Nhịp sống mới trên quê hương Nguyễn Du

Quê hương của đại thi hào Nguyễn Du có cách làm nông thôn mới độc đáo mà nhiều khách phương xa đến phải ngỡ ngàng, ngoài những vườn mẫu xanh ngát, miền đất sơn thủy hữu tình này còn tự bổ sung thêm tiêu chí: tất cả các khu dân cư kiểu mẫu phải có câu lạc bộ dân ca...
Ảnh trong bài: Khu du lịch biển Xuân Thành (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Ảnh trong bài: Khu du lịch biển Xuân Thành (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

“Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”

Tôi đến thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào một sáng nắng chói nhưng ánh mặt trời bỗng trở nên dịu mát khi chiếu lên những khu vườn xanh ngát bóng cây. Những vườn cây ngay hàng thẳng lối sạch đẹp, cam bưởi, xoài, thanh long... đua chen trong tiết trời đầu xuân. Vườn nối vườn một mầu xanh mướt như ngọc trải dài. Nhà nối nhà bằng những hàng rào xanh tự nhiên từ cây duối, cây dâm bụt... Tầm mắt không bị chắn bởi bê-tông, tai không nghe tiếng ồn ã của động cơ như ở phố thị, chỉ có tiếng chim tan biến trong làn gió mát lành.

Cảnh quan xã Xuân Viên ấy đã trở nên “lột xác” kể từ khi huyện Nghi Xuân bắt tay xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Nhiều thôn đã vận động các hộ dân làm mới khu vườn của mình, cải tạo vườn tạp, đầu tư trồng cây ăn quả giá trị cao, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mỗi thôn lựa chọn 15 vườn mẫu để từ đó lan tỏa ra khắp các làng xã. Các vườn có diện tích từ 500 m2 trở lên được cải tạo phát triển kinh tế vườn và xây dựng cảnh quan. Nhưng những khu vườn mẫu ấy không chỉ đẹp mà sẽ hình thành các tổ hợp tác trong sản xuất để liên kết chuỗi giá trị, từng bước hướng tới làng chuyên canh, phố chuyên ngành.

Vẫn là đất ấy, người ấy, nhưng kể từ khi làm vườn mẫu, từ những hàng rào xanh tới cây trái đều như bừng lên sức sống mới.

Ông lão Đậu Xuân Hải, thôn Nam Viên đang đứng bên dàn mướp trổ hoa vàng, tâm sự với tôi: “Từ khi làm vườn mẫu, tôi thấy công việc nhẹ, phù hợp với tuổi già, mà cho thu hoạch rất tốt. Đây cam, bưởi, mít, thanh long, mùa nào thức ấy nhưng từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất tăng gấp ba lần trước đây”.

Vùng đất bãi ngang sát biển của huyện Nghi Xuân, nơi trước đây rất khó có thể thu hái được gì nhiều từ đất cát khô cằn thì nay những cây thanh long đã mang tới nguồn thu nhập đáng kể. Trước mắt tôi là những dàn thanh long xanh ngắt trong nắng xuân trên đó lúc lỉu những chùm quả đỏ thắm. Lão nông Võ Quang Tùng chia sẻ: “Đất cát khô cằn miền biển trước đây chỉ là vườn tạp. Tôi đã thử trồng nhiều loại cây như: táo, na, nhãn, vải... nhưng đều không thành công. Sau quá trình tìm tòi, cây thanh long ruột đỏ đã bén duyên đất biển. Tôi đầu tư hạ tầng, phân bón, hệ thống tưới tự động và ra sức chăm bón. Sau ba năm, vườn thanh long hơn 130 gốc, thì 100 gốc đã cho thu hoạch vụ đầu được hơn 50 triệu đồng”.

Ông Lê Thanh Bình, Phó ban Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Nghi Xuân cho biết 19/19 xã, thị trấn đã tổ chức phát động xây dựng nông thôn mới gắn với những khu vườn mẫu. Những cuộc họp thôn kiểu “hội nghị Diên Hồng” thống nhất ý chí và hành động, bắt tay làm đẹp, làm giàu từ mảnh đất trong khu vườn nhà mình, xây dựng nông thôn mới “từ nhà ra ngõ”. Đến Nghi Xuân những ngày xuân này sẽ bắt gặp cảnh quan nông thôn thật đẹp: Đường bê-tông rộng rãi, sạch sẽ, khang trang; những hàng cây xanh mát, những rặng hoa, đường hoa lúc nào cũng khoe sắc tỏa hương. Khung cảnh ấy gợi nhớ không khí trong bài thơ “Đi giữa đường thơm” của Huy Cận.

Hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn đều có chủ, như đường “xanh, sạch, đẹp” của thôn xóm; đường tự quản của thanh niên, phụ nữ... Huyện đã xây dựng hai nhà máy xử lý rác thải và đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy thứ ba nhằm đạt bằng được tiêu chí môi trường trên địa bàn toàn huyện.

