Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh: Phát huy nội lực, nắm bắt thời cơ để Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững

Đắk Nông là một tỉnh “trẻ” nhất ở vùng Tây Nguyên với nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên đề phát triển kinh tế. Tuy vậy, xuất phát điểm thấp, nguồn lực mỏng, yếu, dân cư thưa thớt ở vùng sâu, vùng xa còn nghèo với tập quán sinh sống và canh tác truyền thống là một trong những khó khăn rất lớn của vùng đất này. Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII khẳng định: Phát huy các nguồn lực bên trong, tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài để khắc phục những trở ngại, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững. Những bước chuyển mới tích cực, những cách làm hay thể hiện những nỗ lực và tâm huyết của cán bộ và nhân dân địa phương để dần biến “khát vọng Đắk Nông” thành hiện thực.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh.

Đắk Nông đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh và bền vững sau khi đã hình thành nền tảng phát triển cơ bản trong suốt 18 năm kể từ khi thành lập. Đắk Nông đề ra mục tiêu đến năm 2025, trở thành tỉnh trung bình khá, năm 2030 trở thành tỉnh phát triển năng động và bền vững, năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh  chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng về những cách nắm bắt thời cơ, phát huy nội lực để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Thưa ông, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh Đắk Nông vẫn đạt được tăng trưởng về mọi mặt. Được biết, đó một phần là nhờ Đảng bộ tỉnh đã xác định đúng các điểm nghẽn, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tháo gỡ. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này.

Có thể nói, diện mạo của Đắk Nông đã có những đổi thay to lớn, hình thành được nền tảng phát triển cơ bản; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt. Cán bộ đảng viên và nhân dân toàn tỉnh đồng thuận cao với chủ trương, đường lối và cách thức thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, ý thức chung tay xây dựng tỉnh giàu mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn còn nhiều, nhất là thiếu hụt nguồn lực cho phát triển, cả về tài chính và nhân lực. Thu ngân sách hiện chỉ đáp ứng được hơn 1/3 dự toán chi hàng năm, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương thấp, còn trở ngại trong thu hút vốn đầu tư phát triển trong và ngoài nước, chỉ số chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố... Thường trực Tỉnh ủy thấy rõ bất cập, xác định đúng các điểm nghẽn và căn nguyên từ đó chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tháo gỡ, khắc phục, khơi thông nguồn lực cho phát triển, qua đó nâng cao chỉ số PCI. Chỉ hơn một năm sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 25 chương trình hành động “phủ sóng” toàn diện các lĩnh vực, 7 nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo từng nhóm vấn đề, vấn đề cụ thể; đồng thời HĐND, UBND tỉnh cũng ban hành đồng bộ hệ thống văn bản triển khai thực hiện. Điều tôi muốn nhấn mạnh là các chương trình, nghị quyết được khởi thảo từ chính các sở, ngành, tránh tình trạng “bổn cũ soạn lại”, nội dung chung chung và được thẩm định kỹ lưỡng nên bảo đảm sát thực tế, dễ thực hiện.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế GRDP vẫn đạt 8,63%, gần gấp đôi năm 2020; thu ngân sách vượt 16,36% so với dự toán; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm hơn 2%. Các hoạt động văn hóa, xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đắk Nông có nhiều lợi thế về mặt khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoảng sản... để hấp dẫn nhà đầu tư. Và đặc biệt gần đây, nhiều doanh nghiệp quyết định “dừng chân” tại Đắk Nông thay vì địa bàn khác do môi trường đầu tư đã thay đổi. Bài toán để thu hút được nhiều nhà đầu tư có tâm và tầm là gì, thưa ông?

Đắk Nông đang rất cần các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho quá trình phát triển, vì thế chúng tôi đã kêu gọi đầu tư với nguyên tắc cơ bản là: lựa chọn dự án đầu tư công dựa trên hiệu quả kinh tế-xã hội và thụ hưởng của số đông người dân; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm nghèo bền vững. Tỉnh chủ trương định hướng kêu gọi đầu tư vào các dự án công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; các dự án có vốn lớn, có động lực lan tỏa, kéo theo phát triển nhiều ngành, lĩnh vực.

Lợi thế, tiềm năng hấp dẫn đầu tư rất lớn nhưng cũng còn những điểm khiến nhà đầu tư e ngại, băn khoăn, nhất là thực trạng hạ tầng giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm và cả những trở lực từ ngay trong bộ máy hành chính. Các nút thắt đang được khẩn trương tháo gỡ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Với tinh thần chủ động, Đắk Nông đã tổ chức Chương trình “Khát vọng Đắk Nông” nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và đã đón tiếp nhiều nhà đầu tư tiềm năng như: Hòa Phát, Việt Phương, Sun Group...đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đã có một số cam kết đầu tư khả quan.

