Để hàng nông sản không còn ùn ứ ở cửa khẩu

“Câu chuyện hàng hóa nông sản bị dồn ứ ở cửa khẩu trong nhiều năm qua đã là câu chuyện quá quen thuộc.”

Hàng nghìn công-ten-nơ hàng nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh | CTV
Hàng nghìn công-ten-nơ hàng nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh | CTV

Đứng co ro trong cái rét có lúc xuống tới 8 độ C của những ngày tháng 2, anh Nguyễn Văn Hoan, một lái xe công-ten-nơ chuyên chở hoa quả từ Long An qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn buồn bã chia sẻ: “Trời lạnh, xe kẹt không nhúc nhích được, chủ hàng thì lo lắng liên tục hỏi han, đi chặng này đã nhiều lần rồi, nhưng đây là lần tăng bo lâu nhất. Kẹt lại một ngày là tốn kém thêm nhiều công sức, tiền bạc”. Xe chở hàng của anh theo lịch trình đã phải qua bên kia biên giới từ cả tuần trước. Trong khi đó, theo thông tin anh tìm hiểu được thì mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục xe được thông quan. Xe của anh Hoan chỉ là một trong vài nghìn xe chở hàng bị ùn tắc lại nơi cửa khẩu của các tỉnh phía bắc Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng. Trước tình hình này, Sở Công thương các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh trong những ngày tháng 2 đã phải thông báo đến các địa phương có doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu hoa quả tươi bằng đường bộ sang Trung Quốc tạm thời dừng nhận xe chở hàng vài tuần.

Tình trạng cửa khẩu ùn ứ diễn ra suốt thời gian từ cuối năm ngoái tới cận Tết năm nay do phía Trung Quốc siết chặt phòng chống dịch. Tuy nhiên, cả sau Tết thì tình hình vẫn chưa được cải thiện, nhất là thời điểm hiện nay đã vào mùa làm ăn mới của các thương lái. Tình trạng ùn tắc đang diễn biến có chiều hướng nghiêm trọng hơn, trong khi thời tiết khu vực phía bắc những ngày qua  khắc nghiệt và tình hình dịch diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương cả bên Việt Nam và Trung Quốc.

Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Móng Cái Phạm Quốc Hưng cho biết: Có nhiều hôm phía Trung Quốc phải đóng cửa khẩu để phun khử khuẩn bởi phát hiện xe hàng hóa thông quan có virus Sars-CoV-2, vậy nên tiến độ lưu thông hàng hóa lại càng chậm. Mỗi ngày chỉ khoảng 10-15 xe. Các hàng nông sản chủ yếu là mít, thanh long, sầu riêng, dưa hấu và một số xe quá cảnh của Thái Lan. Đến cuối tháng 2 ở cửa khẩu này cũng đang dồn ứ khoảng hơn trăm xe công-ten-nơ. Chi cục Hải quan Móng Cái, Hải quan Quảng Ninh bố trí trực 24/24 giờ để hướng dẫn và giải quyết thủ tục nhanh gọn nhất cho doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, việc có lưu thông được hàng hóa hay không phụ thuộc vào tình trạng đóng mở cửa khẩu của phía Trung Quốc.

Theo tính toán của Hiệp hội rau quả Việt Nam, với tình trạng công-ten-nơ bị  ùn ứ như vừa qua, các doanh nghiệp có thể thiệt hại lên đến 3-4 nghìn tỷ đồng, trong đó một số mặt hàng hoa quả tươi như dưa hấu, thanh long, xoài... có thể phải đổ bỏ vì hư hỏng. Trên đoạn đường quốc lộ, hàng nghìn xe công-ten-nơ xếp hàng dài nối đuôi nhau hàng km. Nhiều lái xe sau cả chục ngày không thông quan được, phải mở nắp các thùng hàng để đánh giá lại thực trạng hàng hoá báo cho chủ hàng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong đợt hàng tồn ứ vừa qua tại các cửa khẩu với biên giới Trung Quốc là hơn 6.000 công-ten-nơ, trong đó hơn 4.000 công-ten-nơ là ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Một số doanh nghiệp phải chọn giải pháp quay đầu xe về chợ đầu mối Hà Nội để tiêu thụ, chấp nhận lỗ với mức giá bằng một phần tư giá xuất đi. Giám đốc Công ty Thanh Long Hoàng Hậu Trần Ngọc Hiệp cho biết, các xe đi sớm cuối tháng 11, đầu tháng 12 đã may mắn xuất được, còn sau thời gian này đều bị kẹt lại. Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên, các chủ vườn và thương lái các vườn đến vụ thu hoạch cũng đang canh cánh lo âu từng ngày. Ông Hội, chủ một vườn vải ở Bắc Giang cho biết, các thương lái một số chỗ chưa đặt cọc hoặc rút lại cọc do lo lắng tình trạng khó thông quan ở các cửa khẩu. Với tình hình hiện tại, Sở Công thương các tỉnh vẫn tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp, đơn vị liên quan cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý trong việc vận chuyển hàng đến các cửa khẩu.

