Ứng dụng công nghệ làm nông nghiệp sạch

18 năm sau khi tách tỉnh, Đắk Nông vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng với sự nỗ lực đã xuất hiện những điểm sáng trong ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Và đó cũng là một động lực phát triển kinh tế chủ chốt của vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng này.

Thu hoạch hồ tiêu ở một trang trại thuộc Hợp tác xã Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song).
Thu hoạch hồ tiêu ở một trang trại thuộc Hợp tác xã Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song).

Bước chuyển tư duy

Biến đối khí hậu, thời tiết ngày càng thất thường cực đoan là một trong những lý do thúc đẩy anh Nguyễn Thế Độ - người điều hành Trang trại ông Tám ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil tìm đến công nghệ để giảm thiểu rủi ro, tăng giá trị cho cây trồng. Trang trại rộng 14,6 ha trong đó khoảng 7.000 m2 là nhà màng trồng chủ yếu dưa lưới, dưa lê. Đầu tư mỗi nhà màng khoảng 400-500 triệu đồng, chi phí ban đầu khá cao nhưng lợi ích cũng thấy rõ. Là kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản, anh Độ luôn chịu khó tìm hiểu, mày mò cách làm mới: “Năm nay tôi thử nghiệm trồng dưa trong bầu cát, giảm khá nhiều chi phí so với xơ dừa lúc trước. Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đồng thời là nguồn cấp dinh dưỡng cho cây, cây cho trái đẹp, năng suất cũng khá”- anh nói. Doanh thu từ trang trại của anh mỗi năm có thể đạt tiền tỷ.

Đây chỉ là một trong những trang trại ở Đắk Nông, mảnh đất nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ để cho những sản phẩm sạch, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là giải pháp đột phá, là động lực tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước đây, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng CNC, lên chương trình, kế hoạch cho từng giai đoạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành triển khai từng bước.

Đến nay, Đắk Nông đã công nhận bốn vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cà-phê, hồ tiêu, lúa ứng dụng CNC trên diện tích hơn 2.300 ha. Khoảng 80.000 ha ứng dụng một phần CNC, trong đó chủ yếu là diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch gắn với thị trường. Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC trên diện tích 120 ha ở thành phố Gia Nghĩa đã được đưa vào vận hành với mục tiêu quy tụ các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, sản xuất và chế biến nông sản...

Là công ty đầu tư lớn nhất ở khu nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh, ông Nguyễn Khánh Dư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Inno Genetics cho biết: Đón đầu xu hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, 3 năm nay công ty tập trung nghiên cứu, sản xuất giống rau ôn đới, mỗi năm cho 2 tấn giống dưa leo baby, cà chua, ớt ngọt, bí đao, rất thích hợp khí hậu Đắk Nông. Công ty cũng đang tiến hành dự án đồng hành cùng đồng bào vùng cao để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ngoài cây trồng truyền thống bản địa, bà con có thể trồng rau ngắn ngày, thu hoạch nhanh và hiệu quả kinh tế cao.

Đó là cố gắng đáng ghi nhận ở một tỉnh nghèo, có xuất phát điểm thấp như Đắk Nông. Với 90% diện tích đất dành cho nông nghiệp, nhưng phần lớn bà con vẫn làm theo phương thức canh tác truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Anh Lý Xuân Hoa ở tổ hợp tác rau và hoa phường Nghĩa Phú cho biết: Trước đây bà con trồng tự phát, khi tham gia tổ hợp tác, chúng tôi được thành phố Gia Nghĩa hỗ trợ 100 triệu đồng làm nhà lưới nhà màng, lại có cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap để năng suất cao hơn...

Chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ qua mô hình kinh tế tập thể, hình thành các chuỗi liên kết gắn với các mô hình sản xuất đạt chứng nhận, cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật hướng tới nền nông nghiệp sạch, thích ứng biến đổi khí hậu đang là hướng đi đúng đắn nhưng còn không ít khó khăn. Để có bước chuyển lớn đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì của các cấp chính quyền, sự năng động và tích cực của doanh nghiệp trong tuyên truyền vận động, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, từng bước tạo sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của bà con. Hiệu quả, lợi ích thấy rõ, bà con sẽ tin tưởng làm theo. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Tuấn Anh chia sẻ: Thực tế đã có nhiều hộ nông dân, các hợp tác xã (HTX) đang đi theo hướng này. Trách nhiệm của chúng tôi là làm sao lan tỏa nhận thức sâu rộng hơn cho toàn bộ người dân.

Trái ngọt đầu mùa

Những cố gắng của chính quyền và người dân địa phương đã dẫn đến những mùa quả ngọt. Nhiều mô hình làm ăn giỏi nức tiếng trong tỉnh về ứng dụng CNC, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đã góp phần nâng cao đời sống bà con.

