Tháo gỡ khó khăn khôi phục kinh tế

May bảo hộ y tế ở Công ty CP May Chiến Thắng. ẢNH | ĐỨC AN
May bảo hộ y tế ở Công ty CP May Chiến Thắng. ẢNH | ĐỨC AN

Học cách thích ứng hoàn cảnh

Thông tin gỡ bỏ giãn cách xã hội được Chính phủ thông báo từ tối 22-4 đã được các chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt. Trên các diễn đàn của nhóm doanh nghiệp, tâm lý chờ đợi và thông tin cho nhau về việc mở cửa lại các cơ sở dịch vụ, sản xuất được cập nhật hàng giờ. Cửa hàng bánh mì Saint Honor ở số 1 Xuân Diệu chuyên bán các loại bánh và thực phẩm cho người nước ngoài đã nhanh chóng gỡ bỏ hàng rào chắn trong những ngày giãn cách và thay vào đó là một tấm kính chắn được lắp đặt cẩn thận ở quầy thu ngân để tiếp tục phục vụ khách một cách an toàn. Các quán phở thương hiệu Lý Quốc Sư cũng nhanh chóng chuẩn bị vật tư, nguyên liệu để đáp ứng lượng khách quay trở lại lớn sau một thời gian nhiều người dân phải bỏ thói quen dùng bữa sáng bằng phở.

Trong nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh hoạt với nhau họ vẫn thường xuyên trao đổi, họp online, giữ mối quan hệ để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho nhau. Như chị Hoàng Tuyết Mai, chủ cơ sở kinh doanh resort An Lạc thì cắt hoa ở resort chở về bán cho các thành viên trong nhóm giải quyết khâu công ăn việc làm và trả lương cho nhân viên lúc không có khách, chuỗi lẩu nấm Gia Khánh quay sang giao các đơn hàng đặt trực tuyến. Có thể nói, trong điều kiện ngặt nghèo của việc phòng, chống dịch, nhiều chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn hoạt động không ngơi nghỉ. Họ bươn chải, lo nghĩ mọi cách để thích ứng và vượt qua khó khăn thách thức của tai họa dịch bệnh.

Nhưng họ cũng phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Như doanh nghiệp xuất khẩu ở cửa khẩu Móng Cái đứng ngồi trên đống lửa khi chờ đợi các quyết định cho phép thông quan. Doanh nghiệp mang hàng lên nằm chầu chực, trong khi đó quyết định thông quan lại phải đi một chặng đường dài qua các bộ, ngành có ý kiến rồi quay trở về đơn vị ra quyết định mất đến cả tuần. Doanh nghiệp chỉ còn biết gọi điện cầu cứu các nơi.

Không để doanh nghiệp đơn độc

Chính phủ đã có nhiều biện pháp và gói giải pháp được đưa ra song việc các khoản cứu trợ đến được tay doanh nghiệp là cả một vấn đề. Đối với phần lớn chủ doanh nghiệp họ sẽ không chờ đợi vào sự trợ giúp mà sẽ cố gắng tìm hiểu chính sách để vận dụng sao cho hiệu quả nhất. Ông Đinh Trọng Ninh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành Phát cho biết, công ty đang có một khoản vay ngân hàng cho một hợp đồng xây lắp nhôm kính. Vì công trình phải dừng thi công do giãn cách xã hội nên công ty đã chủ động tiếp cận ngân hàng để yêu cầu các khoản vay được hỗ trợ giãn thời hạn trả nợ. “Chúng tôi luôn nhận thức được ngân hàng cũng là doanh nghiệp, đi vay để cho vay nên họ cũng phải cân đối và chúng tôi cùng tìm các giải pháp cùng nhau vượt khó để doanh nghiệp không chết mà ngân hàng cũng không bị nợ xấu”. Chị Nguyễn Thu Lê, chủ tiệm studio chụp ảnh cưới trên đường Xã Đàn, Hà Nội cho biết chị cũng như nhiều chủ các cửa hàng trên con phố sầm uất các cửa hàng cửa hiệu này đã ráo riết giao dịch trao đổi với các chủ cho thuê địa điểm để giảm bớt gánh nặng chi phí để vượt qua giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh. Phần lớn các chủ cho thuê địa điểm cũng có những nhân nhượng nhất định, nhưng mức độ giảm thế nào lại phụ thuộc vào từng chủ nhà và điều kiện của họ. Chính vì vậy, có nhiều cửa hàng cũng phải đóng cửa do không kham nổi tiền nhà. Đó là những đối tượng nếu được hỗ trợ của các gói cứu trợ cũng là cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng không phải dễ dàng.

Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh chúng ta cần vào cuộc một cách quyết liệt để vừa chống dịch, vừa khôi phục kinh tế, nhưng sự năng động của các doanh nghiệp cũng rất cần sự quyết liệt không kém của các cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn cùng nhau vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Ngay trong buổi gặp trực tuyến Thủ tướng với các doanh nghiệp vừa mới diễn ra, nhiều ý kiến tại buổi gặp nhấn mạnh kiên quyết không để tình trạng các cán bộ, nhân viên Nhà nước gây khó khăn, hay làm chậm trễ các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Vì mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh, ổn định kinh tế, nếu tất cả không nhìn về cùng một hướng mà chỉ lo sợ trách nhiệm, vun vén lợi ích cục bộ chắc chắn khủng hoảng sẽ còn kéo dài. Chúng ta đã làm tốt việc chống dịch, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cũng nên coi các doanh nhân, doanh nghiệp như những người trên tuyến đầu, hãy hỗ trợ họ hết mình như chúng ta đã động viên các y bác sĩ trên chiến tuyến chống dịch bệnh.