Để con trâu vẫn giữ vị thế “đầu cơ nghiệp”

PGS, TS Mai Văn Sánh (ảnh bên), nguyên Trưởng Bộ môn Nghiên cứu trâu, Viện Chăn nuôi, người đã giành hơn 40 năm nghiên cứu con trâu luôn trăn trở về việc phát triển và nâng cao chất lượng đàn trâu trong cả nước, tăng thu nhập cho người nông dân. Nhân đầu xuân mới, năm Tân Sửu 2021, ông có cuộc trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng về vai trò con trâu trong sản xuất, đời sống và những kỷ niệm trong cuộc đời nghiên cứu của mình.

Để con trâu vẫn giữ vị thế “đầu cơ nghiệp”

Thưa ông, có thể nói con trâu là hình ảnh gần gũi, thân thuộc trong đời sống hằng ngày, thậm chí được ví như người bạn thân thiết của nhà nông nước Việt. Ông có thể cho bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò, vị thế của con trâu trong đời sống xã hội và sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay?

Con trâu không những là một loài vật nuôi hữu ích mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn. Hình ảnh con trâu ăn sâu vào cội rễ văn hóa người Việt, trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước, đời sống nông thôn, đức tính cần cù, hiền lành... Con trâu được thuần hóa cách đây bốn, năm nghìn năm, với mục đích để cày, kéo. Trâu cày kéo rất khỏe, là nguồn sức kéo rẻ tiền và tự tái sản xuất khi sinh ra các thế hệ kế tiếp. Trâu cung cấp thực phẩm cho con người, nhất là thịt và sữa. Ngoài ra, phân trâu cung cấp nguồn phân bón và chất đốt hữu cơ; sừng, da, lông trâu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thủ công mỹ nghệ... Giá trị kinh tế to lớn của con trâu được đánh giá từ việc nó không “cạnh tranh” thức ăn, lương thực với con người và các con vật khác bởi thức ăn của nó chỉ có cỏ, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp. Bởi vậy, trâu thường được nuôi ở các nước nghèo, vùng nghèo để tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn này và tận dụng lao động phụ của gia đình. Thực tế cho thấy, trên thế giới đàn trâu có hơn 200 triệu con, nhưng gần 90% số trâu tập trung ở châu Á. Hiện nay, khi kinh tế phát triển, thì nhiều nước ở châu Á vẫn phát triển chăn nuôi trâu, thí dụ ở Ấn Độ, hình ảnh quen thuộc là nông dân chạy ô-tô, nhưng trong nhà vẫn nuôi trâu để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng, dường như ở Việt Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng, con trâu đã dần vắng bóng trong sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là những con “trâu sắt” chạy trên cánh đồng bằng phẳng. Nhiều người cho rằng, con trâu đã mất vị thế trong đời sống. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Để con trâu vẫn giữ vị thế “đầu cơ nghiệp” -0
Ảnh | T.L 

Đàn trâu ở Việt Nam hiện nay xấp xỉ khoảng 2,5 triệu con. Thời kỳ cao nhất, đàn trâu có khoảng ba triệu con. Như vậy, cho thấy trâu có giảm, nhưng không nhiều. Những năm gần đây trâu giảm rất ít, cơ bản là giữ được đàn trâu. Một số địa phương giảm nhiều là ở đồng bằng sông Cửu Long, còn ở trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ vẫn giữ được đàn trâu, với 56-57% số trâu tập trung ở vùng trung du miền núi phía bắc và hơn 30% ở Bắc Trung Bộ. Có sự không đồng đều đó là do điều kiện địa hình ở miền núi, trung du có nhiều đồng cỏ để chăn thả trâu, còn ở đồng bằng điều kiện không cho phép, đồng thời cơ giới hóa thay thế cho sức trâu trong sản xuất nông nghiệp.

Nói con trâu mất vị thế trong đời sống thì không thỏa đáng. Nó chỉ giảm nhiệm vụ, chức năng cày kéo và thồ vác, còn nó vẫn là con vật mang lại nhiều giá trị kinh tế trong đời sống của người dân hiện nay, đặc biệt trong cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng và giá tương đối cao so với các vật nuôi khác.

Nghiên cứu cho thấy, thịt trâu có giá trị dinh dưỡng không thua kém thịt bò, và còn ưu điểm hơn là thịt nhiều nạc, ít mỡ, hàm lượng cholesterol thấp. Những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương đã phát triển đàn trâu thịt theo hướng chăn nuôi hàng hóa, lấy thịt và phụ phẩm. Bởi vậy số lượng trâu bị giết để lấy thịt nhiều hơn trước trong khi đặc tính sinh sản của trâu chậm (36 tháng mới sinh sản và thời gian chửa là 10,5 tháng). Số trâu sinh mới không kịp bù cho số trâu đã bị giết thịt khiến lượng đàn trâu bị giảm sụt hơn so với các đàn gia súc khác.

Thưa ông, từ thực tế thị trường cho thấy, chúng ta cần khai thác tiềm năng của con trâu là cho thịt, thậm chí lấy sữa, không nên mặc định vai trò to lớn của con trâu là cày kéo. Để làm được việc đó, cần các chủ trương, chính sách gì để phát triển chăn nuôi trâu theo hướng sản xuất hàng hóa?

