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải quả tại đây chỉ đủ công suất cho dây chuyền hoạt động trong khoảng 1,5 tháng đến 2 tháng (từ tháng 6 đến hết tháng 7), còn các loại cây trồng khác chưa đủ khối lượng để đưa vào chế biến. Để duy trì hoạt động thường xuyên, các doanh nghiệp bắt buộc tìm mới, trồng mới thêm vùng nguyên liệu. Thực tế, để có nguồn nguyên liệu ổn định đáp ứng cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến như Doveco cần có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 25.000 - 30.000 ha.

Tuy nhiên ở Việt Nam ít có doanh nghiệp nào sở hữu diện tích nông nghiệp lớn như vậy. Một trong các phương án giải quyết hiệu quả cho vấn đề này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh, thành phố cần có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp với địa phương. Cụ thể, liên kết sản xuất với các hợp tác xã kiểu mới theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ; có chủ trương và cách thức cho doanh nghiệp liên hệ với các nông trường, lâm trường hiện đang trồng loại cây kém hiệu quả... thuê đất để trồng xen các loại rau quả ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo, chuối, ngô ngọt... Bên cạnh đó là vấn đề vốn đầu tư, chi phí ban đầu để xây dựng nhà máy chế biến rau quả, nông sản trung bình cần đầu tư ít nhất từ 400 tỷ đồng đến khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, trong năm đầu tiên cũng chưa thể có ngay nguyên liệu chế biến nên doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về tài chính. Vì thế, cần có chính sách phù hợp ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản về các vấn đề như: thời gian vay, trả vốn, lãi suất vay... cần được tính toán một cách hợp lý nhất.”

Xóa
 Nguồn: Công ty CP Việt Nam Food

Trong ngành thủy sản, Công ty CP Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP) đã đầu tư các dây chuyền chế biến cá tra để xuất khẩu với ba nhóm sản phẩm chính gồm: thực phẩm (cá fillet, sản phẩm giá trị gia tăng), thực phẩm chức năng (collagen và gelatin) và phụ phẩm (các sản phẩm tạo ra từ việc tận dụng nguyên liệu còn lại của quá trình chế biến cá fillet). Hiện nay, VINH HOAN CORP là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao phát triển thành công sản phẩm collagen và gelatin từ da cá tra. Đối với lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2018, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản tại Đồng Tháp. Đây là một Trung tâm sản xuất, chế biến giống và nông sản hiện đại, đồng bộ và tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản, với quy mô công suất 100.000 tấn gạo và 50.000 tấn giống/năm, tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Hệ thống sấy lúa công suất 200 tấn/mẻ đảo tuần hoàn, sấy bằng khí nóng gián tiếp, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm hoàn toàn tự động giúp cho hạt lúa sau sấy đạt độ đồng đều, giữ được mầu sắc tươi sáng và hương vị tự nhiên.

Bên cạnh “đại bàng”, những cánh “chim sẻ” - là doanh nghiệp nhỏ được thành lập tại một số địa phương trong lĩnh vực chế biến nông sản cũng đang có sự khởi sắc, góp phần quan trọng tạo ra “giá trị mới” cho những “sản phẩm cũ”. Mật hoa dừa Sokfarm của Công ty TNHH Trà Vinh Farm là một thí dụ điển hình. Đây là công ty đầu tiên chế biến và xuất bán ra thị trường sản phẩm mật hoa dừa, cho giá trị kinh tế cao gấp 5 lần so với thu trái dừa như truyền thống. Giám đốc Điều hành Công ty Phạm Đình Ngãi chia sẻ hiện công ty đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu để đa dạng các sản phẩm chế biến từ hoa dừa như, giấm mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa... để nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản của quê nhà Trà Vinh.

