Để ly nông bất ly hương

Do không có đất sản xuất, không có việc làm và thu nhập không ổn định..., những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đã rời bỏ quê hương đến các thành phố lớn tìm kiếm việc làm. Chọn giải pháp đi làm ăn xa cũng đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt đổ xô đến các thành phố, các khu công nghiệp kiếm sống không những làm cho địa phương thiếu lực lượng lao động trẻ mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác. Vì vậy, sớm tìm ra một giải pháp khả thi nhất để giữ nguồn nhân lực dồi dào tại nông thôn phục vụ phát triển kinh tế ngay tại quê nhà là một vấn đề cấp thiết...

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Lý Nhân, Hà Nam).
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Lý Nhân, Hà Nam).

Khi xóm làng chỉ toàn trẻ con và người già

Có dịp công tác đến các tỉnh thuộc khu vực nông thôn, đặc biệt là các địa phương phía bắc như Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang hay vùng Thanh - Nghệ không khó để người ta bắt gặp những làng xóm chỉ còn người già và trẻ con. Những người còn trong độ tuổi lao động sung sức đều “đi làm xa” ở Hà Nội, hay “nam tiến” vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương để kiếm kế sinh nhai...

Đã nhiều năm nay, bà cụ nông dân Nguyễn Thị Tân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tại Quế Võ (Bắc Ninh) phải trông nom hai đứa cháu ngoại cho vợ chồng người con gái đi “làm ăn” ở Bình Dương. Tuổi già nuôi cháu nhỏ nhiều lúc ốm đau, bệnh tật vất vả vô cùng nhưng đời sống của các con khó khăn nên bà cũng không đành bỏ mặc. Bà cho biết, vài tháng con cũng chỉ gửi về được khoảng một triệu đồng để lo cho các cháu, có tháng cũng không có tiền gửi vì không có việc để làm. Vợ chồng bà phải nuôi nấng, lo lắng cho các cháu ăn uống, học hành nhờ vào thu nhập ít ỏi từ mấy sào đất sau nhà. Nhiều đêm nghĩ đến con đang bôn ba, vất vả nơi xứ người để tìm kế sinh nhai, thấy các cháu học hành không có người kèm cặp, bà thấy chạnh lòng. Bà chỉ mong sao ở địa phương tạo được nhiều việc làm cho lao động để các con trở về quê làm ăn sinh sống, có thời gian gần gũi, tự chăm lo cho các cháu vì ông bà tuổi ngày càng cao. Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp do cha, mẹ đi làm ăn xa, gửi con lại quê nhà cho cô, chú, ông, bà lớn tuổi chăm lo. Do thiếu vắng tình thương, không có sự quản lý trong sinh hoạt, nhiều đứa trẻ đã tự ý bỏ học, rồi sa ngã vào tệ nạn xã hội.

Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã tích cực phối hợp các ngành có liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn huyện nhưng do nhu cầu việc làm tại địa phương còn hạn chế, công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập, thu nhập so với mặt bằng chung của tỉnh và khu vực còn thấp nên nhiều lao động không tìm được việc làm tại chỗ, phải bỏ quê hương đi làm ăn xa xứ.

Đào tạo đội ngũ “công nhân nông nghiệp”

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy đây là một vấn đề mà không phải các địa phương nông thôn, nông nghiệp không biết, thậm chí biết rất rõ. Và để “kéo” người lao động ở lại với “tam nông”, nhiều nơi cũng đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện. Ngoài những lao động cố cựu “ bám đất, bám vườn” thì mỗi năm địa phương cũng đã giải quyết được việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại chỗ, thông qua việc phát triển chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống và việc làm tại các cơ sở công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ thương mại... Tuy nhiên, thực trạng hiện nay ở nhiều nơi việc “ly nông” cũng diễn ra theo phong trào rồi nhiều lúc người lao động cũng đã tự quay về, với suy nghĩ là không đâu bằng ở quê hương mình. Dù thu nhập có thấp nhưng vẫn bảo đảm được chi phí sinh hoạt, đời sống hằng ngày và còn có cuộc sống đậm đà tình nghĩa xóm giềng, những bữa cơm ấm áp yêu thương bên người thân; cho nên tâm trạng suy nghĩ trâu ta “gặm” cỏ đồng ta... đang diễn ra cũng không ít. Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì nhiều lao động cho biết, họ đã chán ngán cảnh “tha phương cầu thực” và mong muốn có được việc làm tạo cuộc sống ổn định trên chính quê hương của mình như ông bà đã dạy “ly nông bất ly hương”. Tuy nhiên, làm thế nào để người nông dân “ly nông” nhưng bất “ly hương” đang là bài toán khó cho nhiều địa phương và không phải là chuyện một sớm, một chiều. Cần phải có sự quyết tâm cao độ và các giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp trong nông nghiệp, tạo nên những việc làm phi nông nghiệp... Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu trong nông nghiệp phải thật sự có sự “liên kết” chặt chẽ với thực trạng đời sống của nông dân, với hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay. Khi những người nông dân thật sự là “công nhân” trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình họ, thì họ sẽ “ly nông” nhưng sẽ bất “ly hương”.

Hiện nay, với việc hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất công nghệ cao, một mấu chốt khác tiếp tục đặt ra cho ngành nông nghiệp: phải đào tạo cho được đội ngũ các “công nhân nông nghiệp” có tay nghề, có kiến thức khoa học kỹ thuật. Nhưng đây cũng là một khó khăn lớn.

Theo các chuyên gia đào tạo, đa số nông dân vùng thu hồi đất cũng như tại nông thôn không có bằng cấp, học vấn có hạn, bởi vậy, việc dạy nghề cho họ phải có những cơ chế đặc thù mới có hiệu quả, dù đó là nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp. Đặc biệt, trong mảng việc làm nông nghiệp, “nút thắt” trong đào tạo nghề là xác định, lựa chọn nghề đào tạo để làm “nông nghiệp tiên tiến, hiện đại”. Nhưng căn nguyên của vấn đề này lại là công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chưa có các giải pháp đồng bộ về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, vốn sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để thực hiện quy hoạch.

Như vậy, “nút thắt” ở đây được hiểu chính là nguồn việc làm để từ đó định hình và thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho lao động. Việc làm sau đào tạo là “chìa khóa” giám sát, kiểm soát đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Điều này tất yếu hình thành cơ chế ràng buộc là: “Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và dự kiến được mức thu nhập sau học nghề”. Chứ không dạy nghề ào ào, học nghề ào ào nhưng rút cục vẫn không có “đầu ra” cho nguồn nhân lực phong phú này, và các chứng chỉ học nghề của nông dân không bị bỏ phí trong các tủ kính!

Cuối tháng 12-2016, khi làm việc với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, vấn đề “ly nông, bất ly hương” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là một trong năm nhiệm vụ hàng đầu của Viện và yêu cầu cơ quan này nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt bài toán chuyển dịch lao động giữa các khu vực. Bởi hiện nay chênh lệch giữa nông thôn và thành thị rất lớn, người dân bỏ ruộng nương lên thành phố làm ăn. Vì vậy, phải giải quyết bằng được những bất hợp lý này, để người dân “ly nông” nhưng không “ly hương”.

Để ly nông bất ly hương ảnh 1

Vấn đề “ly nông bất ly hương” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi làm việc với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tháng 12 năm 2016. Ảnh : TRẦN HẢI