Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Telecom

Năm 2022, sẽ không nhắc nhiều chuyện Covid-19 nữa

"Trạng thái bình thường mới giờ đây quay trở lại với những điều bình thường giản dị nhất mà chỉ khi mất đi chúng ta mới thấy quý giá. Chính vì thế, tôi rất mê bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao. Phải trải qua chiến tranh với nhiều đảo lộn, mất mát mới thấy yêu biết nhường nào khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng cho bao tâm hồn, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Telecom chia sẻ trong cuộc trò chuyện trước thềm xuân mới với Nhân Dân hằng tháng...

Ông Hoàng Nam Tiến. Ảnh | THIÊN THANH
Ông Hoàng Nam Tiến. Ảnh | THIÊN THANH

Cảm nhận của ông về tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp trong năm 2021, liệu doanh nghiệp có cần "vắc-xin" để vượt qua đại dịch?

Trước đại dịch, khi chúng tôi thuyết phục về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thì rất nhiều người nghe, rất nhiều người nói nhưng gần như không ai thực hiện. Bây giờ tất cả đều nhận thấy nếu không chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ thì không có cách nào trở lại được trạng thái bình thường. Mặt khác, nếu con người cần tiêm vắc-xin để có tích xanh-một dấu hiệu của sự an toàn, thì doanh nghiệp cũng cần vắc-xin, cũng cần xanh, cần công nghệ. Giờ đây có thể thấy không thể dùng sức người để quản trị như trước được nữa. Chúng ta cần hệ thống công nghệ như hệ thống camera giám sát, hệ thống dữ liệu tập trung. Nhờ công nghệ, khi phát hiện F0 có thể ngay lập tức phân tách được để bảo đảm doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Chữ "bình thường" này rất quan trọng vì chỉ cần một F0 thì có thể hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc.

Doanh nghiệp cũng cần vắc-xin và FPT đặt tên chương trình vắc-xin cho doanh nghiệp là eCovax. eCovax gồm một loạt các giải pháp khác nhau để doanh nghiệp ứng dụng. Đó là những giải pháp liên quan đến xây dựng nền tảng có thể làm việc từ xa, làm việc ở nhà, ký hợp đồng với khách hàng không cần gặp mặt, có thể giao việc nhận việc, đánh giá được chất lượng, đánh giá kiểm tra năng suất lao động mà không cần gặp trực tiếp.

Trước hết, FPT đã lấy chính mình để làm thí nghiệm eCovax. Ở FPT Software hiện nay đang có 15.000 người là kỹ sư phần mềm, việc ứng dụng eCovax cho phép chúng tôi vẫn hoạt động bình thường trên thị trường toàn cầu và khi triển khai ở nhà máy có F0 đã giúp cho mọi hoạt động diễn ra bình thường. Và đến giờ, tôi có thể tự tin khẳng định khi có eCovax thì các doanh nghiệp có thể thật sự hoạt động một cách bình thường trong điều kiện hiện nay.

Đại dịch Covid-19 càng làm cho thế giới trở nên bất định, không ngừng biến động, ông có suy ngẫm gì về cách thức thích ứng với hoàn cảnh này?

Trong đợt giãn cách vừa rồi, tôi đọc lại nhiều sách, đặc biệt là sách viết về chiến tranh, xuất phát từ câu khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", để xem cha ông mình chống giặc như thế nào. Có ba cuốn tôi đọc đi đọc lại, cuốn thứ nhất đó là Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cuốn thứ hai là Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuốn thứ ba chính là của ba tôi - Thiếu tướng Hoàng Đan - Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh.

Bài học đầu tiên mà tôi học được trong ba cuốn sách đó là tầm quan trọng của nhìn xa trông rộng, nếu người lãnh đạo nhìn ngắn hạn thì sẽ không thể ứng phó kịp khi thực tế biến đổi. Chúng ta thấy ngay cả Covid-19 cũng biến đổi, không ngừng sinh ra những biến chủng mới nên nếu không dự báo được sẽ rất khó đối phó.

