Không để khan hiếm hàng hóa phục vụ Tết

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến rất gần. Công tác dự trữ, chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết cổ truyền đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hà Nội, nhiều người dân đã đến Trung tâm thương mại Big C Thăng Long chọn mua bánh kẹo Tết.
Tại Hà Nội, nhiều người dân đã đến Trung tâm thương mại Big C Thăng Long chọn mua bánh kẹo Tết.

Tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng

Theo kế hoạch, Công ty Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường dịp Tết Quý Mão 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt lợn), và 4.200 tấn thực phẩm chế biến; so cùng kỳ năm ngoái lần lượt tăng 30% và 10%. Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Đăng Phú cho biết: Ngay khi bước sang quý III/2022, doanh nghiệp đã bố trí ngân sách hơn 700 tỷ đồng để triển khai dự trữ nguyên vật liệu, nhờ vậy khá thuận lợi khi bước vào mùa sản xuất cao điểm.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp trứng gia cầm, Công ty cổ phần Ba Huân đã dự trữ lượng thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết với nông dân nuôi vịt, tăng đàn gà đẻ... để tăng nguồn cung trứng cho thị trường cuối năm, trong đó dịp cao điểm có thể bán ra 1,2 triệu quả/ngày.

Một trong những sản phẩm đứng đầu mức tiêu thụ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán là dầu ăn. Năm nay, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (Tường An) ưu tiên phát triển đồng đều cả ba phân khúc phổ thông, trung và cao cấp tùy thuộc đặc trưng của từng khu vực, đặt mục tiêu sản lượng tăng 15% so Tết 2022. Nhận định về thị trường và xu hướng tiêu dùng trong Tết năm nay, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An Bùi Thanh Tùng, "những biến động của nền kinh tế thế giới cùng tác động của thị trường trong nước khiến người tiêu dùng dè dặt hơn trong chi tiêu; tuy nhiên, những sản phẩm thiết yếu như dầu ăn sẽ vẫn giữ mức tiêu thụ tốt". Cũng như mọi năm, công ty đã triển khai kế hoạch sản xuất, thiết kế bao bì, hộp quà cho năm mới từ rất sớm để kịp sản xuất và cung ứng cho thị trường. Ông Tùng cũng cho hay, công ty tích cực làm việc với khối khách hàng doanh nghiệp, triển khai các chính sách cùng 450.000 điểm bán của Tường An trên toàn quốc, để đem lại cho người tiêu dùng nhiều tiện lợi nhất khi mua sắm. Đặc biệt, dù giá nguyên liệu, lạm phát có dấu hiệu tăng, doanh nghiệp khẳng định vẫn sẽ giữ nguyên giá bán.

Cùng với các doanh nghiệp sản xuất, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối cũng đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, MM Mega Market Việt Nam đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20%- 30% so Tết 2022, và 40%- 50% so những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. Còn hệ thống siêu thị Big C/Go đang tập trung nguồn hàng vụ Tết 2023 đa dạng với mức tăng trưởng cao từ 20%- 30% so cùng kỳ năm trước, và hệ thống này cũng lên kế hoạch cung ứng đủ mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh vào thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán…

Chú trọng phương án bình ổn thị trường

Thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so cùng kỳ năm trước. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so tháng trước đó và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh,thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng.

Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: "Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm, Sở Công thương đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, nhằm bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao. Cùng đó, các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, giá cả ổn định và bảo đảm công tác phòng, chống dịch phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ước tính tổng giá trị hàng hóa được các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô chuẩn bị cho cao điểm Tết đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so Tết năm 2022)".

Còn tại TP Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Theo dự kiến của Sở Công thương địa phương này, năm nay, hàng hóa bình ổn đáp ứng khoảng 43% nhu cầu thị trường. Đây được xem là nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp truyền thống của TP Hồ Chí Minh để đưa hàng Tết đầy đủ, dồi dào, giá cả hợp lý đến tay người dân. Bên cạnh giá cả, chất lượng cũng luôn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, để cân đối về mức giá của mình. Nguồn hàng được các doanh nghiệp chuẩn bị cho dịp Tết năm nay đã tăng 15%-30% so năm ngoái.

Tại Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, diễn ra vào ngày 8/12 vừa qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất, nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa, nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường. Tích cực triển khai các chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng chính sách về các vùng sâu, vùng xa, công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Công thương yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định. Thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân-giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.