Kinh tế Việt Nam năm 2021 trên đà phục hồi

Năm 2021, sự bùng phát dữ dội trở lại của dịch Covid-19 đã làm Việt Nam sụt giảm hơn 2 điểm GDP, từ 4,8% theo dự kiến xuống còn quanh mức 2,5%.

Việt Nam đang phải đối mặt với một số trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau thời gian cách ly xã hội kéo dài. Ảnh | THANH GIANG
Việt Nam đang phải đối mặt với một số trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau thời gian cách ly xã hội kéo dài. Ảnh | THANH GIANG

Các chỉ số vĩ mô cơ bản ổn định

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế năm 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi khi các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, nhưng sự xuất hiện các biến thể mới khiến quá trình phục hồi kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021. Bên cạnh đó, đại dịch đã gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các quốc gia.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực. Ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, tiếp theo là ngành sản xuất-phân phối điện và xây dựng.

Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế như ngành vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Trong khi đó, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,97%.

Trong bối cảnh chung như vậy, các doanh nghiệp tiếp tục "chịu trận", 119,8 nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2% so với năm trước. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Có thể nói, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tính đến thời điểm 24/12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%.

Chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng nhận xét điểm đáng chú ý là thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới: Chỉ số VNIndex chạm mốc 1.500 điểm; làn sóng gia nhập của nhà đầu tư tăng; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 45,5%; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay tăng 257,5% so với bình quân năm trước. Mặc dù thị trường còn nhiều vấn đề, rủi ro, song đây cũng là thời điểm thúc đẩy sự nhận thức và phát triển thị trường chứng khoán một cách nhanh chóng.

Một trong những vấn đề mà người dân quan ngại đó là giá trị đồng tiền bị giảm sút bởi dịch đã khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, trong khi đó nguồn thu, tích lũy của các gia đình đã bị cắt giảm đáng kể giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Những vấn đề đặt ra trên đà hồi phục

Theo ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài. Tuy nhiên, những diễn biến tích cực được quan sát trong các tháng cuối năm cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được thúc đẩy mạnh trong những tháng tới. Các can thiệp về chính sách tài khóa cũng sẽ phát huy hiệu quả với nền kinh tế Việt Nam, trong đó có việc miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và cung cấp trợ giúp xã hội cho các đối tượng gặp khó khăn.

Một số nhà quan sát quốc tế cũng đưa ra nhận định về triển vọng trung hạn trong 5 năm tới, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á. Những động lực được kỳ vọng là Việt Nam có một lực lượng lao động tương đối lớn, có trình độ đang được cải thiện nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực Đông Nam Á, giá nhân công tương đối thấp. Chi tiêu vốn dự kiến sẽ tăng nhanh cho thấy các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đổ vốn trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng như Nhà nước sẽ tiếp tục chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn khi các công ty cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khu vực châu Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do FTA ngày càng nở rộ và từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra kịch bản nếu dịch tái bùng phát, tình trạng "đóng-mở" lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động bất an, chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt trong nông nghiệp. Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất, chế biến, chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho biết kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý III kèm theo các hậu quả kinh tế xã hội nặng nề sẽ phải mất nhiều thời gian mới khắc phục được. Lạm phát do chi phí đẩy cao là một rủi ro cần được giám sát chặt, bất kỳ sự nới lỏng tiền tệ nào đều cần phải hết sức thận trọng.

Chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực cho biết nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2021 tăng lên khoảng 2,3%, còn nợ xấu bao gồm nợ bán cho VAMC và nợ tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước dự báo trong năm tới sẽ hơn 7%. Nhìn chung các chuyên gia đều thống nhất khuyến nghị, triển vọng hồi phục kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Bởi thực tế, các gói hỗ trợ cho tới nay vẫn còn hạn hẹp. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể tạm thời chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao hơn bình thường nhằm hỗ trợ an sinh xã hội và doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, các kỷ luật tài khóa cần được tuân thủ chặt chẽ trở lại để tránh các rủi ro về tài khóa và nợ công trong dài hạn.