Kỳ vọng cho giai đoạn tăng trưởng mới

Sau khi đạt thành tích tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong năm 2020, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ được hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, tăng trưởng thương mại ổn định và dòng vốn FDI trong năm 2021. Dù vẫn còn tiềm ẩn rủi ro từ các yếu tố khách quan, xong các chuyên gia và các tổ chức quốc tế đều nhận định kinh tế Việt Nam hoàn toàn đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cung đàn thành phố. Ảnh | ANH TIẾN
Cung đàn thành phố. Ảnh | ANH TIẾN

Nỗ lực “vượt bão”

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Dịch bệnh, thiên tai hoành hành khiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm nay thấp nhất trong nhiều năm, tuy nhiên Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP  2,91% so với cùng kỳ, giúp Việt Nam giữ vững vị trí hàng đầu trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong năm 2020. Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đây là mức tăng thấp nhất trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhưng xét trong bối cảnh chung của toàn cầu đang chịu tác động của dịch Covid-19 thì đây lại là thành tích “đáng nể”.

Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng, kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng như: Xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 19 tỷ USD; thu hút gần 2.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt gần 15 tỷ USD. Khoảng 180 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 0,9% so với năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2011-2020, đạt hơn 90%... Quan trọng hơn, chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%.

Bà Nguyễn Thu Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp nói chung tăng 3,36% so với năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng khá tốt một phần do dịch Covid-19 được kiểm soát tương đối tốt trong nước. Dù có không ít lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng, song xuất khẩu một số mặt hàng vẫn duy trì tăng trưởng, như điện tử, máy tính và linh kiện, sắt thép và máy móc, thiết bị phụ tùng khác.

Nhóm Dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng ghi nhận mức tăng  trưởng 6,87% so với năm 2019. Trong đó, nhóm dịch vụ bảo hiểm tăng trưởng khá ấn tượng (17%), riêng nhóm bảo hiểm nhân thọ tăng 21%. Nguyên nhân có thể do tâm lý e ngại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân mua bảo hiểm.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,68%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Dù vậy, khu vực này vẫn có ý nghĩa quan trọng là “bệ đỡ” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Bản thân một số mặt hàng của ngành cũng có sự phát triển tích cực, chẳng hạn như xuất khẩu gạo tăng hơn 9,3%.

Theo các chuyên gia, đây là thành quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế” và của việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1 - 8.

TS Trần Thị Hồng Minh nhận định, nguyên nhân Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng trong năm qua là công tác chống dịch hiệu quả và vai trò điều hành của Chính phủ. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trên các lĩnh vực vốn có “độ ỳ” lớn trong những năm qua. Chẳng hạn như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng cách “khơi thông” trách nhiệm của người đứng đầu với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền, để họ mạnh dạn hơn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công có sẵn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp, để cộng đồng doanh nghiệp “trụ vững” qua những thời điểm khó khăn. Những vướng mắc về điều kiện tiếp cận hỗ trợ cũng được Chính phủ, các bộ, ngành lưu tâm, theo dõi để điều chỉnh, trên cơ sở tham vấn chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại trong bối cảnh đại dịch. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Chẳng hạn, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau ba năm thắt chặt tài khóa. WB cũng ghi nhận khu vực kinh tế đối ngoại là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua. Khu vực này đã phát huy hiệu quả và đạt kết quả rất tốt kể từ khi khủng hoảng Covid-19 bắt đầu.

Bước đệm cho giai đoạn mới

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Năm 2021 cũng được kỳ vọng với những quyết sách, định hướng lớn về kinh tế tạo những bứt phá về tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo trong tương lai. 

Quốc hội đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%... Tại Nghị quyết 01/NĐ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%, cao hơn mức 6% Quốc hội giao. Chính phủ cũng xác định rõ về ba động lực tăng trưởng chính trong năm 2021 là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Trong khi đó, xuất khẩu đang được kỳ vọng nhờ các FTA mới bên cạnh EVFTA và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác, chẳng hạn như FTA với Anh ký tháng 11-2020.

Đánh giá chung về năm 2021, các tổ chức và chuyên gia đều tin rằng Việt Nam “vẫn là ngôi sao sáng”, được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. Việt Nam cũng có ổn định về mặt chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Trong dự báo mới nhất, HSBC cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng 7,6% trong năm nay, thay vì mức 8,1% đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5% khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa. Trong khi đó, WB nhận định triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%.

Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, TS Trần Hồng Minh cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% đòi hỏi quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị. Bởi lẽ diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn nhiều phức tạp. Việt Nam, với độ mở nền kinh tế cao, sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Dù việc phát triển vắc-xin Covid-19 có thêm chuyển biến, tiến trình phổ biến vắc-xin này nhiều khả năng không hoàn thành trong năm 2021. Do vậy, Chính phủ cần lưu tâm một số chính sách trong thời gian tới như: Theo dõi sát các diễn biến liên quan như đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trên các lĩnh vực, chuyển biến công nghệ... để có những cân nhắc, cập nhật kịch bản điều hành trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp để cùng chung tay vượt qua thách thức, cùng tiến tới phục hồi kinh tế. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư đang dịch chuyển.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ cần ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Còn theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, trong năm 2021 Chính phủ cần khơi thông trách nhiệm hiệu quả hơn nữa để tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, làm hình mẫu cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ. Mặt khác, hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp để họ giữ được tinh thần hứng khởi đối với hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, cần phát triển thị trường trong nước để tạo thêm cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhanh chóng phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, v.v.) để tạo thêm “sức nặng” cho thị trường trong nước, qua đó hướng doanh nghiệp nhiều hơn về “sân chơi Việt”, “khách hàng Việt”. Ngoài ra, không ngừng tìm kiếm thêm cơ hội từ xuất khẩu, thông qua nâng cao năng lực khai thác các FTA, đặc biệt là các FTA tương đối mới như CPTPP và EVFTA, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa cả thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ sức hút từ hội nhập và tiềm năng của một nền kinh tế năng động. Những kết quả mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2020 sẽ góp phần tạo đà phát triển tích cực trong năm 2021.