Kiểm soát việc thực thi quyền lực để ngăn ngừa suy thoái (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3 :Tập trung kiểm tra, giám sát người có chức, có quyền

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước liêm chính, trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ 2020-2025, cần có những giải pháp mạnh mẽ để tăng cường các định chế kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, song sai phạm trong thực thi quyền lực vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, tinh vi, phức tạp hơn. Còn nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dường như không sợ pháp luật, không chấp hành các quy định của Đảng. Vụ sửa điểm thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018; vụ Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng công khai vòi tiền “bôi trơn” tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tháng 6-2019 là minh chứng về sự coi thường kỷ cương, phép nước. Tham nhũng, tiêu cực như những đốm lửa âm ỉ, chỉ chờ thời cơ sẽ bùng phát thành đám cháy lớn. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng còn thấp. Lòng dân chưa yên, đảng viên chưa phục khi còn nhiều lãnh đạo chưa tiêu biểu, gương mẫu trong công việc, đạo đức, lối sống. Những hạn chế, yếu kém đó đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.

Trước hết, đối với cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị, cần được xây dựng với phương châm “ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát”. Để cán bộ, đảng viên giữ được liêm chính, nhất thiết phải có những khuôn khổ pháp luật bảo đảm kiểm soát lẫn nhau giữa các tổ chức, cơ quan, bộ, ngành, kiểm soát giữa trong và ngoài, giữa trên và dưới một cách chặt chẽ, hiệu quả. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta, việc kiểm soát quyền lực phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Đã có không ít bài học xương máu do Đảng buông lỏng lãnh đạo đối với Nhà nước, hoặc do Đảng bao biện, làm thay Nhà nước ở những nhiệm kỳ trước. Nhiều “điểm nóng” xảy ra do cán bộ lãnh đạo không phát huy dân chủ, do thiếu sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Do đó, một mặt phải củng cố sự cân bằng quyền lực giữa các chủ thể: giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giữa hành pháp, tư pháp với lập pháp; giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp với nhau; giữa các cơ quan trong hệ thống hành pháp với nhau, để không có bộ phận, cơ quan nào tự ý hành động mà không bị kiểm soát. Mặt khác, cần khắc phục những khâu yếu, khoảng trống trong cơ chế kiểm soát quyền lực.

Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền muốn đạt kết quả tốt phải dựa trên tư tưởng chủ đạo “lấy dân làm gốc”, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Để buộc cán bộ phải giữ liêm chính, cần ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý để nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ của Đảng và hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng cần bảo đảm sự độc lập của tư pháp, nhất là độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử, không để pháp luật bị bóp méo theo ý đồ của những người có chức, có quyền, có tiền. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Cần có sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, sự giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phải giám sát lẫn nhau một cách chặt chẽ. Gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đối với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp có chuyển biến. Nhưng còn thiếu những định chế để cơ quan hành pháp và tư pháp giám sát cơ quan lập pháp; cơ quan hành pháp giám sát cơ quan tư pháp một cách hiệu quả.

Trong thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Việc giám sát lẫn nhau giữa các tổ chức, cơ quan ở địa phương gặp không ít khó khăn do các mối quan hệ xã hội phức tạp. Xuất hiện tình trạng phổ biến là cán bộ cùng trong cấp ủy nể nang, xuê xoa cho nhau. Chưa tạo ra thế cân bằng giữa các nhánh quyền lực tại địa phương. Đã đến lúc cần cơ cấu lại các định chế kiểm soát quyền lực ở ba cấp tỉnh, huyện, xã, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát lẫn nhau giữa các chủ thể.

Nhiều đại biểu dân cử và cử tri kiến nghị phải nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND. Theo Tiến sĩ Ðinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp, nếu như Quốc hội và HĐND thực hiện đầy đủ bảy hình thức giám sát theo luật định, đồng thời có chế tài về trách nhiệm pháp lý, thực hiện kết luận giám sát của đối tượng được giám sát, thì chất lượng giám sát sẽ nâng lên. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về việc nhân dân tham gia vào quá trình quản lý xã hội ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm điều kiện để hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể thực chất hơn và có hiệu lực cao hơn. Hoạt động lập pháp cần chú trọng xây dựng hành lang pháp lý để nhân dân, báo chí có thể theo dõi, giám sát, phản biện, đấu tranh với các hành vi sai trái.

