Kịch bản nào
cho mở cửa và
phục hồi kinh tế?

(Nguồn ảnh: Cảng Đà Nẵng)

(Nguồn ảnh: Cảng Đà Nẵng)

Sau thời gian dài áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều địa phương đang xây dựng kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Yêu cầu phục hồi kinh tế đã trở nên cấp bách đối với nền kinh tế Việt Nam khi nhiều động lực tăng trưởng đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh. Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là chương trình phục hồi kinh tế sẽ phải bắt đầu từ đâu, theo kịch bản nào và đến bao giờ kinh tế Việt Nam mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19?

Gần hai năm quay cuồng trong “cơn bão” đại dịch Covid-19, Công ty Du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải (Vietravel) đã phải hứng chịu những tổn thất lớn chưa từng có. Do khó khăn từ dịch bệnh, trong năm 2020, Công ty đã phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long để cắt giảm. Bước sang năm 2021, Vietravel tiếp tục đóng cửa nhiều chi nhánh tại Hải Dương, Long An,… đồng thời tạm ngưng tất cả các hoạt động kinh doanh trên toàn quốc.

Chính vì vậy, thông tin TP Hồ Chí Minh chuẩn bị mở cửa trở lại giống như liều thuốc “cứu sinh” đối với doanh nghiệp trong lúc này. Ngay lập tức, Vietravel đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch phục hồi và mong mỏi từng ngày để được quay lại thị trường với một diện mạo mới chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ: Trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh, công ty vẫn tranh thủ khoảng thời gian này để tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng một hệ sinh thái đa dạng theo mô hình “holdings” gồm công ty mẹ Vietravel và các công ty con. Định hướng phát triển mới của Vietravel trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, phát triển thêm những ngành hàng trước đây chưa có cơ hội triển khai nhằm giải quyết vấn đề hệ thống sản phẩm. Đồng thời, thay đổi hệ thống điều hành, cắt giảm chi phí, xây dựng kế hoạch tài chính chặt chẽ để thích nghi với một thị trường có nhiều biến động.
 

(Nguồn ảnh: OECD)

Các động lực tăng trưởng đều bị ảnh hưởng


Không riêng Vietravel mà toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và hàng không đều phải hứng chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Ngay cả khi bức tranh kinh tế tám tháng đầu năm 2021 vẫn có những điểm sáng tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, hoạt động du lịch vẫn tiếp tục “đóng băng” khi lượng khách quốc tế nhập cảnh giảm 97,2% so cùng kỳ.

Ở trong nước, doanh thu du lịch lữ hành cũng giảm tới 61,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 19,8%;… Nhìn rộng hơn, sức chống chịu của cả nền kinh tế cũng bắt đầu có dấu hiệu tới hạn khi một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đã đảo chiều trong tháng 8, hàng loạt động lực tăng trưởng cũng có dấu hiệu suy giảm khi “ngấm” cú sốc từ biến chủng Delta.

(Nguồn ảnh: Oxalis)

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 4,2% so tháng trước và giảm 7,4% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%, trong khi đây lại là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian dài trở lại đây.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng tháng 8 tiếp tục giảm 10,5% so tháng trước và giảm 33,7% so cùng kỳ. Xuất khẩu cũng giảm 5,8% trong tháng 8 nhưng tính chung tám tháng đầu năm vẫn tăng hơn 20%. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu đến hơn 20 tỷ USD, nên dù khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 16,7 tỷ USD, nhưng thâm hụt thương mại đã tiếp tục gia tăng với mức nhập siêu hơn 3,71 tỷ USD.

Bên sông Sài Gòn (Ảnh: CTV)

Cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội (Ảnh: BND/LÊ VIỆT)

Bên sông Sài Gòn (Ảnh: CTV)

Cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội (Ảnh: BND/LÊ VIỆT)

Mặt khác, động lực đầu tư công cũng chưa thể vận hành tốt do tốc độ giải ngân vốn từ ngân sách ì ạch, đến nay vẫn chưa đạt 50% tổng số vốn kế hoạch được giao. Hoạt động đầu tư công năm 2021 đặc biệt khó khăn ở các địa phương bùng phát dịch Covid-19.