Trâu Việt Nam có hạn chế là tầm vóc bé, sinh sản và sinh trưởng chậm, khả năng cho thịt thấp, cho sữa thì rất thấp, nhưng lại chịu đựng tốt điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện sống kham khổ. Hiện nay, đàn trâu của Việt Nam có giống trâu đầm lầy (hay còn gọi là trâu bản địa) 2,5 triệu con; trâu Murrah nhập từ Ấn Độ năm 1978 có gần 100 con. Giống trâu Murrah là một trong những giống vật nuôi tự hào của Ấn Độ vì lớn nhanh, sinh trưởng tốt và nhiều thịt hơn, được nhập về để lai tạo, cải tạo tầm vóc trâu Việt Nam. Điều kỳ diệu là con trâu Murrah khác nhiễm sắc thể con trâu nội, về mặt khoa học, hai con khác nhau nhiễm sắc thể thì con lai không có khả năng sinh sản. Nhưng con trâu Murrah lai với trâu nội thì con lai của nó vẫn có khả năng sinh sản. Khi nhập về ý định lai tạo để cho ra một giống trâu lấy sữa và thịt nhưng thực tế, con trâu lai cho năng suất sữa thấp, chỉ cho thịt tốt. Trâu lai có trọng lượng lớn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại các địa phương. Tuy nhiên, nhìn chung, chưa có chương trình đủ lớn để phát triển đàn trâu thịt trong nước, chưa có trại giống với những con giống tốt nhất, chưa xây dựng vùng giống để tạo đàn đực giống tốt cung cấp cho các vùng để phát triển. Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần thay đổi phương thức nuôi trâu từ quảng canh sang bán thâm canh; hình thành các trang trại nuôi trâu thịt quy mô lớn; xây dựng chuỗi liên kết và sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa địa phương và các cơ quan nghiên cứu. 

Nghiên cứu về trâu có lẽ có khá nhiều đặc thù, vất vả. Cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực nghiên cứu con trâu và thách thức lớn nhất trong nghiên cứu về phát triển đàn trâu là gì?

Cơ duyên là sự phân ngành trong khi ra trường ngày xưa, chứ không được chọn gì đâu. Đúng là lĩnh vực nghiên cứu này rất vất vả, có được một bài báo công bố kết quả nghiên cứu về trâu không hề dễ. Thí dụ, năm 1978, khi tiếp nhận trâu Murrah tại tỉnh Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước ngày nay), chúng tôi là cán bộ ngoài bắc vào nam để hỗ trợ kỹ thuật, phải ăn, ngủ cùng con trâu, rất tâm huyết. Đợt đó, nhập hơn 500 con trâu, gần như trung bình mỗi ngày một con trâu đẻ. Chúng tôi đều là thanh niên ngoài 20 tuổi cả, mà đêm nào cũng nằm tại chuồng trực đỡ đẻ cho trâu. Trâu đực giao phối rất hăng, khi không giao phối được nó đánh nhau, húc nhau rất nguy hiểm. Chúng tôi phải lấy cây sào dài, buộc giẻ vào đốt lửa để trâu sợ, bỏ chạy. Dù vất vả, nguy hiểm, nhưng chúng tôi cảm thấy vui vì đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình khi lực lượng cán bộ lĩnh vực này còn hiếm, và mình cũng trưởng thành lên từ đó.

Đến nay, dù đã 40 năm nghiên cứu về trâu, với tôi, việc nâng cao sinh sản của trâu vẫn là một thách thức lớn. Đặc điểm sinh sản của con trâu có động dục thầm lặng, biểu hiện không rõ ràng, rất khó phát hiện trâu động dục để phối, do đó, vẫn là khó khăn để nâng cao tỷ lệ đẻ, phát triển chăn nuôi trâu ở nước ta. 

Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình trong cuộc đời nghiên cứu, gắn bó với con trâu?

Kỷ niệm thì có nhiều, nhưng có lẽ những tháng ngày chúng tôi ở tỉnh Sông Bé để tiếp nhận, hỗ trợ kỹ thuật cho đàn trâu Murrah, trong đó có hai con trâu là món quà của Thủ tướng Ấn Độ tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn in đậm trong trí nhớ. Khi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giao đôi trâu đặc biệt này cho Anh hùng Lao động Hồ Giáo trực tiếp chăm sóc. Tôi đã có thời gian sống, làm việc với ông Hồ Giáo nhiều năm, rất thân thiết tình cảm. Tôi cảm phục khi chứng kiến ông nuôi trâu rất công phu và tài tình. Với phương pháp chăm sóc của ông, đôi trâu đã nhân giống được thành đàn trâu mấy chục con to khỏe, chất lượng tốt, rồi chuyển giao cho nhân dân các địa phương phát triển.

Hiện nay, nhiều địa phương đang tự phát triển đàn trâu lai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trâu Murrah, với hàng nghìn con trên cả nước, điển hình là các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Trong luận án tiến sĩ của tôi làm năm 1995, tôi đã nghiên cứu và kết luận trâu lai Murrah với trâu nội lấy sữa không tốt, nhưng hướng lấy thịt thì rất tốt. Tôi hy vọng, Nhà nước sẽ có chính sách, giải pháp để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, khai thác tiềm năng, giá trị của con trâu để con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”, từ đó góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng phát triển nông thôn ở nước ta.

Trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!