“Của tin còn một chút này làm ghi”

Giờ học sử của lớp A5 Trường tiểu học Cương Gián I vang lên những làn điệu dân ca. Những sự kiện lịch sử đã được kể lại bằng lời qua làn điệu dân ca ví dặm. Môn sử vốn khô khan nay trở nên sinh động, hấp dẫn khác thường. Rồi dân ca ví dặm được lồng ghép đưa vào các môn học Kể chuyện, các hoạt động ngoại khóa... Không chỉ ở Trường tiểu học Cương Gián I, mà rất nhiều trường học cho đến các thôn xóm ở Nghi Xuân đều vang lên những làn điệu dân ca ví dặm. Có lẽ Nghi Xuân là huyện duy nhất trong cả nước đưa thêm vào một tiêu chí của nông thôn mới: 100% khu dân cư kiểu mẫu phải có câu lạc bộ dân ca. Đó là tiêu chí thứ 11 mà huyện bổ sung, ngoài 10 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh. Nghi Xuân - miền đất sơn thủy hữu tình bên bờ nam sông Lam - quê hương của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, sinh ra làng khoa bảng Tiên Điền vẫn đang mang trong mình mạch nguồn văn hóa dân gian như một “của tin gọi một chút này làm ghi”.

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân lý giải vì sao đưa việc phải có CLB dân ca trở thành tiêu chí bắt buộc của nông thôn mới: “Thấu hiểu sức sống của giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống văn hóa đương đại, thấu hiểu ngọn nguồn đam mê của người dân Nghi Xuân, nên huyện bổ sung tiêu chí này. Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã chọn đúng những thế mạnh, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương là phải đi lên từ văn hóa, du lịch và thương mại, đồng thời, dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Mục tiêu là không làm mất đi các giá trị văn hóa làng xã mà ngược lại, phải làm giàu thêm các giá trị văn hóa của cha ông truyền lại”.

Tiêu chí đó như một cú hích để các CLB dân ca hình thành và lan tỏa. Đến nay toàn huyện đã có hơn 165 CLB với nhiều hình thức phong phú như ca trù, dân ca ví dặm, trò Kiều, sắc bùa chầu văn... Phong Giang (Tiên Điền), tổ dân phố 1, 2, 3, 4 (thị trấn Nghi Xuân), tổ dân phố 7 (thị trấn Xuân An), thôn Mỹ Lộc (Xuân Viên), thôn 4, 5 (Cổ Đạm), Lam Long (Xuân Hải), Hội Thủy (Xuân Hội), Lương Minh (Xuân Đan), thôn 5 (Xuân Lĩnh)... là những khu dân cư nhanh chóng hình thành, duy trì và phát triển CLB dân ca.

Cụ Huýnh trong bộ đồ quan võ bước ra đón chúng tôi và liền sau đó dắt tới từng người đang trang phục lộng lẫy và giới thiệu: Nàng Kiều, có nàng Kiều lúc trẻ vốn là tiểu thư sống trong nhung lụa và nàng Kiều khi đã sa cơ. Hai nàng Kiều đều sắc sảo mặn mà khiến khách không thể rời mắt. Thúy Vân xinh đẹp đoan trang. Hoạn Thư ăn vận chải chuốt, vừa xinh đẹp lẳng lơ, vừa ghê gớm. Chàng Kim Trọng phong lưu, còn Sở Khanh, Từ Hải mỗi người một kiểu trang phục, dung mạo có thể nói ai đã trót đọc và say mê Truyện Kiều đều “nhìn là biết”. Đây là các thành viên trong CLB Trò Kiều của xã Xuân Liên đang tập luyện chuẩn bị biểu diễn đầu xuân. Màn diễn trò Kiều, hay còn gọi là “chèo Kiều” “nghe càng đắm, ngắm càng say” tạm ngưng một lát khi khách đến, rồi trở lại... Chúng tôi còn chưa kịp hình dung lớp diễn này thế nào thì nhìn ra ngõ, bà con đâu đó trong xóm đã kéo đến mỗi lúc một đông.

Nói là CLB Trò Kiều diễn tập cho lễ kỷ niệm sắp tới, nhưng khi tìm hiểu, mới biết thật ra đây là nếp sinh hoạt đã thành lệ từ hàng chục năm nay. Theo ông Mai Tùng, Chủ nhiệm CLB, thì nếp sinh hoạt diễn trò Kiều có ở Xuân Liên từ hàng chục năm trước. Có lúc do chiến tranh loạn lạc rồi mải miết mưu sinh, trò diễn xướng dân gian này bị gián đoạn, nhưng bắt đầu được nhen nhóm trở lại kể từ năm 1998. Cụ Huýnh cho biết, mỗi năm cố định ngày mùng bốn Tết, CLB sẽ hát khai xuân. Còn sau đó các ngày nông nhàn, xuân thu nhị kỳ, đám hỏi đám cưới, mừng đại khánh hay chúc thọ, các thành viên CLB đều diễn Kiều cho bà con thưởng thức. Vừa xây dựng được khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, vừa giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể là sáng tạo độc đáo, tạo nên sức sống mới trên quê hương Nguyễn Du.