Đơn cử, TP Hồ Chí Minh tám tháng đầu năm mới giải ngân được 13.267 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch cả năm, giảm hơn 27% so cùng kỳ năm trước. Các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đều phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng. Về phía các Bộ, ngành, ngay cả một trong những đơn vị đứng “top đầu” về giải ngân vốn đầu tư công là Bộ Giao thông vận tải cũng còn khối lượng vốn lên tới gần 21.000 tỷ đồng cần giải ngân từ nay đến cuối năm.

Tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải dù đạt 52% kế hoạch năm, cao hơn mức chung của cả nước, nhưng giá trị chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, riêng phần giải ngân khối lượng thi công giá trị đạt rất thấp.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hoạt động đầu tư công năm nay chịu tác động của nhiều yếu tố mới so với thông lệ hàng năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đó là vận chuyển nguyên vật liệu thi công khó khăn; đội ngũ chuyên gia tư vấn, công nhân không thể làm việc trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội; nguyên liệu đầu vào tăng giá ảnh hưởng đến nguồn cung và phương án tài chính khi triển khai dự án. Các địa phương cũng phải tập trung phòng, chống dịch nên bị phân tán lực lượng, thời gian, vật chất trong công tác chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên nhưng vẫn phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng. Bởi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Nhiệm vụ của đầu tư công tới đây không chỉ là tìm cách giải ngân hết 70 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong kế hoạch chưa tiêu hết, mà phải bơm thêm vốn từ nguồn dự trữ quốc gia, chấp nhận tăng bội chi ngân sách để tăng đầu tư; đồng thời tháo gỡ những nút thắt cố hữu trong quá trình thực hiện dự án để tăng tốc giải ngân.

Phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên nhưng không nên sử dụng biện pháp phong toả một cách bất bình thường như tại nhiều địa phương thời gian qua khiến nhiều hoạt động bị bóp nghẹt lại. Vốn đầu tư công như mạch máu của nền kinh tế, phải được bơm ra để dòng máu đi vào từng dự án, từ đó lan toả đến khu vực doanh nghiệp, thẩm thấu vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Vừa qua, hàng loạt tổ chức quốc tế đã đồng loạt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 về mức dưới 5% do các chỉ số kinh tế suy yếu, dịch bệnh Covid-19 diễn biến trầm trọng và tiến độ tiêm chủng vaccine còn chậm. Cụ thể, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 4,7% cho năm 2021. Đây là lần thứ ba, ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, từ mức 7,8% lần lượt xuống còn 6,7%; 6,5% và 4,7%.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 về mức 4,8%, thấp hơn hai điểm phần trăm so dự báo đưa ra cuối năm 2020. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) dự báo trong điều kiện kiểm soát được đại dịch Covid-19 vào cuối quý III, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt mức 4,5-5,1%. Nếu thời điểm kiểm soát được đại dịch diễn ra muộn hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Khu phố Hàng Mã, Hà Nội vốn là nơi buôn bán sầm uất, giờ lao đao trong đại dịch. Ảnh chụp ngày 22/8/2021 (Ảnh: BND)

Khu phố Hàng Mã, Hà Nội vốn là nơi buôn bán sầm uất, giờ lao đao trong đại dịch. Ảnh chụp ngày 22/8/2021 (Ảnh: BND)

Tuyến đường Phạm Ngọc Thạch ở trung tâm quận 1 và quận 3 vắng người qua lại trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, khác xa so với hình ảnh tấp nập thường ngày. (Ảnh: BND/QUANG QUÝ)

Tuyến đường Phạm Ngọc Thạch ở trung tâm quận 1 và quận 3 vắng người qua lại trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, khác xa so với hình ảnh tấp nập thường ngày. (Ảnh: BND/QUANG QUÝ)

Ngành hàng không tiếp tục một năm thiệt hại nặng nề vì đại dịch. Ảnh chụp nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 8/9/2021 (Ảnh: N.T)

Ngành hàng không tiếp tục một năm thiệt hại nặng nề vì đại dịch. Ảnh chụp nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 8/9/2021 (Ảnh: N.T)

Mở cửa kinh tế là yêu cầu cấp bách


Mảng tối nhất trong bức tranh kinh tế thời gian qua là khu vực doanh nghiệp. Qua bốn đợt sóng Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, đa số doanh nghiệp đã kiệt quệ và không thể dự đoán được về tương lai. Hai báo cáo được công bố gần đây đã phản ánh rất rõ tình trạng này: Báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra trong nhiều ngành sản xuất. Đó là chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc, thiết bị,… đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… Đặc biệt, chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, ôtô…) bị ảnh hưởng về đáp ứng điều kiện lao động.

