Nhanh chóng tiếp sức cho nền kinh tế

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu dịch bệnh còn kéo dài và không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực, kịp thời từ Chính phủ thì một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy về tăng trưởng, việc làm.

Công nhân Nhà máy sợi Yên Mỹ, Công ty TNHH Một thành viên dệt 8-3 trong ca sản xuất.
Công nhân Nhà máy sợi Yên Mỹ, Công ty TNHH Một thành viên dệt 8-3 trong ca sản xuất.

"Cấp cứu" nền kinh tế

Báo cáo của Tổng cục Thống kế cho biết quý I-2020 có tới 18,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 12,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quý I-2020, có 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,6% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 24,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp...

PGS, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét tâm lý thị trường trong thời gian qua khá là bất an. Bên cạnh lý do liên tiếp nhận được những tin xấu về tình hình dịch bệnh trên thế giới, chúng ta cũng chưa biết được khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc bởi việc điều chế thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng bệnh sẽ mất nhiều thời gian. Hành động của các chính phủ trên thế giới cũng rất khác nhau, thậm chí đôi khi còn bất nhất về cách đối phó với bệnh dịch. Mặc dù các gói kích thích kinh tế quyết liệt đã được đưa ra nhưng nhìn chung thị trường phản ứng thường dựa trên thông tin ngắn hạn. "Các chính sách điều hành vĩ mô không giúp chữa trị được dịch bệnh. Tuy nhiên, chính sách tốt có thể giảm thiểu được tác động tiêu cực, đặc biệt sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không khi dịch bệnh được kiểm soát" - PGS, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

TS Vũ Thành Tự Anh thì cho rằng để hiểu được tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế Việt Nam như thế nào, đầu tiên phải nắm được điểm bất lợi và thuận lợi của nền kinh tế. Nếu không có những điều này thì sẽ không thật sự hiểu những cú sốc từ bên ngoài cũng như chính sách từ bên trong tác động như thế nào đến nền kinh tế. Vì tác động của dịch Covid-19 là khủng hoàng toàn cầu nhưng tác động của nó vào từng quốc gia là khác nhau.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến của các chuyên gia đều thống nhất nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay là khá tốt, tốt hơn nhiều so với đợt khủng hoảng kinh tế 2007 - 2008. Tuy nhiên, độ mở kinh tế hiện nay cũng lớn hơn và tác động có thể là sâu rộng hơn. Khác hẳn với khủng hoảng 2007 - 2008 và những năm sau đó, trong những năm gần đây tiết kiệm trong nước và đầu tư là khá cân bằng, do vậy Việt Nam không phải vay nợ nước ngoài nhiều, đặc biệt là vay nợ cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tăng trưởng cung tiền, tín dụng cũng được khống chế cẩn trọng hơn nhiều nên lạm phát ở mức thấp, khác hẳn với lạm phát liên tục ở mức hai con số như trước đây. Nhờ đó, lãi suất và tỷ giá khá ổn định, sức khỏe hệ thống ngân hàng được cải thiện nhiều và có khả năng chống đỡ tốt hơn. Đặc biệt, kinh nghiệm và kiến thức điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ hiện nay cũng tốt hơn.

Chính sách ứng phó phù hợp diễn biến dịch bệnh

Các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh chỉ kéo dài trong một, hai tháng tới thì phản ứng chính sách nên mang tính "hỗ trợ", tập trung vào việc trợ giúp thanh khoản cho doanh nghiệp, chi trả bảo hiểm cho người lao động mất việc, hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn,... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên gỡ bỏ vướng mắc, thúc đẩy triển khai ngay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt.

Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thêm nhiều hơn hai, ba tháng nữa thì Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính "cứu trợ", giảm thiểu sự đổ vỡ của các doanh nghiệp. Và trong bất kỳ tình huống nào, việc bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác phải được đặt lên hàng đầu.