Bài học thứ hai thể hiện rõ ở hai tác phẩm Binh thư yếu lược và Chiến đấu trong vòng vây, đó là sự linh hoạt. Chúng ta đang sống trong một thời đại VUCA (viết tắt của các từ: Volatility-Biến động, Uncertainty-Không chắc chắn, Complexity-Phức tạp, Ambiguity-Mơ hồ), thể hiện sự không thể đoán trước, mù mờ bất ổn về tương lai. Người lãnh đạo trong thời đại VUCA phải nắm rõ tình hình, đưa ra những quyết định thể hiện tầm nhìn xa trông rộng.

Bài học thứ ba là nguyên tắc "một người chỉ huy". Napoleon có câu nói nổi tiếng: "Một viên tướng tồi còn hơn hai viên tướng giỏi", có nghĩa là khi đánh giặc thì phải thống nhất chỉ huy, chỉ có một người chỉ huy thôi. Nhiều chỉ huy dẫn đến loạn trận và cấp dưới không biết nghe ai. Thực tế chống dịch Covid-19 vừa qua có những lúc chúng ta "loạn trận" vì nhiều chỉ huy, một số địa phương tự đặt ra những quy định riêng, khác với những chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tạo nên sự cát cứ, thiếu sự thông suốt, thống nhất.

Khi bước vào đại dịch, FPT đã chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang chỉ huy doanh nghiệp, chuyển trạng thái doanh nghiệp sang thời chiến. Nhưng chúng tôi hiểu rằng không ai muốn kéo dài trạng thái thời chiến bởi vì như thế hàng loạt quy luật về kinh tế phải bỏ qua. Vì vậy chúng ta phải nhanh chóng quay lại quản trị với những quy luật giá trị, quy luật kinh tế. Tôi nghĩ không cần thay đổi khẩu hiệu gì to quá, mình phải thích ứng và linh hoạt như Bác Hồ từng nói: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

Có những nhận định cho rằng với những biến đổi chưa từng có tiền lệ, một thời đại mới đã bắt đầu, ông cảm nhận gì về những thay đổi đang diễn ra quanh mình?

Tôi nghĩ có rất nhiều thứ thay đổi. Đại dịch đã tạo ra một sự thay đổi chưa từng có. Hàng triệu người trên khắp Việt Nam, đặc biệt là những người đàn ông trụ cột của gia đình mới thấy hết giá trị của gia đình, của sức khỏe. Trong mùa dịch, có những người đàn ông chia sẻ với tôi rằng, 25 năm lấy vợ, lần đầu tiên trong đời 124 ngày liền họ ăn cơm vợ nấu và chưa bao giờ họ trò chuyện với con nhiều như thế. Đại dịch cũng khiến nhiều doanh nhân có nhìn nhận khác về câu chuyện ăn nhậu, tiếp khách, đánh golf, hát karaoke. Họ chợt nhận ra, hóa ra không có những điều đó thì vẫn tiếp tục làm ăn được, vẫn ký được hợp đồng, vẫn phát triển được. Đại dịch khiến người ta quý trọng hơn những giây phút có thể mắt nhìn mắt, bắt tay thật chặt và tôi nhận thấy họ không ép nhau uống rượu nữa mà chỉ ngồi uống với nhau một ly để chia sẻ những khoảng thời gian không gặp nhau, bàn công việc. Đại dịch đã giúp thay đổi điều mà bao năm nay không thay đổi được. Trạng thái bình thường mới giờ đây quay trở lại với những điều bình thường giản dị nhất mà chỉ khi mất đi chúng ta mới thấy quý giá.