Rất cần các biện pháp hỗ trợ từ các địa phương và Chính phủ để tránh nguy cơ gẫy đổ toàn chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản. (Ảnh: VASEP)

Rất cần các biện pháp hỗ trợ từ các địa phương và Chính phủ để tránh nguy cơ gẫy đổ toàn chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản. (Ảnh: VASEP)

Chuỗi cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản bị đứt gãy do lao động chịu cách ly, giãn cách, đình trệ lưu thông. Nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra và khó vận chuyển, dẫn đến đứt gãy. Riêng chuỗi cung ứng hàng dệt may lại đứt gãy do thiếu lao động; điều kiện sản xuất theo quy định “ba tại chỗ” hay “một cung đường, hai điểm đến” cũng chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh giãn cách xã hội tăng cường.

Hệ quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng trên không chỉ là khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm an sinh xã hội khi tỷ lệ lao động nghỉ việc, giãn việc ngày càng tăng.

Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh) luôn chú trọng việc phòng chống dịch cho công nhân như tại nơi sản xuất, nhà ăn đều bố trí vách ngăn. Mỗi ngày, công ty đều có người đo nhiệt độ, khử khuẩn, thông tin về hình dịch Covid-19 để công nhân biết và không đến các điểm có dịch. (Ảnh: BND/THÁI LINH)

Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh) luôn chú trọng việc phòng chống dịch cho công nhân như tại nơi sản xuất, nhà ăn đều bố trí vách ngăn. Mỗi ngày, công ty đều có người đo nhiệt độ, khử khuẩn, thông tin về hình dịch Covid-19 để công nhân biết và không đến các điểm có dịch. (Ảnh: BND/THÁI LINH)

Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính) phối hợp báo điện tử VNExpress vừa thực hiện cho thấy: 69% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tập trung nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và phần lớn trong số đó không tiên liệu được sẽ phải đóng cửa trong bao lâu. Bên cạnh đó, 40% số doanh nghiệp cho biết tình hình tài chính rất căng thẳng, chỉ đủ dòng tiền để duy trì hoạt động dưới một tháng; 46% cho rằng có thể cầm cự thêm thời gian ngắn, nhưng cũng không thể  quá ba tháng. Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước.

Còn theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, có 81.584 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 85.508 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, 50,5% là tạm ngừng kinh doanh, còn lại đang làm thủ tục giải thể hoặc đã hoàn thành thủ tục phá sản.

Ưu tiên và nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là được hoạt động chứ không chỉ là các đề xuất liên quan đến chính sách hỗ trợ tài chính từ nhà nước.
Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đã lấy đi không ít cơ hội, khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt, hiệu quả hoạt động của đại bộ phận doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nguy hại hơn, nguy cơ bị mất đơn hàng còn khiến doanh nghiệp tiếp tục thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định). (Ảnh: BND/ĐỨC TOÀN)
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: BND/HOÀNG NGỌC)

Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện, 18% doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác; 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc về điều này.

Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh: Ngay lúc này, doanh nghiệp và người lao động mong đợi việc mở cửa cho sản xuất kinh doanh trở lại hơn bao giờ hết vì không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước do ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng ý thức được việc mở cửa cần thực hiện thận trọng theo lộ trình tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Chính vì vậy, động thái đổi mới về tư duy phòng chống dịch của lãnh đạo Việt Nam, xác định quan điểm sống chung với dịch bệnh chính là điểm then chốt nhằm tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi.

Công ty Dược phẩm Savi tại khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Đây là DN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: BND/THÁI LINH)

Công ty Dược phẩm Savi tại khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Đây là DN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: BND/THÁI LINH)

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ–ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành cho rằng, quyết tâm mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, có cơ sở khoa học, dù chưa chấm dứt được hoàn toàn sự lây lan dịch bệnh là hoàn toàn nhất quán với chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” trong chiến lược kiểm soát dịch của Việt Nam. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến ở các nước khác khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Mục đích của các biện pháp giãn cách, phong tỏa mạnh chưa từng có tiền lệ như ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là để “làm phẳng” đỉnh dịch, giảm thiểu thiệt hại về người. Trong thời gian đó, đương nhiên phải cắt giảm các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế sự di chuyển và tụ tập số đông người lao động. Tuy nhiên, việc tạm dừng hoặc cắt giảm công suất, sản lượng này không thể kéo dài quá lâu vì khi quá ngưỡng, doanh nghiệp sẽ không thể phục hồi, sẽ mất thị trường và hàng vạn lao động cũng sẽ mất việc, dẫn đến đổ vỡ về kinh tế. Như TP Hồ Chí Minh đã áp dụng phong tỏa hơn 100 ngày và sức chịu đựng của nền kinh tế đã tới hạn. Nếu sản xuất kinh doanh tiếp tục đình đốn sẽ dẫn đến thảm họa kép về cả y tế và kinh tế.