Cục trưởng Quản lý giám sát về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, đây là lần ùn ứ hàng nông sản ở các cửa khẩu lớn nhất do Trung Quốc siết chặt quản lý dịch bệnh, bên cạnh đó sau Tết và trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, số lượng tài xế sẵn sàng làm lái xe trung chuyển cũng không tăng được nhiều. Việc tách cửa khẩu để thông quan từng loại hàng hóa riêng biệt hay tăng thời gian đóng, mở cửa khẩu cũng khó thực hiện vì liên quan đến thỏa thuận giữa hai nước, cần được thông qua từ Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan.

CÁC ĐỘNG THÁI NGOẠI GIAO

Trước thực trạng cấp bách nêu trên, trung tuần tháng 2, Bộ Công thương Việt Nam đã khẩn trương phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị trực tuyến về thông quan hàng hóa và hợp tác phòng, chống dịch tại cửa khẩu giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc) sau khi hai bên đã tổ chức hai kỳ họp Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung và kỳ họp thứ nhất Cơ chế liên hợp giải quyết vấn đề ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung và hợp tác phòng, chống dịch vào tháng 1 năm 2022. Tham dự Hội nghị về phía Trung Quốc có đại diện của Sở Ngoại vụ Vân Nam, Sở Thương mại, Hải quan Côn Minh, Ủy ban Y tế và sức khỏe Vân Nam, Tổng trạm kiểm tra biên phòng xuất nhập cảnh Vân Nam, châu Hồng Hà, châu Văn Sơn, thành phố Phổ Nhĩ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

image004.jpg -0
 Phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch khiến cho việc thông quan gặp nhiều khó khăn. Ảnh | CTV

Có thể thấy sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên, giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng nhất là trong hoàn cảnh điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hai bên đã trao đổi và thống nhất được những nội dung quan trọng về hợp tác phòng dịch như việc nghiên cứu xây dựng quy trình xuất khẩu an toàn, phối hợp xây dựng “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu; tăng lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu, nâng công suất các bãi kiểm dịch để tăng số lượng các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu nông sản, xây dựng luồng xanh thông quan cho nông sản, thực hiện thông quan hẹn trước. Phía Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất cụ thể như xem xét khả năng cho phép cơ quan xét nghiệm bên thứ ba tiến hành xét nghiệm RT-PCR đối với phương tiện vận tải và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, xem xét công nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp vùng xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu để hoạt động thông quan diễn ra an toàn, tiếp tục khôi phục và kéo dài thời gian thông quan tại một số cửa khẩu đường bộ đang bị tạm dừng...

Phía Trung Quốc nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục phối hợp đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch vì mục tiêu an toàn sức khỏe cho người dân hai nước. Bên cạnh đó, phía Vân Nam cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể với các địa phương Việt Nam như: đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản triển khai công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu; áp dụng quy trình quản lý thông minh, tham khảo phương án “mỗi cửa khẩu thành lập một nhóm công tác chuyên môn” của Trung Quốc, hợp tác phòng chống buôn lậu và tội phạm xuyên biên giới…

Về mặt ngoại giao, Bộ Công thương đã kịp thời triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến trình thông quan ở các cửa khẩu. Tuy nhiên, thực tế công việc tồn đọng không thể giải quyết trong vài tuần. Tỉnh Lạng Sơn đã có những thông báo tạm dừng nhận xe chở hàng nông sản cho đến đầu tháng 3, nhưng mỗi ngày vẫn có từ 50-70 xe lên tỉnh này.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh đề xuất các địa phương có cửa khẩu thiết lập các vùng đệm, vùng xanh, bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để khử khuẩn hàng hóa, phương tiện, xét nghiệm Covid-19 cho tài xế. Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh  cho biết, tỉnh Quảng Ninh đang đàm phán với phía Trung Quốc về nơi quản lý và ăn ở tập trung của lái xe chở hàng. Còn với Lạng Sơn, tỉnh này đã thống nhất với Trung Quốc về thí điểm phương thức giao nhận hàng hoá hạn chế tiếp xúc. Hai bên sẽ áp dụng phương thức này tại cửa khẩu Tân Thanh từ ngày 26/2 và tại cửa khẩu Hữu Nghị từ 1/3. Năng lực thông quan tại Tân Thanh có thể tăng gấp 4-5 lần khi áp dụng phương thức giao nhận không tiếp xúc này, lên 150-200 xe một ngày.

