Khủng hoảng chồng khủng hoảng

Một loạt hiệp hội công nghiệp ở châu Âu lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng sản xuất nghiêm trọng tại “lục địa già” và kêu gọi giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hành động nhanh và nhiều hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: PARESH NATH
Biếm họa: PARESH NATH

Hiệp hội Nhôm châu Âu nêu thực trạng đáng báo động: Giá điện và khí đốt tự nhiên cao kỷ lục dẫn đến chi phí hoạt động của hầu hết các ngành công nghiệp tăng vọt, từ nhôm thép, ô-tô đến phân bón, dệt may, khiến hoạt động sản xuất bị cắt giảm, thậm chí tạm ngừng hoặc chuyển địa điểm khỏi châu Âu. Chi phí năng lượng tăng cao thúc đẩy làn sóng cắt giảm công suất nhôm trên khắp châu Âu, trong bối cảnh các nhà máy luyện kim quay cuồng với giá điện và khí đốt cao ngất trời, trong khi đó nhu cầu vẫn yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo Hiệp hội Phân bón châu Âu, giá khí đốt tự nhiên ở châu lục hiện cao gấp 15 lần so mức trước khủng hoảng, gấp 10 lần so giá ở Mỹ, làm tăng chi phí cho các nhà máy sản xuất amoniac - thành phần chính trong sản xuất phân bón. Theo Cơ quan thông tin năng lượng (EIA) của Mỹ, 98% nhà máy sản xuất amoniac trên thế giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm nguyên liệu. Giá nhiên liệu tăng cao đã làm giảm tới 70% sản lượng amoniac ở châu Âu vào tháng 8 vừa qua.

Trong báo cáo công bố tuần trước, S&P Global Mobility ước tính, khủng hoảng năng lượng có thể khiến các nhà sản xuất ô-tô có trụ sở ở châu Âu mất tới một triệu chiếc mỗi quý, từ nay cho đến cuối năm 2023. Kết quả khảo sát của Hiệp hội công nghiệp ô-tô Đức hồi tháng 10 cũng cho thấy, 10% số hãng ô-tô đã giảm sản lượng, 30% số công ty lên kế hoạch hạn chế sản xuất. Trong khi đó, tại Italy, chi phí năng lượng cao đẩy các công ty dệt may địa phương đến gần bờ vực phá sản...

Theo Tổ chức bàn tròn công nghiệp châu Âu (ERT), giá năng lượng cao và chuỗi cung ứng nguyên liệu thô căng thẳng đang làm giảm sút nghiêm trọng khả năng cạnh tranh toàn cầu của các ngành công nghiệp châu Âu. Trong đó, những ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều nhất phải gánh chịu hậu quả lớn nhất.

Khủng hoảng sản xuất lan rộng, các tổ hiệp hội công nghiệp châu Âu thúc giục giới lãnh đạo EU nhanh chóng có biện pháp hạ nhiệt giá năng lượng, giúp chặn đà khủng hoảng chồng khủng hoảng ở “lục địa già”.