Điều đáng mừng là ở mặt trận y tế và an sinh xã hội, các điều chỉnh kịp thời hiện nay của TP Hồ Chí Minh đã giúp tình hình ổn định dần, chặn đứng được xu hướng xấu đi trước đó, khiến các nhà hoạch định chính sách có cơ sở chắc chắn hơn để tính toán cho những tuần, những tháng tới đây. Cùng với việc hàng vạn công nhân, người lao động đã được tiêm vaccine mũi 1 và chuẩn bị tiêm mũi 2, việc tính toán mở cửa trở lại ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng là “an toàn mới mở cửa và đã mở cửa là phải an toàn.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực USABC

Thế nhưng, mở cửa trở lại nền kinh tế không chỉ là câu chuyện “tháo giãn cách” mà còn hàng loạt vấn đề tiếp theo cần quan tâm. 

PGS. TS Trần Đình Thiên cảnh báo: Hàng hoá và tiền được ví như thức ăn và dòng máu của doanh nghiệp, cả hai yếu tố này bị nghẽn thì doanh nghiệp không thể sống được. Lưu thông hàng hoá phải được thông suốt bằng việc mở cửa trở lại tại các vùng dịch đã tăng cường được năng lực kiểm soát và nâng cao tỷ lệ người dân được tiêm chủng. Nhưng lúc này, khó khăn của doanh nghiệp không còn dừng ở vấn đề đội chi phí sản xuất, mà chuyển sang trạng thái “khô máu”. Chỉ một thời gian ngắn nữa, sau khi thị trường mở ra, tình trạng “đói vốn” có thể sẽ bùng lên trong khi doanh nghiệp rất khó đủ điều kiện tiếp cận vốn vay mới.

Đưa lãi suất về ngang mức thế giới và khu vực để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục trụ vững là câu chuyện lớn, không chỉ để giúp doanh nghiệp vượt qua lúc khó khăn này mà còn là vấn đề của tương lai vì mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn ở mức cao. Nếu không còn dư địa giảm lãi suất thì phải tiếp cận theo hướng mới là hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách. Đây là lúc Chính phủ sử dụng thẩm quyền Quốc hội vừa trao để lập Quỹ dự phòng tài chính hoặc Quỹ bảo trợ tín dụng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Trong tình thế đặc biệt khó khăn này, nếu áp tiêu chuẩn, quy chuẩn bình thường thì doanh nghiệp không thể có nguồn lực để phục hồi sản xuất.

Đề cập vấn đề hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều từ bài học hỗ trợ không hiệu quả trong chính sách kích cầu giai đoạn 2008-2011. Nhưng cần làm rõ nguyên nhân chính sách hỗ trợ lãi suất trước đây không hiệu quả là do đâu, từ đó rút ra bài học để không lặp lại sai lầm, chứ không thể nói chung chung được. Trong thời điểm sinh - tử này, phải biết vào cửa tử để ra cửa sinh, phải biết lấy độc trị độc chứ không thể chỉ hành xử theo logic thông thường.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Cần thành lập Ủy ban quốc gia về phục hồi kinh tế