Thuận An là xã biên giới thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Mil. Nhưng cà-phê hữu cơ, cà-phê sạch của HTX nông nghiệp Công bằng Thuận An đã xuất khẩu tới nhiều nước châu Âu, Mỹ với giá cao, ổn định nhờ đạt các chứng chỉ sản xuất nông nghiệp trong nước và quốc tế như Fairtrade (tổ chức thương mại công bằng) GlobalGap, 4C, OCOP... Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, có đăng ký mã vùng trồng và đăng ký bảo hộ thương hiệu. Vụ cà-phê năm 2018, HTX xuất khẩu 381 tấn cà-phê nhân, tổng doanh thu đạt 19,4 tỷ đồng. Giám đốc Nguyễn Hữu Hạ phấn chấn: “Chúng tôi đã đầu tư một nhà máy chế biến cà-phê ướt 1,5 tỷ đồng và hai năm trước nâng cấp thêm giàn sấy khô 200 triệu đồng”. Các thành viên được HTX mua lại cà-phê với giá cao hơn thị trường 8.000 đồng, hỗ trợ không hoàn lại phân vi sinh, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây... các hộ là đồng bào dân tộc và hộ nghèo, giờ đây đều có đời sống ổn định từng bước làm giàu trên chính quê hương mình.

Ông Vũ Văn Thủy, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) hào hứng kể về những “cái lợi” của trồng tiêu hữu cơ: chi phí giảm, chất lượng tăng, thu nhập tăng và cái lợi lớn nhất và lâu dài là bảo đảm sức khỏe người trồng, người tiêu dùng và môi trường. “Chúng tôi hay đùa nhau là từ hồi làm hữu cơ, không còn phải phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các bà vợ bà nào cũng đẹp ra” - ông cười rổn rảng. Dù giá hồ tiêu có lúc giảm mạnh nhưng HTX vẫn có đầu ra ổn định nhờ tiêu hữu cơ đạt chuẩn Mỹ, Nhật, Canada, EU, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu với giá cao gấp đôi giá thị trường. Năm 2018 là năm HTX thành lập đã đạt doanh thu 5 tỷ đồng, năm 2019 tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ nông nghiệp xấp xỉ 22 tỷ đồng.

Niềm vui lớn đến với bà con trồng tiêu ở Đắk Nông, khi tháng 11 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh. Đó là sự ghi nhận cũng là động lực để người dân vùng trồng tiêu lớn nhất nhì cả nước tiếp tục theo hướng phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ làm nông nghiệp sạch -0

Công nhân Công ty CP Inno Genetics trộn giá thể trồng cây giống trong khu CNC tại xã Đắk Nia (thành phố Gia Nghĩa). Ảnh trong bài | Mạnh Trường 

Vẫn còn chặng đường dài khó khăn

Tuy vậy, như Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Tuấn Anh thừa nhận, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn chập chững ở những bước đi ban đầu, còn rất khiêm tốn cả về tỷ lệ và quy mô, chủ yếu là ứng dụng ở một số khâu nhất định chứ chưa đạt được quy trình khép kín. Khu nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh hiệu quả hoạt động còn hạn chế do hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ, nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực... Toàn tỉnh mới có khoảng 140 tổ chức/cá nhân được chứng nhận sản xuất theo quy trình GAP hay các tiêu chuẩn khác với diện tích khoảng 21 nghìn héc-ta.

Những chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng còn hạn chế. Một trong những rào cản là việc tiếp cận với nguồn vốn vay. Anh Nguyễn Thế Độ thừa nhận chưa được hưởng sự hỗ trợ nào mà chủ yếu là tự thân vận động. Hồ sơ vay vốn để đầu tư cho trang trại của anh cũng bị ngân hàng từ chối không rõ lý do.

Sau hai năm lăn lộn với bơ hữu cơ thất bại, anh Lê Văn Hưng, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bơ M’Nông làm bơ sạch với chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng đầu ra khó bảo đảm. Năm ngoái do dịch Covid-19, 60 tấn bơ của trang trại chỉ bán được 1/3 với giá ngang lúc bình thường. “Quả bơ nhiệt đới không thể để lâu, nhưng tôi biết có những nơi thực hiện cấp đông để bảo quản được lâu và bán rất tốt. Điều này bản thân chúng tôi không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của những công ty chế biến sâu sau thu hoạch”, anh chia sẻ. Ở đây rất cần đến vai trò kết nối, hỗ trợ... của chính quyền và ngành nông nghiệp để bù đắp những chỗ còn khuyết thiếu trong bức tranh nông nghiệp tổng thể.

Rõ ràng, về phía tỉnh, còn rất nhiều việc cần làm. Trước mắt, theo ông Phạm Tuấn Anh, cần tiếp tục đẩy mạnh mô hình sản xuất tập thể, HTX là cầu nối hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy việc ứng dụng CNC làm đòn bẩy cho ngành nông nghiệp, đồng thời tiếp tục kêu gọi những doanh nghiệp uy tín đồng hành cùng bà con nông dân từ khâu sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Mặt khác Đắk Nông rất cần sự hỗ trợ thông qua các chính sách về thu hút đầu tư, hỗ trợ liên kết... để các doanh nghiệp, nông dân có đủ điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, tham gia các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, hỗ trợ xúc tiến và tìm kiếm thị trường.