GS, TS Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

“Chuyển đổi số quốc gia sẽ đưa nền kinh tế lên quỹ đạo tăng trưởng mới”

GS, TS Trần Thọ Đạt.GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần đổi mới sáng tạo để tạo ra động lực tăng trưởng mới, trong đó phát triển kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số sẽ đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá.

“Chuyển đổi số quốc gia sẽ đưa nền kinh tế lên quỹ đạo tăng trưởng mới”

Sau hơn 35 năm Đổi mới, vì sao giờ đây lại cần phải tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thưa ông?

Chúng ta đã bàn nhiều về mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào việc mở rộng các yếu tố đầu vào là vốn và lao động, khai thác tài nguyên đã tới giới hạn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần, nhịp tăng năng suất lao động suy giảm, suy thoái môi trường đã hiện hữu rõ ràng đang thách thức tính bền vững của mô hình tăng trưởng hiện tại. 

Cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam đã đến lúc cần thay đổi. Các nguồn lực và thể chế phân bổ nguồn lực, tuy phù hợp trong việc đưa nước ta trở thành một nước thu nhập trung bình, nhưng nay đã bộc lộ những nhược điểm, nếu không được xử lý quyết đoán, kịp thời sẽ cản trở đến khả năng vượt qua mức thu nhập trung bình để trở thành một nước thu nhập cao.

Vậy yếu tố nào mang tính động lực sẽ quyết định sự thành công của Việt Nam thực hiện khát vọng của mình? Kinh nghiệm quốc tế cho thấy năng suất lao động chính là nhân tố quyết định, vì tuyệt đại bộ phận các nước không có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình gần như hoàn toàn do năng suất không được cải thiện. 

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Paul Krugman đã tổng kết rằng năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì nó gần như là tất cả đối với một quốc gia có khả năng nâng cao được mức sống hay không. Khi Việt Nam đang tiệm cận dần trở thành nước có thu nhập trung bình cao, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như mô hình hiện nay đã chạm ngưỡng, tác động lan tỏa của các nguồn đầu tư nước ngoài sẽ giảm dần, tác động của việc dịch chuyển cơ cấu lao động giữa các ngành đến tăng trưởng năng suất có thể sẽ không còn nhiều như trước. 

Do vậy, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là nguồn lực quan trọng nhất để duy trì tăng trưởng năng suất và tăng trưởng kinh tế nhanh trong dài hạn là một yêu cầu bức thiết. Thực tế cho thấy, khá nhiều nước tương đối thành công trong việc đưa nền kinh tế từ mức thu nhập thấp trở thành thu nhập trung bình, thậm chí thu nhập trung bình cao, nhưng từ một nước thu nhập trung bình, bứt phá trở thành nước thu nhập cao chỉ một số ít nước làm được, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia. 

Vì họ biết cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động là chính, trên cơ sở liên tục khuyến khích và thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo nên động lực tăng trưởng liên tục theo chiều sâu. Chính đổi mới sáng tạo là động lực dẫn dắt tăng trưởng của các nền kinh tế này trong suốt nhiều thập niên vừa qua.

Vậy trong đổi mới sáng tạo, nên tập trung vào yếu tố nào để phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế của thời đại?

Đổi mới sáng tạo là phải tìm ra cách thức mới để tăng năng suất lao động, tìm ra dư địa mới cho tăng trưởng. Thế giới đang đứng trước thách thức là phải phát triển nhanh và bền vững. Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và sự xuất hiện của Internet vạn vật đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Với sự tích hợp của số hóa, kết nối và xử lý dữ liệu thông minh, cuộc cách mạng này góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, phát triển xanh và phát triển bền vững.

Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là xu thế tất yếu, là sự cụ thể hóa của việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Như nhiều chuyên gia đã nhận định, có thể nói nước ta do hoàn cảnh lịch sử đã bị “chậm chân” trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, và đây là lần đầu tiên, Việt Nam có cơ hội “đi cùng” với các nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Bối cảnh hiện nay là “thời cơ vàng” mà ta cần nắm bắt nhanh chóng, hành động kịp thời và quyết liệt, để tận dụng cơ hội phát triển các dư địa và nguồn lực phát triển mới, tối ưu hóa các nguồn lực để tạo ra một năng suất cao hơn góp phần thay đổi thứ hạng quốc gia, đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá.

