Những vấn đề đặt ra khi phát triển nóng các khu công nghiệp

Trong hơn một năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song giá trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) vẫn tiếp tục tăng, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Gia công sản xuất khuôn thép ở nhà máy Công ty T/S Vina. Ảnh | T.V
Gia công sản xuất khuôn thép ở nhà máy Công ty T/S Vina. Ảnh | T.V

Có thể thấy rõ ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị muốn phát triển Bắc Giang thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 8 KCN và 1 KCN đang được trình phê duyệt, trong đó, có 5 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất 1.272ha là Đình Trám, Quang Châu, Song Khê-Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú; KCN Việt Hàn đang triển khai đầu tư hạ tầng, 2 KCN mới được phê duyệt năm 2022 đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023.

Từ năm 2015 đến nay, số dự án đầu tư và vốn đăng ký đầu tư vào các KCN của tỉnh Bắc Giang có bước tăng trưởng khá ấn tượng, luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Tính đến hết quý I/2022, các KCN tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 422 dự án, trong đó 316 dự án FDI, 106 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,716 tỷ USD và 14.202 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN là hơn 90%.

Nhìn chung các KCN trên địa bàn tỉnh đều có vị trí thuận lợi về giao thông kết nối, được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, hiện đại về hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, an toàn phòng cháy chữa cháy và được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu. Các dự án đầu tư vào các KCN cơ bản được triển khai đúng tiến độ và mục tiêu đăng ký sử dụng đất hiệu quả.

Ông Nguyễn Như Long, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh có khoảng 190.000 lao động, trong đó tổng số lao động người nước ngoài làm việc trong các KCN là 5.500 người, số lao động ngoại tỉnh là 52.600 người, số lao động đang ở các khu nhà trọ trên địa bàn các huyện gần các KCN là 70.400 người. Không khó để nhận biết các KCN khi từ xa nhìn thấy các con đường chi chít biển hiệu của các khu nhà trọ dành cho công nhân bên cạnh các công trình này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án nhà ở cho công nhân được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, 2 dự án có công trình xây dựng hoàn thiện và được nghiệm thu đưa vào sử dụng, 8 dự án còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề nóng của tỉnh hiện nay và thường xuyên được đưa ra bàn thảo để gỡ khó.

Có vẻ như lúc này ở Bắc Giang đang “thuận” khi các doanh nghiệp đồng lòng chung tay gánh vác với địa phương. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã hỗ trợ cho công nhân 500 nghìn đồng/người/tháng tiền thuê nhà. Chị Nguyễn Thu Hà, Quản lý nhân sự Công ty T/S Vina trong KCN Quang Châu (huyện Việt Yên) chia sẻ, công ty có hơn 100 lao động, do đặc thù công việc là sản xuất và sửa chữa khuôn thép nên có tới 70% lao động có tay nghề sử dụng máy móc công nghệ cao, thậm chí được đào tạo ở nước ngoài. 

Lương công nhân lành nghề trung bình 15-18 triệu đồng/tháng, nhưng những vị trí đòi hỏi độ chính xác cao có thể đạt hơn 30 triệu đồng một tháng (cả làm thêm). Để bảo đảm nhân sự làm việc lâu dài, ngoài hỗ trợ tiền thuê nhà, công ty còn mua bảo hiểm tai nạn lao động cho 100% công nhân. Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành ở Bắc Giang, công ty vẫn trả lương công nhân đều đặn, thậm chí còn dành kinh phí hỗ trợ cho những người mắc bệnh. Có lẽ bởi vậy, có những công nhân đã gắn bó với công ty nhiều năm qua, kể từ ngày đầu hoạt động.

Theo ông Nguyễn Như Long, các ngành nghề thu hút đầu tư trong KCN chủ yếu tập trung các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, như điện, điện tử, cơ khí, dệt may cao cấp và một số ngành nghề sản xuất công nghiệp như chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ... Những năm gần đây, do quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên Bắc Giang đã xây dựng tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư sao cho hiệu suất đầu tư cao nhất.

Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường đã hoạt động hiệu quả tại Bắc Giang. Công ty cổ phần Vietnam Sunergy ở KCN Đình Trám, 100% vốn đầu tư của Nhật chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời là một trong những dự án có số lao động tương đối lớn, với hơn 800 người. 

