Kiểm soát chi phí

Tình trạng thiếu trước hụt sau luôn phổ biến với dự án khởi nghiệp (startup) nên khi các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, nhiên liệu… tăng giá sẽ gây áp lực lớn, nhất là về mặt quản lý chi phí, đối với startup. Và cũng vì luôn đề cao sự sáng tạo nên nhiều startup đã có những sáng kiến kiểm soát chi phí rất thú vị.
0:00 / 0:00
0:00

CEO của hệ thống nhà hàng Vua Cua, một trong những dự án khởi nghiệp đình đám nhất trên truyền thông hơn một năm qua, chia sẻ: Quy trình càng được tối ưu thì càng tiết kiệm chi phí. Từ khâu thu mua nguyên liệu, cho đến quá trình vận hành của Vua Cua đã được điều chỉnh liên tục từ những ngày đầu thành lập. Một điều rất dễ thấy là trong những tháng qua, giá nhiên liệu biến động mạnh, nguyên nhân đến từ những yếu tố bất ngờ. Tôi vẫn thường đặt ra sẵn những kịch bản rủi ro, tất nhiên trong đó có việc chi phí tăng cao để chuẩn bị sẵn các phương án xử lý. Đó là lý do hiện nay Vua Cua vẫn đang có thể “gồng gánh” chi phí để không tăng giá bán. Luôn tạo ra những giả thiết, những bài toán bất ngờ nhất để tránh bị động, đồng thời rút kinh nghiệm từ những sai lầm là bí quyết giúp tôi kiểm soát tốt chi phí.

Từ chỗ sở hữu một cơ sở sản xuất cùng bốn cửa hàng để trưng bày và tiêu thụ sản phẩm thời trang làm từ da cá sấu mang thương hiệu Việt Tín, để xử lý rủi ro đến từ dịch Covid-19, trong hai năm qua, ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc công ty, đã quyết định thu hẹp chỉ còn một cửa hàng và một cơ sở sản xuất tại TP Nha Trang. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, thu hẹp kênh tiêu thụ đồng nghĩa với việc độ phủ sóng của sản phẩm giảm sút, tất nhiên ảnh hưởng đến mức độ nhận biết thương hiệu. Và khi nguồn thu ảnh hưởng thì chi phí cho marketing, PR cũng phải cắt giảm, nhưng vấn đề “làm thương hiệu” là điều bắt buộc để duy trì những sản phẩm thời trang.

Chọn mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, nhưng thay vì bỏ chi phí để chạy quảng cáo, ông Phạm Văn Ngọc lại có một quyết định táo bạo, đăng tải các quy trình chế biến sản phẩm trên trang cá nhân của mình và hầu hết sử dụng điện thoại để quay và chụp. Kết quả rất rõ ràng, một đối tác châu Á, sau nhiều tháng theo dõi trang cá nhân của ông Phạm Văn Ngọc cũng như fanpage Việt Tín đã quyết định ký kết hợp đồng gia công với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng trong năm 2021.

Bà Trần Thị Mỹ, người sáng lập dự án startup thời trang thể thao ChiMy lại chọn một cách tương tác đặc biệt với khách hàng. Phương châm của bà là “khách hàng hơn doanh số”, nghĩa là phục vụ cá nhân hóa tới từng khách hàng, thông qua việc nắm số đo của từng người để thực hiện các sản phẩm quần, áo cho môn chạy bộ. Theo đó, bất cứ khách hàng nào liên hệ sẽ được nhân viên của ChiMy hoặc đích thân bà Trần Thị Mỹ hướng dẫn tự lấy số đo, gửi qua các công cụ chat, chỉ trong vài phút, và sau ít ngày sẽ nhận được sản phẩm phù hợp. Cách làm này “cá nhân hóa” được sản phẩm cho từng người, không khiến chi phí tăng, đồng thời giữ được giá bán cho sản phẩm.

Rõ ràng, càng vào những giai đoạn thách thức, vẫn còn đó những sáng kiến độc đáo đến từ những người làm startup để duy trì được nhiệt huyết, cũng như sức sống cho các dự án.