TS Vũ Thành Tự Anh cũng lưu ý cơ chế dẫn truyền chính sách của Việt Nam tương đối chậm, hiệu lực tương đối thấp. Điều này cản trở tính hiệu lực cũng như tác động của chính sách. Nó có nghĩa là ta cần phải làm nhanh hơn, nhiều hơn bình thường thì lúc đó mới tạo ra được tốc độ có thể đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế cũng như tạo ra một hiệu lực đủ lớn.

Có ý kiến cho rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ đang thực hiện khá phù hợp với giai đoạn hiện nay của dịch bệnh. Như mục tiêu của chính sách tiền tệ không hẳn là kích thích tổng cầu, mà là hướng tới việc giải quyết thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp họ sống sót được qua giai đoạn khó khăn. Việc giãn nợ, giảm nợ, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, Chính phủ để cho các ngân hàng thương mại tự dàn xếp với doanh nghiệp, chứ họ không bơm tiền tài trợ cho chi phí đó. Chính sách tài khóa cũng đang hướng tới mục tiêu trợ giúp thanh khoản cho doanh nghiệp, thông qua việc giảm thuế, miễn thuế phí, gia hạn nộp thuế, hoãn đóng BHXH...

Nhìn chung chính sách tiền tệ hướng tới việc kích thích tăng trưởng tín dụng để phục vụ mục đích đầu tư hay tiêu dùng sẽ có hiệu quả rất thấp, ngoại trừ các nhu cầu thiết yếu, tiêu dùng của người dân trong giai đoạn này sẽ giảm. Các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống,... thì chính sách tiền tệ càng không thể tác động tới được. Các đơn hàng bị đình trệ hoặc bị cắt giảm, do vậy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng thấp. Tuy nhiên, nếu gói tín dụng này hướng tới việc cho phép các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng trực tiếp được đảo nợ hay tái cấu trúc lại các khoản nợ thì sẽ cải thiện được tính thanh khoản và hạ chi phí cho doanh nghiệp, giúp họ kéo dài khả năng chống đỡ.

Tái cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng là một trong chính sách trị đúng bệnh trong giai đoạn hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các ngân hàng chỉ cần xác định nhanh và đúng đối tượng để thực hiện. Bản thân các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thì khoản cho vay đã gặp rủi ro rồi. Chính sách này có lợi cho cả đôi bên, giảm chi phí và cải thiện thanh khoản cho doanh nghiệp, ngân hàng chia sẻ chi phí và tránh được nợ xấu. Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn tuy nhiên theo các chuyên gia chỉ nên dùng tiếp trong giai đoạn tiếp theo khi bệnh dịch kéo dài và trầm trọng hơn. Nếu Việt Nam tiếp tục làm tốt việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước,... thì mặt bằng giá cả trong nước sẽ ổn định, lúc đó nhà điều hành cũng có khả năng can thiệp trực tiếp và mạnh hơn nếu cần thiết.

Tuy nhiên, sử dụng dư địa tiền còn lại đến mức nào và trong giai đoạn hậu khủng hoảng sẽ hành động ra sao thì NHNN cũng cần tính toán kỹ để tránh không xảy ra lạm phát, bong bóng giá tài sản, bất ổn tỷ giá,... khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Sau khi Thông tư số 01 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 13-3, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tuyên bố giảm lãi suất khoảng dưới 2% cho nhiều khách hàng. Đó là nỗ lực lớn của các NHTM nếu so với các gói tương tự ở Thái-lan (giảm lãi suất từ 1,25% xuống 0,75%), Indonesia (giảm lãi suất từ 5% xuống 4,5%) hay Malaysia (giảm lãi suất từ 2,75% xuống 2,5%).

Từ đó đến nay, đã cơ cấu thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 52 nghìn khách hàng với số tiền 15 nghìn tỷ đồng, đang xem xét miễn giảm lãi cho khoảng 36 nghìn khách hàng với dư nợ 91 nghìn tỷ đồng và cho vay mới hơn 80 nghìn tỷ đồng.