Chị Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Hành chính nhân sự cho biết, công ty chủ yếu làm khâu lắp, ráp giai đoạn hoàn thiện cuối cùng của pin năng lượng cho nên lao động chất lượng cao chỉ chiếm 30%, còn lại là lao động phổ thông, chỉ yêu cầu tốt nghiệp hết cấp 2 là có thể tuyển dụng vào để đào tạo. Chị Nguyễn Thành Ngân, sinh năm 1991, một công nhân đã làm việc tại nhà máy này được 7 năm cho biết thu nhập của người phụ trách công đoạn kiểm tra lắp ráp là 15 triệu đồng/tháng. 

“Với mức thu nhập và các phúc lợi khác, tôi yên tâm làm việc và gắn bó với công ty”- chị nói. Có thể nói, mức lương trung bình của lao động có tay nghề từ 15-17 triệu đồng/tháng và từ 7-11 triệu đồng/tháng với lao động phổ thông, với mức giá cả sinh hoạt ở Bắc Giang là khá hấp dẫn với các lao động trẻ. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Bắc Giang trở thành địa bàn thu hút khá đông lực lượng lao động từ các tỉnh chung quanh như Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên,...

Ông Nguyễn Hữu Thanh ở tổ dân phố My Điền 1, xóm 2 thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên có hơn 10 phòng trọ cho công nhân thuê. Mỗi căn phòng khép kín có diện tích khoảng 10m2, trung bình có hai người ở. Đôi bạn trẻ mới từ Lạng Sơn về nhận phòng cho biết giá thuê phòng là 900 nghìn đồng/ tháng, tiền điện nước khoảng hơn 100 nghìn đồng/tháng. Họ đang chờ việc với mức lương khởi đầu nên giá nhà như vậy là hợp lý. 

Ông Thanh chia sẻ: “Có cháu thuê trọ đã 9 năm rồi. Chúng tôi biết công nhân phần lớn là khó khăn nên chỉ thu tiền tháng một, có khi còn trả chậm. Nhiều cháu có con nhỏ phải gửi ở quê cho ông bà, thỉnh thoảng mới đón lên chơi nhìn cũng tội lắm”.

Lao động trong các KCN phần lớn là lao động trẻ dưới 30 tuổi, do đó các nhu cầu về các thiết chế văn hóa như khu vui chơi giải trí, học tập, nhà trẻ là hết sức cần thiết. Hiện mới có 2 dự án nhà ở cho công nhân đi vào hoạt động, giải quyết một tỷ lệ rất khiêm tốn trong số hơn 70 nghìn công nhân mà hầu hết vẫn đang ở nhà trọ. 

Vẫn biết việc làm này cần thời gian, tuy nhiên với tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN năm 2021 ước đạt 254.367 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2020, thuế phát sinh nộp ước đạt 3,276 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ, đây là vấn đề cấp thiết cần lưu tâm.

Có thể nói, giá trị đóng góp về kinh tế cho địa phương của các KCN là đáng kể, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Bắc Giang, do đó tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu nhà ở xã hội đồng bộ nhằm chăm sóc người lao động tốt hơn, để họ có thể được bảo đảm cuộc sống, sức khỏe, đời sống tinh thần cũng như có điều kiện học tập, phát triển bản thân. Học hết cấp 2, Nguyễn Thu Huyền vào làm công nhân thống kê sản phẩm của Công ty cổ phần Vietnam Sunergy. Huyền cho biết, chưa có ý định và điều kiện để học lên dù biết rằng học hành sẽ mở ra tương lai và thu nhập tốt hơn.

Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất trong KCN đều sử dụng nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp FDI, với nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ chiếm khoảng 30%. Việc sử dụng lao động có tay nghề chất lượng cao cũng không lớn, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp công nghệ cao. Phần lớn doanh nghiệp chỉ cần đào tạo tay nghề cho lao động phổ thông trong khoảng vài tháng là đáp ứng được yêu cầu công việc. 

Theo ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Bắc Giang, tỉnh cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các dự án tại các KCN. Ở Bắc Giang đã có những mô hình dạy nghề cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường như Trường cao đẳng nghề Công nghệ Việt-Hàn, liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để đào tạo trực tiếp dưới hình thức vừa học vừa làm. 

Tổng công ty may Bắc Giang tới đây cũng dự kiến tổ chức ngày định hướng nghề cho học sinh, nhằm giúp các em làm quen với môi trường sản xuất, định hướng và phát triển các kỹ năng giúp các em học sinh xác định được lựa chọn nghề nghiệp cũng như phát triển cuộc sống của mình. Hơn bao giờ hết, một môi trường công nghiệp hóa cần được xây dựng trên nền tảng của con người được đào tạo có kỹ năng bài bản và được bảo đảm quyền lợi đầy đủ về phúc lợi xã hội cũng như những giá trị cốt lõi của đời sống.