Thách thức và lời giải cho mục tiêu tăng trưởng

Nhiều dự báo khả năng kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng tốt trong năm 2021. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu, kế hoạch mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra vẫn còn nhiều khó khăn, cần có các biện pháp cấp bách gắn với các giải pháp vĩ mô, xuyên suốt và quyết liệt trong điều hành.

Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Hà Nội). Ảnh | THANH LÂM
Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Hà Nội). Ảnh | THANH LÂM

Một số cảnh báo đáng chú ý

Mục tiêu tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam trong cả năm 2021 là 6,5%. Đây được cho là nhiệm vụ khá nặng nề trong khi những tháng đầu năm vẫn còn một số cảnh báo đáng chú ý được các chuyên gia kinh tế đưa ra:

Trước hết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến còn rất phức tạp, tạo áp lực cho công tác phòng chống dịch bệnh trong nước, đặc biệt khu vực cửa khẩu xuất nhập khẩu và đường biên giới, khi mà tình hình dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á, và Ấn Độ đang ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến những lo ngại về việc vượt biên trái phép từ những quốc gia này vào Việt Nam. Hộ chiếu vắc xin đang được nhiều nước tích cực nghiên cứu với mục tiêu hạ thấp rào cản, chi phí và thời gian cho hoạt động xuất nhập cảnh. Tuy vậy, việc triển khai áp dụng không theo quy chuẩn thống nhất giữa các quốc gia có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kiểm soát dịch bệnh.

Việt Nam có thể chịu áp lực nhập khẩu lạm phát khi gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ được kích hoạt. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, tiêu dùng trong nước của Mỹ dự kiến sẽ tăng nhanh sau khi các khoản tiền mặt trợ cấp được thực hiện. Nhu cầu tăng trong cả sản xuất và tiêu dùng tại Mỹ là cơ hội để hoạt động thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sôi động hơn. Tuy vậy, lượng cung tiền tăng nhanh đã đẩy lạm phát của Mỹ trong tháng 3-2021 tăng lên 2,6% từ mức 1,7% của tháng 2, áp lực tăng giá chủ yếu đến từ năng lượng, gas, điện. Theo đó, Mỹ có thể gây áp lực tăng giá lên một số mặt hàng nguyên vật liệu của thế giới. Việt Nam có thể chịu áp lực nhập khẩu lạm phát qua giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất trong thời gian tới.

Bất động sản có nguy cơ phát triển "nóng". Trong một thời gian ngắn, giá đất nền tại nhiều tỉnh, thành phố được đẩy lên cao. Do đó, nguy cơ bong bóng bất động sản có thể xảy ra nếu không có các biện pháp tích cực từ phía chính phủ. Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, cần đưa ra cảnh báo với các nhà đầu tư về tình trạng sốt đất và rủi ro khi giá đất giảm; sớm nghiên cứu và đưa ra dự báo chu kỳ bùng nổ - tan vỡ của bong bóng bất động sản dựa trên bối cảnh quốc tế, chính sách tài chính tiền tệ của các nước trên thế giới, kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, đặc biệt là khủng hoảng tài chính tiền tệ 2008 - 2009 bắt nguồn từ bong bóng bất động sản của Mỹ; tăng cường công tác quy hoạch và minh bạch hóa thông tin quy hoạch để giảm tình trạng nhiễu loạn thông tin.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn còn thấp, ước thanh toán đến đầu tháng 4 chỉ đạt 11,7% kế hoạch và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng

Để kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng và phản ứng chủ động với các biến động toàn cầu trong năm 2021 thì ổn định vĩ mô, giữ sức cho các động lực tăng trưởng trong nước và sẵn sàng về nguồn lực Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng là những yếu tố quan trọng.

Nhìn về những quý tiếp theo, một số động lực kỳ vọng sẽ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Trước hết, cần dựa vào đầu tư công để hỗ trợ và kích thích nền kinh tế. Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư của toàn nền kinh tế sẽ giảm trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài Nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, để có thể kích thích tiêu dùng, vực dậy sản xuất, cần tập trung vào đầu tư công, phát triển một số ngành mũi nhọn, từ đó tạo tác động lan tỏa đến các ngành liên quan, giúp nền sản xuất trong nước phát triển. Vốn đầu tư công sẽ là động lực lớn góp phần thúc đẩy, thu hút và lan tỏa đầu tư, tạo động lực, nền tảng cho phát triển và dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong thời gian tới.

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và quyết liệt để đẩy mạnh thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt là thực hiện theo Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2020 với những quy định mới, nhiều thủ tục sẽ được đơn giản hơn giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.

Thứ hai, thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau dịch Covid-19. Thành tích kiểm soát dịch Covid-19 cộng với xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ duy trì vị thế hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Song, các chuyên gia cũng cảnh báo, làn sóng dịch chuyển đầu tư của các quốc gia là cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam nhưng cần phải gạn lọc nhà đầu tư để tránh thu hút những dự án công nghệ thấp, ô nhiễm.

Trong bốn tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hơn 12,25 tỷ USD. Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công và phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam.

Điểm sáng tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI của Việt Nam là nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời môi trường đầu tư cải thiện đáng kể, chất lượng hạ tầng cơ sở được nâng lên...

Thứ ba, thúc đẩy phục hồi sức mua thị trường trong nước. Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính, một trong những băn khoăn nhất, thách thức nhất của doanh nghiệp hiện nay là kinh doanh không thể thật sự khởi sắc, nếu sức mua của thị trường nội địa vẫn yếu. Chuyển đổi số đã trở thành động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng phải ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng để phục hồi sức mua trên thị trường trong nước. Đây là cơ sở cho sự phục hồi sức mua thị trường nội địa trong năm nay.

Thứ tư, động lực tăng trưởng cuối cùng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Về chính sách kinh tế đối ngoại, cần khai thác và thực hiện hiệu quả hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) được kỳ vọng đem đến nhiều cơ hội thuận lợi, là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, có khả năng tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cho giá trị gia tăng cao ở thị trường EU (như gạo, thủy sản...) có thể tận dụng ngay được các cam kết xóa bỏ thuế quan từ Hiệp định EVFTA, từ đó đẩy mạnh giá trị xuất khẩu các mặt hàng này vào khu vực EU.

Thứ năm, cần tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế tạo đột phá thật sự trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo TS Lê Quốc Phương, chuyên gia kinh tế, cần hoàn thiện thể chế, ưu tiên thể chế, chính sách phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử; vừa để tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. Ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới và cơ sở dữ liệu quốc gia...

Ngoài ra, các chuyên gia đều cho rằng, vẫn cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Các động lực nói trên cũng được đặt trong giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2021; do đó, nếu dịch bệnh bùng phát trở lại trong các quý tiếp theo thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.