“TRONG BỐI CẢNH DỊCH PHỨC TẠP, CÁC GIẢI PHÁP VẬN CHUYỂN BẰNG CÁC LOẠI HÌNH KHÁC ĐANG ĐỨT GÃY VÀ CHI PHÍ TĂNG CAO, CẦN PHẢI TÍNH ĐẾN MỘT CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI CHO HÀNG NÔNG SẢN”

CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bá Ân, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam  chịu nhiều tổn thất không ít lần từ thị trường Trung Quốc, nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế đây vẫn là thị trường lớn mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua. Trên thị trường thế giới, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp các quốc gia khác cũng muốn chen chân vào thị trường tỷ dân này. Do đó, sự cạnh tranh ngày các khắc nghiệt hơn, hơn nữa phía Trung Quốc cũng ngày càng canh tác nhiều sản phẩm nông sản tương tự hàng Việt Nam buộc nước này ra nhiều chính sách để bảo hộ hàng nông sản của họ.

Mặt khác, Việt Nam có chung đường biên giới nên thuận lợi trong việc giao thương. Các chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn nhiều lần so với việc xuất đi các quốc gia khác. Do đó, nếu bỏ lỡ thị trường này doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận mà các thị trường khác không thể bù đắp.

Phân tích của Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho thấy Trung Quốc là thị trường có sức hấp dẫn bởi giá mua nông sản cao hơn thị trường nội địa nước ta. Chất lượng nông sản đòi hỏi không cao hơn các thị trường khác như Âu Mỹ nên có thể coi đó là thị trường khá dễ tính khi chưa đòi hỏi các điều kiện bảo quản hàng sau thu hoạch phải hiện đại, tiên tiến. Ngoài ra, về địa lý, quãng đường di chuyển ngắn giúp nông sản xuất khẩu bảo đảm chất lượng tươi ngon. Theo số liệu thông kê của Tổng cục Hải quan mới đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 54% về thị phần. Đây là thị trường tiếp tục dẫn đầu top 10 các quốc gia xuất rau quả của Việt Nam.

image006.jpg -0
Thanh long được mùa nhưng rớt giá do hàng không xuất được qua cửa khẩu. Ảnh | CTV 

Hiện nay, Trung Quốc đang quan tâm việc giảm xuất khẩu tiểu ngạch thay thế bằng hoạt động chính ngạch nhằm đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch, hướng tới sản phẩm vào nước này đáp ứng tiêu chí an toàn và cao cấp. Phía Trung Quốc đang xem xét việc giám sát chỉ số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với trái cây nhập khẩu, đây là yêu cầu trước đây chỉ có các thị trường khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện. Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thành Nam nhấn mạnh tại các hội nghị về giải quyết hàng nông sản ùn ứ rằng các địa phương cần tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp thêm thông tin về quy định mới của thị trường Trung Quốc để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này, cũng như từng bước nâng cao năng lực để tiến tới xuất khẩu chính ngạch. Yêu cầu này cũng giúp thoát thế quá phụ thuộc vào một thị trường mà có thể đáp ứng được đa dạng thị trường.