“Công nghệ là then chốt để phát triển chế biến”

Xóa
 Chế biến thanh long xuất khẩu tại nhà máy Lavifood (Long An). Ảnh | Trần Khánh

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ một số ngành hàng nông sản. Kết quả chung cho thấy, các ngành hàng chế biến nông sản có trình độ và năng lực công nghệ chỉ ở mức trung bình tiên tiến và trung bình. Nếu so sánh với quốc tế, các chuyên gia đánh giá trình độ và năng lực công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam đạt mức trung bình của thế giới. Ngoài ra các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong các ngành hàng chế biến nông sản thường có mức trình độ và năng lực công nghệ ở mức trung bình và lạc hậu.

Từ đó cho thấy nhu cầu tiếp nhận công nghệ chế biến nhằm nâng cao trình độ công nghệ để tăng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến nông sản là rất to lớn. PGS,TS Phạm Anh Tuấn (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) đã đưa ra một số giải pháp phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam: Để công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản theo kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều kiện cần trước hết là các công nghệ bảo quản chế biến tiên tiến phải được tích hợp thông qua phần mềm ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất. Theo đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào các công nghệ nền trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, trở thành trung tâm kết nối các nhà sản xuất và phân phối theo chuỗi giá trị. Thứ hai, cần nghiên cứu đánh giá thực trạng trình độ ứng dụng công nghệ của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và loại hình hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản tùy theo đặc thù và lợi thế so sánh của mỗi vùng, địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực đổi mới và phát triển công nghệ gồm: Hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ; hỗ trợ tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện và làm chủ công nghệ; hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm, quản lý quy trình sản xuất và môi trường; hỗ trợ phân tích, đánh giá, định giá, kết nối cung-cầu, phát triển thị trường công nghệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức khoa học công nghệ...

Thứ ba, về khoa học công nghệ giai đoạn 2021 - 2030, Nhà nước cần quan tâm ưu tiên thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp”, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Trong đó, cần đổi mới cơ chế quản lý đặc thù đối với các nhiệm vụ “giải mã công nghệ”, nhằm khuyến khích các nhà khoa học phát huy sáng tạo, đưa ra những sản phẩm khoa học có tính mới và cạnh tranh so với công nghệ nhập khẩu. Thứ tư, cần có chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo đối với các viện nghiên cứu, trường đại học về lĩnh vực chuyên ngành bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản, thông qua các hoạt động đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu tiên tiến, các chương trình đào tạo trong và ngoài nước... Thứ năm, để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo phù hợp với cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các viện nghiên cứu, trường đại học, cần tăng cường các hoạt động kết nối cung- cầu về khoa học công nghệ, thông qua đó các nhà khoa học giới thiệu được các sản phẩm khoa học đến với các doanh nghiệp, mặt khác các doanh nghiệp có cơ hội được tư vấn và lựa chọn công nghệ có tính tiên tiến và phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Toản
(Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản):

“Để phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thời gian tới, cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, hạ giá thành, nâng cao giá trị gia tăng, như thực phẩm làm sẵn, ăn liền, dược phẩm, mỹ phẩm... Bên cạnh đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân lành nghề có hiểu biết về khoa học công nghệ, kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Thí dụ như mới đây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã phối hợp với Trường đại học Kinh tế quốc dân xây dựng chương trình kinh doanh nông nghiệp, hình thức đào tạo chính quy, đào tạo các cử nhân để làm doanh nhân nông nghiệp.

Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp chế biến nông sản. Đặc biệt phải thực sự quan tâm đến nhóm giải pháp đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách. Theo đó, xây dựng chính sách có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản và chế biến phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng ưu đãi về thuế, cơ chế thuận lợi về đất đai để tạo vùng nguyên liệu; hỗ trợ đầu tư công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường... Ngoài ra, cần tăng cường triển khai thực hiện các chính sách của T.Ư xuống địa phương một cách thông suốt, hiệu quả, nhất là việc đầu tư phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản tại địa phương được thẩm định phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp, trong mối liên kết vùng miền, khu vực trong phạm vi cả nước. Đồng thời, sớm nghiên cứu xây dựng Nghị định về quản lý lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, gắn bó chặt chẽ với sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.”