Đắk Nông trân trọng thịnh tình của các nhà đầu tư tiềm năng, nhưng cũng kiên quyết từ chối các doanh nghiệp chỉ hứa suông, làm lỡ cơ hội cho cả tỉnh và các nhà đầu tư khác. Tỉnh luôn tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong khả năng cho phép, theo đúng quy định của pháp luật. Đáng mừng là nhiều nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng và cảm kích tấm chân tình, thiện chí của Đắk Nông đã quyết định chung tay vì sự phát triển của tỉnh trên cơ sở hài hòa lợi ích.

Rõ ràng, nội lực là yếu tố then chốt, lâu dài của sự phát triển. Thời gian tới, Đắk Nông làm gì để đánh thức tiềm năng, biến các mục tiêu của Nghị quyết thành hiện thực?

Đảng bộ tỉnh xác định tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài để bứt phá kết hợp phát huy nội lực. Ba trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế là phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch. Là một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện cho tỉnh nắm bắt cơ hội, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đắk Nông mong muốn Trung ương ưu tiên dồn lực hỗ trợ cho phát triển hạ tầng chiến lược, đầu tư những yếu tố nền tảng để phát huy tiềm năng và thế mạnh riêng có của tỉnh, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phục hồi và bảo vệ rừng, phát triển công nghiệp bô-xít - alumin.

Tuy nhiên, tỉnh cũng không thụ động trông chờ mà nỗ lực phát huy nội lực để vượt khó vươn lên, có nhiều “sản phẩm” để khẳng định quyết tâm bứt phá với Trung ương, tạo niềm tin với các nhà đầu tư. Điều tôi muốn chia sẻ là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội để xây dựng Đắk Nông trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân ái, nghĩa tình, có điều kiện chăm lo cho đời sống nhân dân thêm ấm no, hạnh phúc. Thương dân phải thể hiện bằng hành động, chứ không hô hào khẩu hiệu suông. Tỉnh có đa dân tộc, giàu bản sắc văn hóa, con người bản địa hiền hòa, nhân ái, trọng nghĩa tình luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ với nhà đầu tư mà cả du khách trong và ngoài nước.

Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đó thì yếu tố con người mang tính quyết định. Đắk Nông xây dựng, khắc phục các rào cản của nguồn nhân lực như thế nào, thưa ông?

Đúng là ngoài tài chính, vật lực, yếu tố con người quyết định thành công, nhưng thực tế vẫn còn không ít cán bộ cơ sở tư duy, năng lực hạn chế, chậm đổi mới. Cán bộ vừa yếu, vừa thiếu, vừa thừa mới nghe có vẻ vô lý nhưng thực chất là thiếu người làm được việc mà thừa những người không làm được việc. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi tư duy đổi mới, vượt ra ngoài khuôn khổ của thói quen, kinh nghiệm; năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Nâng cao trình độ cán bộ không phải một sớm một chiều, cần có quá trình để bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo lại, nhưng trước hết phải đẩy lui trì trệ để tạo bước chuyển. Trong các cuộc họp Thường vụ, Ban Chấp hành, tôi nêu rõ quan điểm, ai chây ỳ, không đảm đương được nhiệm vụ thì nhường lại cho người khác làm. Tôi từng nói giống như đánh cờ, cả tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt đều phải chuyển động, cả hệ thống chính trị phải chuyển động mạnh mẽ dù ở vị trí nào. Ai làm tốt thì biểu dương khen thưởng, ai làm không tốt thì phê bình kiểm điểm cho rõ ràng, minh bạch.

Để khắc phục rào cản nguồn nhân lực, với tư duy chiến lược và tầm nhìn xa, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ các cấp sau quy hoạch. Tỉnh chú trọng phân công đúng người, đúng việc để cán bộ phát huy được năng lực, sở trường; đánh giá chất lượng công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, có triển vọng giữ những chức vụ chủ chốt của ngành, địa phương. Thời đại công nghiệp 4.0 còn đòi hỏi cán bộ không ngừng học hỏi và cập nhật để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng khoa học-công nghệ.

Khâu đánh giá cán bộ được triển khai bài bản, coi trọng chất lượng là chính. Bài học đau xót ở không ít địa phương cả cấp ủy bị kiểm điểm vì mắc sai phạm cho thấy công tác cán bộ bảo đảm khách quan, thực chất, mới tìm được nhân tố hội tụ cả đức, tài; giao việc khó để thử thách, rèn luyện. Bộ phận tổ chức phải nắm tường tận cán bộ quy hoạch, thuộc lòng lý lịch: đã đạt thành tích gì, được khen thưởng ra sao, mấy lần bị kỷ luật, chủ quan hay khách quan...

Điều đáng lưu ý là chúng tôi ủng hộ những nhân tố mới, cách làm mới; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng cũng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, để sớm ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện đi chệch hướng, tránh “vượt rào”, mắc sai phạm, mất cán bộ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!