Kiến nghị phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng

NDO -

Sáng 21-2, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2021 với chủ đề Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới đã được tổ chức tại Hà Nội.

Toàn cảnh buổi Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2021. (Ảnh: VBF)
Toàn cảnh buổi Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2021. (Ảnh: VBF)

Phiên cấp cao VBF diễn ra với các nội dung chính: Đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào sự phục hồi của nền kinh tế; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị toàn cầu ổn định và bền vững; định vị doanh nghiệp trong và ngoài nước trong chuỗi cung ứng.

Cơ hội để doanh nghiệp nâng cao vị thế

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ba năm gần đây đã có sự thay đổi lớn về nội dung tổ chức. Doanh nghiệp không chỉ nêu ra những khó khăn, vướng mắc và góp ý cho các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách mà còn có thêm một nội dung quan trọng. Đó là đóng góp cho Chính phủ về các định hướng phát triển và khẳng định vai trò của doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Điểm lại những kết quả đáng khích lệ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 như tăng trưởng GDP đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến những đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Với chủ đề Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới, VBF 2021 là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chủ tịch Liên minh Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2022 từ 6 đến 6,5% rất tham vọng, cần đề ra các giải pháp để đạt mục tiêu đó. Hiện nay, một loạt chuyển động chính sách quan trọng được đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP đã diễn ra trên thực tế, như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8%, mở cửa lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2, mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3,…

Chuỗi cung ứng quốc tế, trong nước đang đối mặt nguy cơ đứt gãy do dịch bệnh Covid-19 và những biến động khó lường của xung đột thương mại, thiên tai, việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

“Những thảo luận tích cực, xây dựng từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin đầu vào hữu ích để hỗ trợ Chính phủ thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam thời gian tới. Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Ba nhóm kiến nghị chính

Cho rằng những tác động của đại dịch Covid-19 đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi chiến lược để có nền tảng tốt hơn, thích ứng với tình hình mới, bà Amy N. Luinstra, quyền Giám đốc quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đề xuất, VBF cần thảo luận về vấn đề tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để gia tăng chuỗi cung ứng.

Trong đó, các trụ cột là đổi mới, tăng cường số hóa, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, thu hẹp khoảng cách của lực lượng lao động, thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Nội dung này gắn chặt với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về trung hòa cacbon tại Hội nghị COP26. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hợp tác, thúc đẩy khu vực tư nhân, FDI tăng cường nâng cao công nghệ.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đề xuất 10 kiến nghị nhằm hướng tới việc khôi phục kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới.

Đó là, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia. Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng; nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền.

Đồng thời, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ; xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động...

Tại phiên cấp cao, ba nội dung chính được các Nhóm công tác VBF đặt ra trong phiên kỹ thuật diễn ra ngày 18/2 cũng được báo cáo. Đó là vấn đề khác nhau trong thực thi chính sách giữa các địa phương; sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và một số sáng kiến, giải pháp mới của doanh nghiệp đề xuất cần được xem xét trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19. Đó là những thông tin đầu vào hữu ích để hỗ trợ Chính phủ thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.