Không tăng nghĩa vụ nợ cho ngân sách nhà nước

Trong điều kiện đã tốt nghiệp điều kiện vay IDA của Ngân hàng Thế giới (WB) và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường và càng đòi hỏi phải hoạch định chiến lược vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt để hạn chế những hệ quả tiêu cực lâu dài. Đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu luôn sẵn sàng huy động tài chính dự phòng trong ngắn hạn và trung hạn. Do đó, chiến lược nợ công trong giai đoạn tới cần phải giải quyết được nhiều vấn đề then chốt trong vay vốn đầu tư của Nhà nước.

Nhiều dự án, công trình quan trọng được ưu tiên đầu tư. Ảnh: SONG ANH
Nhiều dự án, công trình quan trọng được ưu tiên đầu tư. Ảnh: SONG ANH

Chỉ vay trong khả năng trả nợ

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng và thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030 gắn với sáu quan điểm chủ đạo, trong đó quan điểm đầu tiên là chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Trong các nguồn vay, Việt Nam xác định nguồn vay trong nước là quyết định, nguồn vay nước ngoài là quan trọng và nợ công tiếp tục là đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công theo kế hoạch trung hạn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch tài chính với kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ công. Nguồn lực nợ công cần tập trung vào bù đắp bội chi NSNN, vay theo nhu cầu sử dụng vốn. Việc quản lý nợ công chặt chẽ là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay; và việc tính toán kỹ lưỡng trong khả năng trả nợ của từng cấp ngân sách, từng đối tượng vay vốn; bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, không để ảnh hưởng hệ số tín nhiệm quốc gia là những yêu cầu được đặt ra như một hệ nguyên tắc bất di bất dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung phát triển các kênh huy động vốn đi đôi với tái cơ cấu danh mục nợ để tăng tính bền vững, đồng thời tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nợ công; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về sử dụng vốn vay và trả nợ công.

Bộ Tài chính cũng cho biết, việc tổ chức huy động vốn vay đáp ứng nhu cầu của NSNN trong từng thời kỳ chỉ thực hiện với chi phí vay hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro của khoản vay, bảo đảm khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ ở mức an toàn, kiểm soát đối với nợ nước ngoài, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, việc kiểm soát chỉ tiêu bội chi NSNN được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách hằng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam theo đuổi chủ trương bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN đến năm 2030 xuống khoảng 3% theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo các tính toán theo phương án cơ sở cho thấy, đến cuối giai đoạn 2021-2030 tỷ lệ nợ công có thể ở mức 48-50% GDP (dưới mức trần nợ công 60% GDP và ngưỡng an toàn nợ 55% GDP được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2021-2025); nợ Chính phủ có thể lên mức 45-47% GDP (dưới mức trần nợ Chính phủ 50% GDP, tuy nhiên tiến sát và có khả năng vượt ngưỡng an toàn nợ 45% GDP được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2021-2025). Trên cơ sở nghiên cứu khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, Bộ Tài chính tính toán chỉ tiêu trần an toàn nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP tiếp tục phù hợp giai đoạn 2026-2030. Tỷ lệ này có tính đến rủi ro vĩ mô, tài khóa gia tăng và các nhu cầu chi trong dài hạn, đặc biệt cho biến đổi khí hậu và già hóa dân số. Đồng thời, việc điều hành nhu cầu vay nợ Chính phủ hằng năm đều gắn với tình hình thu, chi NSNN, bảo đảm chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ luôn trong ngưỡng an toàn như các tổ chức quốc tế khuyến nghị. 

Tránh biến nợ dự phòng thành nợ trực tiếp

Về chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN, Bộ Tài chính cho biết, chỉ tiêu này trong giai đoạn 2026-2030 tiệm cận, có khả năng vượt mức 25% trong một số năm tùy thuộc vào kỳ hạn các khoản vay mới của Chính phủ. Riêng về chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia, Bộ Tài chính cho rằng, với sự cho phép tách bạch nợ nước ngoài của khu vực công và nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nên việc kiểm soát vay, trả nợ nước ngoài quốc gia theo trần cứng có thể giới hạn khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp. Trong khi đó, đây cũng không phải là một biện pháp tốt để bảo đảm an toàn bền vững nợ nước ngoài quốc gia. Để kiểm soát nợ nước ngoài của quốc gia trong dài hạn, các tổ chức quốc tế cũng như các cơ quan trong nước (như Ban Kinh tế T.Ư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đều khuyến nghị tách bạch quản lý nợ nước ngoài khu vực công và khu vực tư nhân.

Sở dĩ như vậy là do bản chất hoạt động vay vốn cũng như đặc điểm rủi ro của các khu vực này rất khác biệt; cần đề ra mức trần nợ nước ngoài trong tổng dư nợ công thay vì áp dụng mức trần chung cho nợ nước ngoài của quốc gia. Theo đó, trong giai đoạn 2026-2030 cần trình Quốc hội xem xét, cho phép thay thế việc áp dụng mức trần chung cho nợ nước ngoài của quốc gia như hiện nay bằng chỉ tiêu trần nợ nước ngoài trong tổng dư nợ công để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, phù hợp nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế trong dài hạn cũng như thông lệ tốt của quốc tế.

Kiểm soát đồng thời tỷ lệ bội chi và tỷ lệ trả nợ

Bộ Tài chính cho biết, chiến lược nợ công mới được ban hành đã đề xuất sáu định hướng và tám nhóm giải pháp để triển khai. Theo đó, về định hướng, cần thường xuyên đánh giá tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ; kiểm soát đồng thời tỷ lệ bội chi NSNN và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách, bảo đảm trong ngưỡng cho phép; đa dạng hóa kỳ hạn, phương thức phát hành trái phiếu quốc tế để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và phát triển thị trường; tập trung giải ngân hết nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký vay, huy động vay mới tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt.

Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững; xây dựng một số chương trình đầu tư công để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, có tính động lực, sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển quốc gia, vùng và liên kết vùng; điều hành nợ chính quyền địa phương trong hạn mức dư nợ theo Luật NSNN; kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng, quản lý các khoản bảo lãnh đúng quy định, hiệu quả trong phạm vi hạn mức bảo lãnh; kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép; nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để áp dụng biện pháp kiểm soát luồng vốn trong quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới phương thức quản lý nợ nước ngoài quốc gia cho phù hợp tính chất vốn vay ngắn hạn, trung và dài hạn, tính chất và mức độ rủi ro của từng nhóm đối tượng.

Để đạt được các mục tiêu đó, chiến lược tập trung vào việc hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; áp dụng công cụ quản lý nợ hiện đại; huy động, quản lý và sử dụng nợ hiệu quả; tăng cường công khai, minh bạch về huy động, quản lý và sử dụng nợ công. Song song với đó là phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước; kiểm soát nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN; tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với nợ công.