Để tận dụng cơ hội và thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Tầm nhìn của Việt Nam là trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, đi tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. 

Kinh tế số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia, công nghệ số và dữ liệu số sẽ thấm sâu một cách tự nhiên vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn với các yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, và phương thức tăng trưởng này sẽ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, để nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn nhưng bền vững hơn, tăng trưởng bao trùm và thích ứng, kiên cường hơn trước các thách thức của một thế giới biến động ngày càng khó lường hơn.

Theo ông, kinh tế số có sức mạnh to lớn như thế nào để có thể tạo nên động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của Việt Nam?

Với kinh tế số sẽ có một loại tài nguyên không phải là vốn, lao động, mà là dữ liệu. Với dữ liệu, lần đầu tiên, nhân loại có được một đầu vào của quá trình sản xuất do con người tạo ra mà không phải dựa vào thiên nhiên. Đó chính là nguồn lực mới, tạo ra kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, kinh tế internet, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động cơ bản, qua đó sẽ đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cơ cấu nền kinh tế gia tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” (Tổ chức Data61 - Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm hằng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số. Về năng suất lao động, tính cho cả giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. 

Như vậy, có thể thấy đóng góp của kinh tế số là khá quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động. Báo cáo nghiên cứu tác động của chuyển đổi số đến năng suất lao động của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy ở giai đoạn chuyển đổi số còn chậm mà đã tác động rất quan trọng giúp tăng 10% năng suất lao động.

Xét về tổng thể, mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo ước tính từ nhiều nguồn, kinh tế số hiện nay ở Việt Nam đang chiếm khoảng 8,2% GDP. Theo tính toán của Bộ Thông tin Truyền thông, để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% theo kịch bản phát triển nhanh, chúng ta cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.

Đánh giá của ông về vai trò của Nhà nước cũng như thể chế trong thúc chuyển đổi số, kinh tế số và trên hành trình này đang có những lực cản, vướng mắc nào cần tháo gỡ?

Chuyển đổi số và kinh tế số không đơn thuần chỉ là bài toán công nghệ mà quan trọng nhất là thể chế bởi vì liên quan đến cái mới. Thể chế có tính chất mở đường, công nghệ giữ vai trò quan trọng, con người là yếu tố quyết định trong chuyển đổi số.

Khi đã nói đến thế chế thì không thể quên vai trò của Chính phủ. Trong đổi mới sáng tạo liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, Chính phủ có vị trí đặc biệt. Chính phủ không chỉ kiến tạo, mà phải xây dựng thành công Chính phủ số. Chính phủ số có trách nhiệm tạo ra những cơ chế bình đẳng trong phát triển kinh tế số. Kinh tế số dựa vào dữ liệu, dữ liệu chính là sức mạnh, nhưng cũng rất dễ sinh ra độc quyền về dữ liệu. Chính phủ làm sao giảm thiểu sự độc quyền ấy để mọi người cùng thụ hưởng.

Hiện nay nhân lực sẵn sàng cho chuyển đổi số của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á là ở mức thấp nhất. Giá internet rẻ nhưng tốc độ chưa cao, đầu tư vào hạ tầng công nghệ chưa nhiều, chưa đồng bộ. Chưa có luật về dữ liệu, dữ liệu còn cát cứ cục bộ, sử dụng dữ liệu chưa hiệu quả, an toàn.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và kinh tế số tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng về phương thức sản xuất và cách sống nhưng cũng gây nên một số vấn đề như vi phạm quyền riêng tư của người dùng, lo ngại về an ninh quốc gia... Những vướng mắc và rào cản này đã được đặc biệt lưu ý trong các nghị quyết của Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số để có các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khi động lực tăng trưởng theo chiều rộng bằng vốn, lao động giá rẻ và tài nguyên đã tới giới hạn, Việt Nam cần động lực tăng trưởng mới. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định đổi mới sáng tạo được coi như một động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Với tinh thần đó, Nhân Dân hằng tháng thực hiện loạt bài dài kỳ: “Đổi mới sáng tạo - động lực tăng trưởng mới”. Loạt bài nhân vật-đối thoại sẽ phân tích, luận giải đa chiều, làm rõ vai trò, nội hàm của đổi mới sáng tạo, những lực cản, những giải pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam diễn ra nhanh và bền vững, thật sự trở thành động lực tăng trưởng mới.