Về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn, cần làm rõ những vấn đề về kiểm tra, giám sát quyền lực để xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Mục đích của kiểm soát việc thực thi quyền lực không gì khác là bảo đảm những người có chức, có quyền tuân thủ pháp luật, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý phải được trao quyền một cách rõ ràng, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người đứng đầu điều hành, quản lý. Công tác kiểm soát hay quản lý cán bộ đều phục vụ mục tiêu giải phóng sức sáng tạo, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng

Trong ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Một số cán bộ, công chức bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, còn nhiều lỗ hổng trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra chậm được phát hiện, xử lý, gây thiệt hại lớn. Do đó, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Các cấp ủy đảng cần thường xuyên rà soát, kiểm tra lại các quy trình quy hoạch, bầu cử, đề bạt cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; xử lý nghiêm người đứng đầu thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm. Cần hoàn thiện hệ thống các quy định về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo đảm đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trong giai đoạn hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực không thể tách rời công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN tháng 1-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Cần tuyên truyền, giáo dục để toàn Đảng, toàn dân thống nhất nhận thức về ý nghĩa của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay, coi công tác xây dựng Đảng là vấn đề cốt lõi, là nền tảng để đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển nhanh và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hiểu và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Công tác đấu tranh với tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cần quyết tâm chính trị cao, sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã ban hành 45 văn bản liên quan đến PCTN. Quốc hội đã thông qua 45 luật, pháp lệnh, 46 nghị quyết, Chính phủ ban hành 511 nghị định, 413 nghị quyết, 160 quyết định liên quan đến PCTN, lãng phí. Hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cơ bản đầy đủ, xác định rõ hơn chủ thể, đối tượng, nội dung, thẩm quyền của từng tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh việc tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội và PCTN, lãng phí, cần xây dựng mô hình tổ chức, cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN bảo đảm sự ổn định, có quyền hạn, trách nhiệm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Bảo đảm tốt hơn phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức. Cần chú trọng PCTN trong các cơ quan chống tham nhũng. Vừa qua, Luật PCTN (năm 2018) bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Điều 64 của Luật quy định, nếu một đoàn thanh tra, kiểm toán không phát hiện được vụ việc tham nhũng trong khi đoàn thanh tra, kiểm toán sau đó phát hiện ra tham nhũng thì cán bộ thanh tra, kiểm toán sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, cần xây dựng Đảng trí tuệ, đạo đức, văn minh. Kết hợp chặt chẽ giữa kỷ luật với giáo dục cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm quy chế nêu gương của người đứng đầu. Xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, không để xử lý nội bộ. Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, nếu vi phạm đều phải xử lý nghiêm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, xóa tư cách đối với cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu chưa đủ tính răn đe. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung những hình phạt khác như tước bỏ, thu hồi các quyền lợi về vật chất, chế độ hưu trí và các lợi ích khác tùy theo mức độ sai phạm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý để cán bộ “không dám tham nhũng”.

Đấu tranh với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nhiệm vụ gian khổ, lâu dài, cần sự tham gia có trách nhiệm của mỗi đảng viên, tổ chức đảng và sự hưởng ứng của nhân dân. Trong thời gian chuẩn bị các điều kiện cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực cần được bàn thảo rộng rãi, dân chủ ở các cấp ủy, tổ chức đảng. Khi quyền lực được thực thi đúng đắn vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, các nguy cơ suy thoái sẽ bị đẩy lùi, sức mạnh và uy tín của Đảng sẽ được củng cố vững chắc hơn.

* Bài 2: Đột phá trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ

* Bài 1: Những bài học đắt giá

-------------------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23-7-2019.

Trong ba năm từ 2016 đến 2018, có 1.953 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Thanh tra, kiểm toán đã chuyển 311 vụ, 481 đối tượng sang cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.