Đại dịch Covid-19 gây ra những cuộc xa cách, chia ly nhưng công việc của chúng tôi giúp kết nối con người lại với nhau. Lúc TP Hồ Chí Minh đang phong tỏa chặt chẽ nhất, không ai được ra khỏi nhà thì lực lượng của chúng tôi vẫn đi làm để bảo đảm hệ thống viễn thông vận hành tốt. Khi đó, cán bộ kỹ thuật đi làm, ngoài cáp quang và thiết bị điện tử còn có những túi quà đơn giản gồm rau củ quả sạch để tặng bà con. Có những người nhận quà đã khóc. Họ khóc không chỉ vì được quan tâm mà còn nhờ có internet họ vẫn kết nối, liên lạc được với người thân và thế giới bên ngoài. Chúng tôi tâm niệm, sứ mệnh của chúng tôi không chỉ là cung cấp dịch vụ internet mà là sứ mệnh kết nối con người, kết nối yêu thương. Nhờ internet, người ta có thể gọi điện, gọi video, tạo cảm giác như đang ở cạnh nhau. Ngày Tết này, dù ở xa vẫn có thể đoàn tụ trên mạng, xóa nhòa mọi khoảng cách.

Vậy còn cái Tết của gia đình ông đã diễn ra như thế nào khi mà ba ông, tướng Hoàng Đan, suốt cả những năm chiến tranh gần như xông pha ở chiến trường?

Đây là cái Tết thứ 53 của tôi, thì có 51 năm tôi ăn Tết cùng với mẹ, với ba thì ít hơn vì ba tôi đi chiến trường là chính. Khác với mọi người ngày Tết hay đi chúc Tết, du xuân, tôi chỉ ở nhà với mẹ. Tết nào cũng vậy, tôi ngủ cạnh mẹ, ngồi cạnh mẹ, ăn cơm cùng mẹ. Bởi vì ngày thường tôi đi suốt, trước đây một năm tôi phải bay 100-150 chuyến với khoảng 200 ngày đi công tác.

Tôi nhớ Tết năm 1980, lúc đó ba tôi là Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn, Tư lệnh Quân đoàn 5, đang ở trong tình trạng báo động nên không về được. Mẹ tôi bảo: "Ba không về được thì cả nhà lên ăn Tết cùng ba". Thế là cả nhà tôi lên Lạng Sơn ăn Tết ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 5 đóng ở xã Sao Mai, sau đó đến ngày mùng 1 thì đi chúc Tết các đơn vị bộ đội đang đóng ở Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lộc Bình. Lúc đó tôi mới 11 tuổi nhưng không bao giờ quên được cái Tết cảm động, ấm áp đó. Với ba tôi, đó cũng là một cái Tết đặc biệt khi lần đầu tiên ông ở chiến trường mà lại được đón giao thừa cùng gia đình.

Mãi đến khi về hưu ba tôi mới được đón giao thừa ở nhà. Trước đấy, chưa bao giờ ông từ chiến trường trở về đón Tết cùng gia đình bởi ngày Tết chỉ huy lại càng phải gương mẫu và Tết cũng là lúc phải cảnh giác cao nhất. Tôi đã từng hỏi ba: "Đúng hôm 30/4/1975 ba mong gì?". Ông trả lời rất thật: "Ba chỉ muốn ngủ, giấc ngủ hòa bình". Tôi lại hỏi: "Vậy hôm đó, ba có ngủ được không?". Ba tôi trả lời rằng ông đã không thể ngủ được khi nhớ đến những người lính ngã xuống ngay trên cầu Sài Gòn vào sáng 30/4.

Dự cảm của ông về năm 2022 như thế nào, liệu có phải là năm "Covid thứ 3" như ai đó vẫn nói đùa mà hàm ý dự báo?

Theo dự cảm của tôi, sang năm 2022, cơ bản sẽ không nhắc về chuyện Covid-19 nữa, mà chỉ có hai câu hỏi: "Chúng ta sẽ để tiền vào đâu để đầu tư?" và "Chúng ta sẽ làm những ngành gì để tận dụng được cơ hội này?". Các doanh nghiệp cũng sẽ xoay quanh hai câu hỏi này và tìm câu trả lời.

Xin trân trọng cảm ơn ông!