Không chủ quan với dịch Covid-19

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ba tuần gần đây, số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 tại nước ta tăng lên; các biến thể BA.4 và BA.5 chiếm ưu thế và lây lan nhanh…
0:00 / 0:00
0:00
Dịch bệnh gia tăng sẽ dẫn đến sự quá tải bệnh nhân tại các cơ sở điều trị.
Dịch bệnh gia tăng sẽ dẫn đến sự quá tải bệnh nhân tại các cơ sở điều trị.

Nhiều người đưa lý do để không tiêm

Cùng lúc hàng loạt ca bệnh như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng… đang vào mùa cao điểm thì số ca mắc Covid-19 lại tăng, gây quá tải cho hệ thống y tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan, đơn vị, địa phương để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm”.

Thực tế cho thấy, so tháng 7, những ngày đầu tháng 8 vừa qua, số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam đã tăng 22%, tức là đã ghi nhận 2.000 ca mắc mới/ngày. Sự chủ quan, lơ là với dịch bệnh và sự thờ ơ, né tránh các mũi tiêm vaccine bổ sung đã khiến dịch bệnh có cơ hội quay trở lại.

Sáng 10/8, ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), sắp đến ngày rằm tháng Bảy, từ sáng sớm, người dân đi chợ đông hơn mọi khi. Cho dù ngay tại cổng chợ vẫn bày các chai nước khử khuẩn nhưng hầu như không có người nào sát khuẩn trước khi vào chợ. Anh A. trú tại tập thể Nghĩa Tân cho biết: “Tôi đã mắc Covid-19 hai lần rồi nên thôi, đi chợ cho nhanh, không quan tâm đến các thủ tục này nữa”. Khi được hỏi, vì sao không đeo khẩu trang khi vào chợ, chị H. cho biết: “Nhà tôi gần đây, tôi đi vội về còn đi làm nên quên đeo khẩu trang”. Bà Kh. chủ quầy hàng bán thịt trong chợ Nghĩa Tân nói: “Đã lâu rồi, hình như người mua hàng đã quên đeo khẩu trang, quên nước sát khuẩn. Ai cũng vội vã đi chợ và ai cũng có lý do là đã mắc bệnh rồi nên hình như không sợ dịch bệnh nữa”.

Đây là lần thứ ba, một tổ Covid-19 cộng đồng thuộc phường Nghĩa Tân đi vận động tiêm chủng. Bà A. trú tại tập thể Nghĩa Tân vẫn còn băn khoăn e ngại. “Tôi sợ tác dụng phụ nên tôi muốn nghe ngóng xem những người đi tiêm về có bị ảnh hưởng thế nào rồi mới quyết định có tiêm hay không?”. Ông Th. thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, phường Nghĩa Tân cho biết: “Tổ dân phố chúng tôi phụ trách vẫn còn hơn 100 trường hợp chưa tiêm. Có nhiều lý do mà người dân đưa ra như lý do sức khỏe, vừa mới ốm dậy, đã mắc Covid-19 thời gian vừa qua, người lo ngại mũi 4 có tác dụng phụ nên nhiều người vẫn có tâm lý nghe ngóng, chưa quyết định tiêm”. Bà V. thành viên tổ Covid-19 cộng đồng nói thêm: “Họ không nói không tiêm mà cứ trì hoãn vậy thôi khiến chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian đi vận động”.

“Mình đã tiêm hai mũi vaccine rồi và cũng bị mắc hai lần Covid-19 nên mình thấy có thể trong cơ thể mình kháng thể đã đủ để chống chọi với con virus này rồi. Mình thật sự e ngại mũi tiêm tăng cường Covid-19, sợ tác dụng phụ tới cơ thể” hay “Tôi cũng đã được phường gọi đi nhiều lần nhưng tôi bận quá không có thời gian để đi. Công việc của tôi không cần phải tiêm mũi 3”… - Đây là những lời giải thích phổ biển của những người chưa tiêm vaccine mũi 3, 4 khi chúng tôi phỏng vấn. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh bệnh nhân Covid-19 nặng dù đã tiêm những mũi cơ bản này, có lẽ nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại.

Bệnh nhân nhập viện tăng trở lại

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hà Nội, trong hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đã tăng khoảng 30%. Hầu hết là những người cao tuổi, có bệnh lý nền. Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Khoa Hồi sức cấp cứu tại đây cho biết: “Thời gian tiêm quá lâu, nhiều bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền về hô hấp và tim mạch, đái tháo đường nên nguy cơ họ mắc lại Covid-19 rất dễ và dễ trở nặng. Bên cạnh đó, các chủng phụ của biến chủng Omicron đã xuất hiện ở Việt Nam nên gia tăng số ca mắc”.

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ mũi 3 trên cả nước đạt gần 70% nhưng ghi nhận tại các cơ sở điều trị, vẫn còn những trường hợp chuyển nặng. Chưa kể, khi số người có khả năng mắc vẫn còn nhiều, khả năng biến đổi của virus vẫn còn lớn, các mũi vaccine tăng cường là phương án tốt nhất để ngăn chặn Covid-19.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nửa cuối tháng 7 vừa qua, cả nước đã tiêm được 7,7 triệu liều vaccine tăng 34% so nửa đầu của tháng 7. Nhưng tính đến ngày 31/7, cả nước còn tồn 17,9 triệu liều vaccine, chủ yếu là vaccine Pfizer có hạn đến tháng 9 này. Trong đó, tuyến tỉnh đang tồn 3,9 triệu liều vaccine; tuyến quốc gia 3,7 triệu liều; tuyến khu vực 10,3 triệu liều. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, với thông điệp V2K có nghĩa là vaccine, khẩu trang và khử khuẩn được khuyến khích áp dụng trong tình hình mới. Không ít người cho rằng, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt dẫn đến chủ quan với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có tiêm vaccine tăng cường mũi thứ 3, 4. Hiện, biến chủng mới đã xuất hiện tại Việt Nam với tốc độ lây lan mạnh, do vậy V2K sẽ vẫn là lá chắn phòng bệnh hữu hiệu nhất để giữ vững thành quả chống dịch.

TS, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắc nhận định: “Với việc xuất hiện các chủng mới trong tương lai, bao giờ cũng ưu thế hơn các chủng cũ. Chính vì vậy, để phòng tránh một cách hiệu quả, hạn chế xuất hiện các chủng mới không có cách nào khác ngoài việc mỗi người sẽ phải bảo vệ bản thân mình thông qua các biện pháp cá nhân V2K cộng với tiêm vaccine”.