Cải cách hành chính

Không hành động, khó kiến tạo

NDO -

NDĐT - Việc Bộ Công thương công bố cắt giảm 675 thủ tục kinh doanh được coi là một trong những quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành công thương trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp (DN), góp phần cho mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động.

Cải cách hành chính trong lĩnh vực công thương mang lại hiệu quả tích cực cho DN và người dân.
Cải cách hành chính trong lĩnh vực công thương mang lại hiệu quả tích cực cho DN và người dân.

Trước đó, Bộ này đã có nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Cải cách hành chính (CCHC), cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh gây khó cho DN… sẽ là hoạt động mà Bộ Công thương đã làm và sẽ tiếp tục làm quyết liệt trong thời gian tới.

Hiệu quả sau những chuyển động

Là một DN xuất nhập khẩu, Công ty CP Tôn Đông Á thường xuyên phải xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Hiện nay, do Việt Nam đã tham gia ký kết ngày càng nhiều các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên chứng nhận C/O càng trở nên quan trọng, giúp DN chứng minh nguồn gốc hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan.

“Trước đây, để có được một tờ giấy chứng nhận C/O, nhân viên của Tôn Đông Á phải chuẩn bị rất nhiều loại giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, tờ khai…, rồi mang đến Phòng quản lý xuất nhập khẩu Bình Dương để thực hiện một bản khai xin cấp C/O. Thời gian để làm thủ tục này mất khoảng 4 - 16 tiếng hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào hồ sơ của DN”, bà Phạm Thị Hải - Trưởng đại điện Công ty CP Tôn Đông Á tại Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã bắt đầu thí điểm cho phép DN khai hồ sơ xin cấp C/O qua internet. Kết quả ban đầu cho thấy, hoạt động cấp C/O qua internet đã giúp giảm gánh nặng cho DN, nhờ tinh giảm rất nhiều thủ tục so với C/O truyền thống. Nếu như trước đây, một hồ sơ xin cấp C/O bao gồm rất nhiều giấy tờ thì hiện chỉ còn đơn xin cấp C/O và đơn khai báo C/O. Nhờ đó, việc khai nộp hồ sơ xin cấp C/O qua internet đã rút ngắn thời gian xin cấp C/O từ 4 – 16 tiếng xuống chỉ còn một đến hai tiếng. Những CCHC đã giúp các DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và tiền bạc, qua đó làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa và dịch vụ của DN trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt.

Đặc biệt sau Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành công thương phải đẩy mạnh CCHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. CCHC đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu của Bộ Công thương trong nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên đặt trong bối cảnh khi đó, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bởi Bộ Công thương quản lý đa ngành, có số lượng TTHC quản lý lên đến 443 thủ tục. Trong đó không ít thủ tục rườm rà, gây phiền hà và tốn kém cho DN. Đơn cử, các sản phẩm dệt may phải chịu quy định kiểm tra formaldehyte và amin thơm trong suốt bảy năm ròng từ năm 2009 - 2015, nhưng cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khỏe do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định. Trong khi đó, DN đã phải trả hàng trăm tỷ đồng và mất rất nhiều thời gian cho việc kiểm tra để được thông quan hàng hóa.

Trước những bất cập này, lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ một cách quyết liệt, sâu sát nhằm tạo dựng một tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ trong hoạt động của Bộ Công thương, với tinh thần kiến tạo, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Ngay trong năm 2016, Bộ Công thương đã rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ 39 TTHC trong tổng số 443 TTHC của Bộ trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.

Kết quả năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm và doanh nghiệp dệt may. Cải cách này đã nhanh chóng mang lại hiệu quả tích cực cho DN. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá: “Việc bãi bỏ này đã mang lại lợi ích lớn khi giúp DN tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và rút ngắn được thời gian thông quan từ 2,4 đến 3,8 ngày”.

Bước sang năm 2017, Bộ đặt mục tiêu tiếp tục bãi bỏ 15 TTHC và đơn giản hóa 108 thủ tục thuộc 17 lĩnh vực quy định tại 40 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp 22 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 14 DVCTT cấp độ 4 và 8 DVCTT cấp độ 3.

Quyết định lịch sử

Song song với CCHC, Bộ Công thương cũng quyết tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh “trói buộc” DN. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3-8-2017, Bộ Công thương được đánh giá là một trong những Bộ có số lượng điều kiện kinh doanh nhiều nhất. Quản lý 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ này có 1.220 điều kiện kinh doanh.

Chính vì vậy, ngay sau cuộc họp này, Bộ Công thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát tổng thể điều kiện kinh doanh, lên phương án đơn giản hóa, hoặc cắt giảm. Và đến ngày 20-9-2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT, trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Giải thích thêm về quyết định này, người đứng đầu ngành Công thương, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, đây không phải là quyết định “qua một đêm” mà đã được Bộ cân nhắc rất kỹ để vẫn nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho DN.

Đánh giá về bước chuyển mạnh mẽ này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ về thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh. Quyết định này đưa Bộ Công thương trở thành bộ đi đầu trong việc quyết tâm cắt giảm một khối lượng điều kiện kinh doanh khổng lồ.

Sau quyết định này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm: “675, 700, thậm chí 1.000 – con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không, có tạo điều kiện thuận lợi, cũng như gỡ khó cho DN hay không. Việc rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cùng với sự phát triển của toàn ngành trong thời gian tới và được xem xét ngay khi các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và sắp ban hành, chứ không phải khi đã ban hành rồi mới xem xét cắt giảm”.

Từ góc độ DN, ông Thân Đức Việt - Phó Tổng giám đốc May 10 đánh giá: “Chưa bao giờ cụm từ “đồng hành với DN” lại được thể hiện rõ như hiện nay. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh khiến các DN rất phấn khởi và chắc chắn sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong kinh doanh, thu được nhiều lợi ích hơn sắp tới”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng đánh giá cao bước đi tiên phong của Bộ Công thương, song lưu ý: “Quyết tâm đó là đáng mừng, là tín hiệu khả quan, nhưng chỉ là bước đầu chứ chưa là tất cả. Công việc phía trước còn nhiều nên đòi hỏi ở Bộ Công thương ý thức chính trị lớn, sự quyết liệt và phải có một cái nhìn nhận đầy đủ các khía cạnh. Đặc biệt, cần động lực khuyến khích cán bộ, công nhân viên cùng đồng thuận để phát huy tối đa những nỗ lực kể trên”.

Những bước chuyển mạnh mẽ của Bộ Công thương sẽ phải cần thêm thời gian để “đo đếm” được tính hiệu quả thật sự mang lại cho DN, với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bước chuyển đó sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn đến các bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động.