“Khúc vọng xưa” chân phương, cuốn hút

Chiều 1/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã khai mạc triển lãm “Khúc vọng xưa” với 63 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đình Huống, 86 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
“Khúc vọng xưa” chân phương, cuốn hút

Bén duyên nghệ thuật từ năm 17 tuổi, họa sĩ khi ấy trúng tuyển vào Trường Quốc gia Mỹ nghệ - tiền thân của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Học được hai năm thì bị gián đoạn, ông bắt đầu cuộc sống công nhân trong tổ nấu thuốc của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1. Dù vậy, trong suốt 10 năm sau đó, bảng mầu, bút vẽ luôn gắn bó và nghệ thuật trở thành động lực để ông tiếp tục ngày đi làm, tối đi học lớp hội họa hệ cao đẳng của Trường Nghệ thuật quần chúng Hà Nội. Ông đã có nhiều tác phẩm uy tín như bức sơn dầu “Công nhân xây dựng” đạt Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1973; một số được chọn làm quà tặng các đoàn chuyên gia nước ngoài và không ít tranh để lại dấu ấn như bức “Mừng đất nước thống nhất”, vẽ năm 1976 được Bảo tàng Phương Đông ở thành phố Dresden (Đức) mua sưu tầm; bức “Cổng làng xưa” vẽ năm 1981; bức “Chân đập thủy điện Hòa Bình” (1984) được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua để lưu giữ, trưng bày.

Dù tuổi đã cao, nhưng họa sĩ vẫn chưa ngừng tay vẽ. Nhiều người thân, bạn bè của ông còn tiết lộ, số tác phẩm của ông đã vượt quá con số nghìn bức. Ông bày tỏ: “Tôi vẽ rất nhiều nhưng trong triển lãm lần này chủ yếu là những tác phẩm hương đồng gió nội, từ những con thuyền, khóm tre, cổng làng cho tới hình ảnh những con người bình dị trong nhà máy, người dân tộc thiểu số… Ngoài ra, còn có một số tác phẩm về đề tài lịch sử có ý nghĩa với cá nhân tôi như bức “Đọc tin đất nước thống nhất” và đặc biệt là bức “Thiên Đô”. Mặc dù sinh ra ở Thái Bình, nhưng tôi có tới gần 80 năm sống ở Thủ đô. Là một công dân Hà Nội, tôi muốn đáp đền tình nghĩa của đất và người nơi đây”.

Các tác phẩm sơn dầu của ông có bố cục vững chắc, các mảng mầu giản dị hòa sắc nâu - lam trầm ấm. Tranh ông mang vẻ đẹp chín chắn, trang trọng mà đầy xúc cảm. Họa sĩ cũng thể hiện phong cách riêng ở chất liệu sơn mài, bột mầu. Tranh phong cảnh bột mầu của ông gợi không khí thanh bình của những khóm tre, mùi hương lúa cho tới những góc nơi neo thuyền ven sông… “Tranh ông thật sự đẹp, trong sáng và bắt nhịp hơi thở từng thời đại. Mầu sắc vẫn tươi trẻ, như một số bức tranh về nông thôn mới”, ông Trần Lưu Lư (93 tuổi), một người bạn học của họa sĩ bày tỏ. Lại Minh Nguyên (24 tuổi), sinh viên mới ra trường của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cảm nhận: “Em có cơ hội nhìn lại cách vẽ, cách nhìn nhận của thế hệ đi trước. Đó là cái nhìn của thời gian. Em đặc biệt thích những ký họa bằng mầu bột của ông. Bên cạnh sự nhuyễn của mầu, nhiều tác phẩm đến độ sâu và tươi tắn đáng kinh ngạc. Cách thực hiện các bức ký họa cũng rất phóng khoáng, không nệ vào hình mà chắt lọc hình ảnh theo cách tự nhiên, đầy cảm hứng và cá tính”.