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp về chiến lược mới trong phòng, chống đại dịch Covid-19: “Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”. Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. “Trạng thái bình thường mới” đang chuẩn bị được thiết lập từ chính các vùng “tâm dịch” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Các dữ liệu thống kê cho thấy, nếu không nhanh chóng kiềm chế được dịch bệnh, từng bước bình thường hoá hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân thì những tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng có thể khôi phục được. Tình thế hiện nay là phải tìm cách “lách qua khe cửa rất hẹp” giữa một bên là dịch bệnh đang hoành hành và một bên là sức sống của doanh nghiệp và sinh kế của người dân.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, đây sẽ là một kịch bản mở cửa từng bước, thận trọng, bảo đảm rủi ro ít nhất. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh có thể cho phép hệ thống hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở cửa bán hàng qua đội ngũ nhân viên giao hàng công nghệ (shipper). Trong khi đó, cơ quan chức năng sẽ giám sát ca lây nhiễm có tăng lên không, từ đó đánh giá các hoạt động được mở trở lại tác động như thế nào đến năng lực công tác chống dịch và ảnh hưởng ra sao đến hệ thống y tế. Mặt khác, công tác giám sát điều trị tại nhà đối với F0 phải được nâng cao; đồng thời, tăng cường hệ thống y tế cơ quan, trường học, khôi phục lại phòng y tế trong doanh nghiệp và các khu công nghiệp, khu chế xuất để có hỗ trợ khi có ca nhiễm Covid-19.

Để vận hành lại sản xuất, các Bộ Y tế, Công an cần chia sẻ dữ liệu để doanh nghiệp có hồ sơ sức khoẻ của người lao động, nắm được lịch sử tiêm chủng, tạo điều kiện bố trí công nhân tham gia sản xuất kinh doanh. Việc mở lại nền kinh tế sẽ dựa trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở đến đó, bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và ổn định tình hình kinh tế, xã hội.

Các shipper là lực lượng giao hàng phổ biến trong mùa dịch. (Ảnh: BND)

Các shipper là lực lượng giao hàng phổ biến trong mùa dịch. (Ảnh: BND)

Sản xuất tại một doanh nghiệp “ba tại chỗ” ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: BND/THIÊN VƯƠNG).

Sản xuất tại một doanh nghiệp “ba tại chỗ” ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: BND/THIÊN VƯƠNG).

Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, Long An) trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh vẫn duy trì sản xuất ổn định. Công tác phòng, chống dịch tại công ty được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. (Ảnh: BND/THÁI LINH)

Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, Long An) trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh vẫn duy trì sản xuất ổn định. Công tác phòng, chống dịch tại công ty được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. (Ảnh: BND/THÁI LINH)

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại một siêu thị Satramart, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV)

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại một siêu thị Satramart, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV)

(Nguồn ảnh: Tân Cảng)

(Nguồn ảnh: Cảng Đình Vũ)

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn chính xác vì rất khó để triệt tiêu hoàn toàn được dịch bệnh Covid-19. “Chúng ta cần lên kịch bản sống chung với dịch thay vì đóng cửa, giãn cách như hiện nay. Ngoài ra, phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết. Ví dụ, nếu xảy ra F0 thì xử lý như thế nào từ người dân đến doanh nghiệp, chính quyền chứ không phải thấy F0 là đóng cửa ngay nhà máy”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bước sang giai đoạn bình thường mới. Các yếu tố bên ngoài đang rất thuận lợi, kinh tế thế giới phục hồi tương đối nhanh, nhất là ở các thị trường trọng điểm, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước cũng có nhiều yếu tố để hy vọng đại dịch không còn trầm trọng như giai đoạn vừa qua, vì độ bao phủ vaccine đang lớn dần và dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn.

Với góc nhìn của một người nhiều năm làm chính sách vĩ mô, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế đang cần một Chương trình phục hồi và phát triển ở cấp quốc gia với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Lý do vì doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đang bị tác động rất nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ. Nhiều vấn đề rất lớn đang đặt ra, có thể sẽ phải thay đổi một số nội dung trong Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo từ các cơ quan cao nhất của đất nước, từ Bộ Chính trị, Quốc hội để từ đó Chính phủ xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế trong tình hình mới.

Tôi cho rằng cần thành lập Ủy ban Phục hồi, phát triển kinh tế để xây dựng ngay những đạo luật, chính sách cần thiết cho sự phục hồi kinh tế đất nước. Ủy ban sẽ xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi kinh tế với mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM

Các chính sách, giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, khác biệt so với những nội dung đã xây dựng trong Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 vì tình hình đã thay đổi. Đặc biệt, thời gian để phục hồi kinh tế không thể quá ba năm, như vậy mới có thể tạo dựng nền tảng quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Điều chúng ta cần hiện nay là một sự thay đổi lớn, một thể chế vượt trội để thúc đẩy các nhân tố mới cho quá trình phục hồi kinh tế. Vượt qua được lúc khó khăn này cũng chính là tích luỹ được kinh nghiệm để cải cách thể chế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nếu không kịp thời có một chương trình thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện ở cấp quốc gia, kinh tế có thể suy giảm đến quá ngưỡng có thể phục hồi. Khi đó, quá trình phục hồi kinh tế sẽ rất chậm và đau đớn.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM

TS Cung đề xuất, Chương trình phục hồi kinh tế phải dựa trên bốn trụ cột lớn, theo thứ tự ưu tiên gồm: Một là, từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế. Giai đoạn này chỉ nên kéo dài khoảng sáu tháng. Hai là, phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số. Đây chính là nhiệm vụ của đầu tư công. Các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư phải được tập trung triển khai ngay như sân bay Long Thành, hệ thống đường bộ, đường thuỷ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng. Đồng thời, xây dựng các trung tâm logistics ở Vũng Tàu và Hải Phòng, Quảng Ninh. Qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, mới thấy hạ tầng số của chúng ta còn yếu kém, các nền tảng số không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cũng như yêu cầu quản lý nhà nước. Các vấn đề này phải được giải quyết sớm.

Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi song song với việc khuyến khích đầu tư toàn xã hội. Doanh nghiệp đã kiệt sức, phải cấp cứu ngay, nếu chờ đưa ra tiêu chí phân loại, khả năng tiếp cận chính sách sẽ rất thấp như các chương trình đã triển khai. Đây cũng là thời điểm cần khuyến khích đầu tư vào những ngành nghề mới, nhưng vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để tạo ra động năng mới cho tăng trưởng. Có thể nói, việc lâu nay vẫn khuyến khích ưu đãi đầu tư vào những vùng khó khăn không còn phù hợp nữa. Muốn vậy, cần sửa Luật Đầu tư. Bốn là, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đại dịch, thế giới nhận ra đây là động lực thúc đẩy cải cách. Nhưng đáng tiếc từ năm 2020 đến nay, đà cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chững lại.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chương trình cải cách thể chế sâu rộng và bài bản là cần thiết để khôi phục kinh tế cũng như phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Một môi trường kinh doanh minh bạch, ít rào cản gia nhập thị trường có thể giúp hạn chế suy giảm mật độ doanh nghiệp; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân theo đuổi các hoạt động sản xuất, đồng thời sẽ phân bố lại nguồn lực khan hiếm vào ngành, sản phẩm có tiềm năng.

Như nhiều doanh nghiệp khác, thời điểm này Vietravel cũng đang gấp rút hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho việc nối lại hoạt động sau thời gian dài thực hiện giãn cách. Là “thuyền trưởng” lèo lái con tàu Vietravel, Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ dù “đầu tắt, mặt tối” trong hàng đống công việc, vẫn liên tục gửi các kiến nghị và chờ đợi thêm những tín hiệu rõ ràng hơn từ cơ quan chức năng về kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế. Vì mỗi một lần khởi động lại là mỗi lần nguồn lực của doanh nghiệp thêm suy cạn, tài sản quý nhất là đội ngũ nhân lực lành nghề cũng hầu như đã hao hụt hoàn toàn.

“Các biện pháp chống dịch của TP Hồ Chí Minh có vẻ đã dần tìm ra hướng đi đúng, nhưng để mở cửa, thành phố không thể “làm một mình” mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các tỉnh lân cận. Dù rất trông mong ngày mở cửa, nhưng chúng tôi cũng chưa biết diễn biến thực tế sẽ thế nào và doanh nghiệp sẽ phải làm và có thể làm những gì. Do đó, mọi thông tin, kế hoạch cần được công bố một cách cụ thể hơn. Mặt khác, chính sách ban hành cũng phải tránh tình trạng “sáng nắng, chiều mưa”, làm mất đi sự nghiêm minh cũng như khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”.

Quan trọng nhất là cần có đầu mối chỉ đạo tập trung, rõ ràng và thống nhất, chứ nếu quá nhiều đầu mối chỉ đạo như hiện nay là rất khó cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Kỳ trải lòng.

Một góc TP Hồ Chí Minh (Ảnh: visithcmc.vn)

Ngày xuất bản: 22/09/2021
Tổ chức thực hiện: THU HÀ
Nội dung: THU HÀ, TÔ HÀ, VIỆT HẢI
Ảnh: TRẦN HẢI, THỦY NGUYÊN, THÁI LINH, CTV
Trình bày: NGUYỄN TRANG, VĂN TOẢN, PHAN ANH