KINH TẾ.COM

Thực hư cơn sốt giá đất

Có lẽ lúc thế giới đang đối mặt với dịch Covid-19 trong không khí ảm đạm cả đời sống lẫn kinh tế, thì câu chuyện sốt giá đất ở Việt Nam mấy tuần qua quả có điều gì đó "sai sai". Lần đầu tiên sau nhiều tháng tin tức về dịch bệnh đã được nhường chỗ "hot" cho các thông tin về cơn sốt giá đất. Và cũng thật ngạc nhiên là tin tức về các cơn sốt lan rộng trong nhiều địa phương, tỉnh thành chứ không chỉ ở đô thị lớn như những đợt sốt giá trước đây.

Sốt đất ở Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh | CTV
Sốt đất ở Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh | CTV

"Sốt trên miệng kẻ môi giới?"

Trong cuộc trà dư tửu hậu với đám bạn đại học, anh Ngô Cường ở Kim Giang, Hà Nội "găm" mảnh đất ở Xuân Mai hơn chục năm nay chưa bán được vì mua bán giấy tờ viết trao tay, nay vui mừng báo tin bán được mấy trăm triệu mảnh đất tưởng đã "hoá bùn" từ lâu. Mừng cho bạn và cũng thấy trong cơn sốt đang được các chuyên gia cảnh báo là ảo và khuyến cáo người dân cẩn thận với bong bóng bất động sản thì cũng có điểm tốt là mặt nào đó đã kích thích sự sôi động trở lại của thị trường vốn bị đóng băng trong suốt thời gian qua. Xôn xao trong góc quán cafe ven Hồ Tây, một nhóm các nhà đầu tư trẻ hô hào nhau đi xem đất bên Gia Lâm vì "đất ở đây sắp tới lên quận, rồi mấy cây cầu được xây dựng thì kiểu gì giá đất chả lên" - họ phán. Cái vòng thông tin như vậy, một đồn mười chẳng thế mà giá đất các nơi cứ "sốt rần rần". Kể cả giá bán đưa ra cũng là những con số "nắn gân" độ liều của những nhà đầu tư. Thực tế có ai "dại dột" không, thì số liệu của các phòng công chứng nơi bất cứ cuộc mua bán đất thực tế nào cũng phải qua, sẽ chứng minh "cơn sốt thực hay ảo". Chưa bao giờ giá đất ở những khu vực như trong một khu làng ở Phật Tích (Bắc Ninh) được rao bán đến 10 triệu đồng/m2, hay trong Bình Phước ở khu vực dự kiến xây dựng sân bay mới đất nền ở đây cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với cuối năm trước.

Theo báo cáo thông tin thị trường bất động sản năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, phần lớn đất thuộc các dự án bất động sản giá tăng hơn 10% so với thời điểm đầu năm 2020. Các chủ đầu tư cho biết giá tăng là do địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so trước đây, rồi giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng do ảnh hưởng của dịch cho nên các chủ đầu tư cũng tăng giá để bảo đảm kinh doanh. Tuy nhiên, "lộn xộn" và "bát nháo" về giá nhất phần lớn là ở các khu vực đất có thông tin liên quan đến quy hoạch, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị, bị giới đầu cơ, môi giới "thổi giá" gây nhiễu loạn thị trường. Như dọc hai bên sông Hồng liên quan đến 13 quận huyện ở Hà Nội, nhiều khu vực còn là đất nông nghiệp nhưng đã bị thổi giá lên đến vài chục triệu/m2. Hay thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ ở phía nam khi có thông tin Tập đoàn Vingroup xây dựng Khu đô thị lấn biển, giá đất tăng mạnh lên đến 50 triệu đồng/m2... Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, phần lớn biến động của thị trường bất động sản đều liên quan đến quy hoạch. Vì thế, việc lập quy hoạch, triển khai thực hiện hay thay đổi điều chỉnh quy hoạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giá đất bị đẩy lên nhanh và ở mức quá cao. Quy hoạch vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là cớ tạo ra các cơn sốt đất, do đó các cơ quan quản lý phải rất có trách nhiệm trong vấn đề quy hoạch và thông tin quy hoạch. Bên cạnh đó là những rủi ro về đầu cơ và tin đồn. Hiện các cơn sốt phần lớn xuất phát từ tin đồn, do đó ông khuyến cáo các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư vào bất động sản chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.

Các nhà quản lý vào cuộc

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tháng ba mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong báo cáo nguyên nhân của các cơn sốt đất một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của môi giới, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh. Ông nhấn mạnh cần chú trọng theo dõi sát diễn biến của thị trường này, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, ảnh hưởng đến nền kinh tế và đề xuất quản lý chặt chẽ sử dụng tài nguyên đất ở các địa phương, nhất là việc cấp phép cho các dự án đầu tư sử dụng diện tích đất lớn được lập ra với mục đích chiếm dụng, chờ giá lên để bán lại ăn chênh lệch...

Liên quan đến lĩnh vực này, đại diện Bộ Xây dựng cũng xác nhận tại một số địa phương đã, đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại địa phương... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo đám đông, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương..., kiểm soát việc tăng giá đất bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương. Việc công khai thông tin quy hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá và có biện pháp quản lý sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Với chức năng quản lý của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... bảo đảm nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá, xử lý nghiêm các hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản... thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.