Giám đốc Công ty Hoàng Phát Nguyễn Khắc Huy cho biết, tuy gặp khó trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc lần này, nhưng công ty vẫn đang tìm nhiều biện pháp khác nhau vì ông nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, hấp thụ hàng xuất khẩu khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp nông sản khác cũng chung nhận định khi cho biết doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm đến 70%. Đây là thị trường lớn của nông sản Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Vấn đề là hàng Việt Nam vẫn đang xuất khẩu chủ yếu tiểu ngạch. Nghĩa là các thương lái mua của nhà vườn và xuất qua cửa khẩu theo chính sách biên mậu. Các thương lái như mặt hàng mít chủ yếu có ba chủ đầu nậu lớn của Trung Quốc thu mua và nhiều khi họ tận dụng chính sách biên mậu để hưởng lợi về thuế. Các doanh nghiệp Việt Nam cứ có người đặt hàng dễ bán, giá cả lại tốt thì chẳng cần cân nhắc chính ngạch hay tiểu ngạch. Tuy nhiên, khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các kiểm soát về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thì họ sẽ chịu rủi ro khi thông quan mà lúc này các chủ thương lái cũng khó ra tay để giải quyết được. Hậu quả hai bên chịu tổn thất. Giám đốc Công ty cổ phần Khoai lang Nhật Thành Huỳnh Ngọc Có cho rằng sẽ không bỏ cuộc với thị trường Trung Quốc. Theo ông, việc Trung Quốc siết chặt các quy định với nông sản Việt Nam về tiêu chuẩn an toàn là tiền đề để nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng hơn. Công ty cổ phần Khoai lang Nhật Thành ngay từ lúc này đang xây dựng các kế hoạch sản xuất nông sản có quy hoạch với các vùng trồng có truy xuất nguồn gốc đầy đủ để đáp ứng thị trường Trung Quốc.

Ngoài việc tập trung vào thị trường Trung Quốc, các cơ quan ngoại giao cũng đã nỗ lực kết nối, quảng bá nông sản Việt vươn ra các thị trường trên thế giới qua kênh các kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Với khoảng 5 triệu kiều bào, đây là lực lượng quan trọng giúp phát triển thương mại nói chung và hàng nông sản nói riêng. Mới đây, Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao đã tổ chức các hội nghị thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thế giới. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, đây là thời điểm vàng đưa hàng nông sản Việt Nam vươn xa tới các thị trường khác nhau trên thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại và kiều bào là nhân tố thúc đẩy quá trình đó. Kiều bào là đầu mối thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường nước ngoài, hướng dẫn cho các kênh phân phối cơ chế luật pháp chuẩn chỉnh. Và điều quan trọng hơn thông qua các nông sản đặc sản có thể chia sẻ văn hóa Việt, tạo ra những giá trị cao hơn cho hàng nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Chúng ta bán những thứ thế giới cần chứ không phải chỉ những thứ chúng ta có”. Kiều bào ở nước ngoài hiểu từng đặc tính của thị trường, tập quán tiêu dùng của thị trường đó giúp cho nông sản của Việt Nam đáp ứng chuẩn mực của từng loại thị trường. Được biết hàng hóa nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc kết nối với kiều bào sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, chứ không chỉ ùn ứ mãi ở một đường biên.

Bộ NN&PTNT gỡ khó cho quả thanh long xuất khẩu

Trước tình hình khó khăn trong việc xuất khẩu thanh long, đích thân Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã tham dự hội nghị nhằm giải quyết những khó khăn cho việc xuất khẩu loại quả này, cách tiếp cận thị trường; làm sao để hạn chế rủi ro về thị trường.

Các chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các địa phương phải thống kê, nắm chắc diện tích, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; từng bước nâng cao giá trị trái thanh long; từ đó chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có gần 34.000 ha thanh long, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Trong đó có gần 14.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 335 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp được 396 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Tình hình thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía bắc khó khăn đã làm cho giá thanh long đang giảm sâu bởi các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng. Giá mua thanh long ruột trắng tại vườn xuống thấp...

Để giải quyết vấn đề trước mắt, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương, các đơn vị liên quan đã cố gắng  đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho bà con nông dân. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có kế hoạch, xây dựng phương án lựa chọn phương thức xuất hàng chính ngạch qua đường biển, đường sắt nhằm giảm ách tắc tại đường bộ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong, để giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản cần có sự hỗ trợ, kết nối từ Trung ương, các bộ, ngành liên quan về nhận định tình hình, dự báo thị trường đến việc hoạch định chính sách, cơ chế hướng dẫn, bộ tiêu chí sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường…Ông Lê Tuấn Phong cũng đề xuất Bộ NN&PTNT cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia, từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ thanh long trên cơ sở nghiên cứu khoa học, bảo đảm nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch, phát triển.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng cập nhật thông tin, chính sách tiêu thụ ở các nước để kịp thời phổ biến đến địa phương; định hướng tăng cường công tác chế biến, giải quyết tình trạng ứ đọng hàng khi gặp khó khăn khi tiêu thụ; đầu tư kho lạnh tại các cửa khẩu để lưu trữ hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu…