Kinh doanh dịch vụ đòi nợ - Cấm hay không cấm?

NDO -

NDĐT - Những biến tướng và hệ lụy xã hội của dịch vụ đòi nợ khiến đơn vị soạn thảo Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đề xuất đưa vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã làm “nóng” không khí thảo luận hội trường Quốc hội sáng 20-11.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đoàn Quảng Trị. (ẢNH: DUY LINH)
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đoàn Quảng Trị. (ẢNH: DUY LINH)

Cần tăng cường quản lý

Thảo luận về việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng nên tăng cường quản lý dịch vụ đòi nợ thuê.

Theo đại biểu đoàn Quảng Trị, “đòi nợ thuê gồm cả đòi nợ văn minh và không văn minh. Đòi nợ văn minh là khi người làm dịch vụ có khả năng điều tra, tìm kiếm thông tin, biết được con nợ có tiền ở đâu, khi nào có để đòi đúng lúc, đúng chỗ. Đòi nợ không văn minh thì báo chí đã phản ánh nhiều gây ra hệ lụy không nhỏ như nhiều đại biểu đã nêu”.

Theo đó đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị: “Nếu cho phép kinh doanh loại hình này thì cần có quy định cụ thể khai báo nhân sự, chứng chỉ hành nghề, lưu trữ giấy tờ để phục vụ thanh, kiểm tra. Phải xưng danh hành nghề gồm tên người, công ty thu nợ, tên chủ nợ giới hạn thời gian gọi, liên lạc và nên cấm liên lạc với gia đình, bạn bè, hàng xóm, chủ sử dụng lao động và cấm các biện pháp xúc phạm, đe dọa, hủy hoại tài sản. Khi đòi được tiền thì phải có giấy tờ xác nhận, công bố số liên lạc của chính quyền dành cho người dân để tố cáo hành vi đòi nợ, vượt qua biện pháp được phép”.

Hơn nữa, đại biểu Hà Sỹ Đồng còn cho rằng không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì “có cấm cũng không cấm được”.

Theo vị đại biểu đoàn Quảng Trị, “người ta dễ dàng lách quy định cấm dịch vụ đòi nợ bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Biện pháp này hợp pháp theo Bộ luật Dân sự và không có cách nào cấm được”.

Cũng theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn khiến các nhóm thu hồi nợ bất hợp pháp tiếp tục mở rộng địa bàn do các doanh nghiệp hợp pháp dừng hoạt động.

Ngoài ra, việc cấm kinh doanh đòi nợ thuê thì sẽ “làm gia tăng tình trạng chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, sẽ làm gia tăng tình trạng đòi nợ bằng bạo lực, đe dọa và các hoạt động bất hợp pháp” – đại biểu đoàn Quảng Trị nhận định.

Theo đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghi, “chuyển chức năng cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp học kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng quy định và thực thi thật nghiêm về quy định này”.

Gây nhiều hệ lụy cho xã hội

Ở luồng ý kiến khác, theo đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, dịch vụ đòi nợ thời gian qua đã biến tướng thành “tình trạng xã hội đen núp bóng doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng xã hội đen đe dọa xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.”

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ - Cấm hay không cấm? ảnh 1

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc đoàn Ninh Thuận. (ẢNH: DUY LINH)

Tình trạng này dẫn đến các hành vi như “bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người”, “đe doa, khủng bố đối với người thân, con cái, cha mẹ và hàng xóm của các con nợ”.

“Những hành vi này gây bức xúc trong người dân và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh trật tự ở địa phương” – Đại tá Phạm Huyền Ngọc nói.

“Nhưng lực lượng công an rất khó xác định được đối tượng và phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các trường hợp nợ do cờ bạc nhưng đã chuyển thành giấy xác nhận vay tiền và con nợ đã bỏ trốn, không hợp tác với cơ quan điều tra dẫn đến chỉ người thân và hàng xóm sẽ là người phải gánh chịu áp lực” - vị đại biểu đoàn Ninh Thuận nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo đại biểu Phạm Huyền Ngọc, “việc xử lý hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự Điều 201 còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Từ thực tiễn công tác và ý kiến kiến nghị của cử tri, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận nhận định, “việc Chính phủ đề nghị chuyển ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sang ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh là phù hợp”.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc cũng nêu rõ: “Ở đây không phải không quản được thì cấm mà vì ngành, nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội” đồng thời dẫn chứng các vụ việc gần đây như vụ "Quân xa lộ" và vụ "vợ dùng búa đánh chết chồng ở Gia Lai ngày 18-11".

“Nếu Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đưa ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn và hạn chế được hoạt động tín dụng đen. Vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý” – Đại tá Phạm Huyền Ngọc nhận định.

Thường là “vay nóng”

Giải trình về vấn đề cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định hai luồng ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều có cơ sở khác nhau, đồng thời cũng cho biết cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là “rất phức tạp”.

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ - Cấm hay không cấm? ảnh 2

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình sáng 20-11. (ẢNH: DUY LINH)

Theo Bộ trưởng KHĐT, trên thực tế các quan hệ vay nợ thường là “vay nóng” và “không có thế chấp”, hay gọi là “tín dụng đen” nên “không đưa ra được các cơ quan tố tụng, cơ quan xử lý của tư pháp”.

“Còn các khoản vay nợ chính đáng khác, nhu cầu của người vay và người cho vay khác đều phải có thế chấp. Người ta sẽ sử dụng các cơ quan tư pháp để xử lý vấn đề này.” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.

“Chúng ta mong muốn xử lý như thế, nhưng trên thực tế nó diễn ra không phải như vậy, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội rất phức tạp. Đây là đề nghị rất quyết liệt của ngành công an và ngành tư pháp. Chúng tôi thấy vấn đề này nên đưa vào để cấm” – người đứng đầu đơn vị soạn thảo nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết “sẽ tiếp tục rà soát và làm sao xây dựng được một cơ sở để báo cáo lại với Quốc hội trước khi xem xét quyết định vấn đề này”.