Kiên trì chiến lược phòng thủ

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá là rẻ để đầu tư dài hạn (1-3 năm), còn trong ngắn hạn, chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư kiên trì chiến lược phòng thủ vì rủi ro vẫn còn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư tranh thủ những nhịp phục hồi với thanh khoản tăng để cắt lỗ, hoặc đưa tài khoản về mức an toàn. Ảnh: NAM ANH
Nhà đầu tư tranh thủ những nhịp phục hồi với thanh khoản tăng để cắt lỗ, hoặc đưa tài khoản về mức an toàn. Ảnh: NAM ANH

Tăng nắm giữ tiền mặt

Tính đến kết phiên 20/7, chỉ số VN Index đạt 1.194,14 điểm, giảm gần 23% so với đỉnh 1.520 điểm hồi đầu tháng 4/2022, trở thành một trong những thị trường giảm sâu nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng sàn HoSE, thanh khoản giảm từ mức bình quân 26.400 tỷ đồng/phiên trong tháng 3/2022 xuống còn trên dưới 10.000 tỷ đồng/phiên trong nửa đầu tháng 7/2022, tương đương mỗi phiên giao dịch làm “bốc hơi” khoảng 16.400 tỷ đồng.

Phần lớn nhà đầu tư đều đang thua lỗ. Điều này được chứng minh bằng sự giảm điểm của hàng loạt nhóm cổ phiếu thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Theo đó, sụt giảm nặng nề nhất là nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, xây dựng… với mức giảm 50-70% từ vùng thị giá đỉnh (đây là nhóm tăng mạnh mẽ nhất năm 2021); tiếp theo là nhóm bán lẻ, xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp, phân đạm, điện, dầu khí… giảm 30-50%.

Ngay cả các quỹ đầu tư lớn, dù có ưu thế hơn nhà đầu tư cá nhân ở công cụ phân tích, kinh nghiệm đầu tư, nắm giữ chủ yếu các cổ phiếu mạnh trong rổ VN30… cũng không tránh khỏi thua lỗ. Sáu tháng đầu năm nay, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã bị âm tài sản khoảng 16-23%. Ở nhóm quỹ đầu tư trong nước, NAV/Shares của Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF1 (VCBF-TBF) giảm 4,7%; quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu (VCBF-BCF) có hiệu suất đầu tư âm 7,5% trong sáu tháng đầu năm nay.

Để đối phó rủi ro phía trước, nhiều quỹ đầu tư đã “xả hàng” rất mạnh để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu, tăng nắm giữ tiền mặt. Đối với nhà đầu tư cá nhân, nhiều khuyến nghị gần đây đều cho rằng nhà đầu tư đang bị “kẹp hàng” có thể tranh thủ những nhịp hồi với thanh khoản tăng để cắt lỗ, hoặc đưa tài khoản về mức an toàn. Chiến lược giao dịch giai đoạn này nên nghiêng về phía phòng vệ nhiều hơn, với tỷ trọng tiền mặt cao và chỉ giao dịch ở từng nhịp sóng ngắn.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, những gì xấu nhất có thể còn ở phía trước, bức tranh toàn cảnh vẫn phức tạp. Chúng ta vừa đón nhận thông tin CPI ở Mỹ tăng 9,1% - cao nhất trong 40 năm. Kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái cùng nhiều yếu tố khác như xung đột Nga - Ukraine... có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank, cuối năm 2022 vẫn có những giai đoạn chứng khoán phục hồi nhưng nhà đầu tư cần lưu ý là phục hồi từ mức thấp, và khó có thể ngay lập tức trở lại đỉnh 1.500 điểm.

“Các nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật vẫn có thể mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư mua được ở vùng giá thấp, tuy nhiên, cơ hội thật sự có thể sẽ vào giai đoạn năm 2023 khi các yếu tố trợ lực của thị trường rõ ràng hơn. Giai đoạn này, nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng, hạn chế sử dụng đòn bẩy, không nên “full” cổ phiếu mà phải có một tỷ trọng tiền mặt nhất định trong danh mục để chờ đợi các cơ hội”, ông Khánh nói.

Cơ hội đầu tư dài hạn

Theo các chuyên gia kinh tế, khi thị trường được dự báo vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong ngắn hạn thì cơ hội “lướt sóng” sẽ ít hơn và khó khăn hơn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang hồi phục tích cực, cộng với cổ phiếu đang rẻ… lại là cơ hội vàng để đầu tư dài hạn.

Về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, cao nhất 10 năm trở lại; sáu tháng đầu năm nay, GDP tăng 6,42%; xuất siêu 710 triệu USD; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp được 10,6 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ năm 2018; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 2,4%… là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Về mặt định giá, theo ông Trần Đức Anh, mức định giá P/E trailing (bốn quý gần nhất) của VN Index hiện khoảng 13 lần, P/E forward (dự phòng) năm 2022 khoảng 12 lần, là mức định giá hấp dẫn. “Trong 10 năm trở lại đây, P/E dưới 12 lần chỉ xuất hiện ba lần, gồm giai đoạn trước năm 2012, giai đoạn cuối năm 2015 đầu năm 2016 và đầu năm 2020. Với nền tảng vĩ mô tốt, EPS tăng trưởng cao, mặt bằng giá cổ phiếu đã được điều chỉnh về mức thấp... thị trường chứng khoán đang rẻ để đầu tư dài hạn”, ông Đức Anh nhận định.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thông tin, từ năm 2013 tới nay, định giá P/E có ba lần về mức 12 lần thì bật lên. Từ đó, ông Minh kỳ vọng thị trường sáu tháng cuối năm sẽ có diễn biến tích cực, tuy nhiên lưu ý thanh khoản có thể không cao và giá cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh.

Vậy thời điểm này đã phù hợp để giải ngân hay chưa? Câu trả lời này không chỉ cần căn cứ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô, mặt bằng thị trường, định giá cổ phiếu mà còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.

Ông Trần Đức Anh khuyên nhà đầu tư có mức độ chịu đựng rủi ro thấp nên đề cao tính an toàn, chờ đợi lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh - khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm tốc độ tăng lãi suất, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ không ở mức cao, thì bắt đầu giải ngân. Còn nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn thì có thể giải ngân dần tư bây giờ. “Dĩ nhiên, chọn thời điểm an toàn mới giải ngân thì cổ phiếu sẽ không còn ở vùng giá tốt như hiện tại”, ông Đức Anh lưu ý.