Không chấp nhận lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ BHYT

NDO -

NDĐT - Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Y tế tại Hội nghị CLB giám đốc bệnh viện các tỉnh phía bắc, được tổ chức ngày 25-5, tại Thanh Hóa. Các bệnh viện cần hợp tác với cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm nguồn thu mà vẫn bảo tồn quỹ BHYT. Các bệnh viện cũng cần có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế và an ninh bệnh viện, vì đó là an toàn cho thầy thuốc và cả người bệnh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, về tài chính và tự chủ tài chính dù viện phí đã được điều chỉnh tăng, nhưng là vấn đề cần giải quyết đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Việc các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính sẽ có những áp lực về nguồn thu, nhưng không chấp nhận lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ BHYT.

“Lạm dụng dịch vụ y tế là vấn đề nhạy cảm, chúng ta khó chịu khi bị nhắc nhở nhưng thực tế có tồn tại, do đó tự chủ tài chính không chỉ lo tăng nguồn thu mà còn phải khắc phục tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế còn tồn tại ít nhiều”, ông Tiến nói.

Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, tự chủ tài chính các bệnh viện được quyết định về nhân lực, cân đối thu chi, do đó đòi hỏi các bệnh viện hài hòa giữa quyền lợi các bên, tăng nguồn thu nhưng phải tương xứng về chất lượng khám, điều trị bệnh. Tự chủ tài chính vẫn phải bảo đảm tối đa an toàn người bệnh mà không chỉ mổ xẻ hay trong quá trình sử dụng dịch vụ y tế mà ngay cả nhà vệ sinh cũng có thể là nơi không an toàn.

GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: Bệnh viện luôn là nơi tập trung các nguồn lây nhiễm bệnh khi tiếp xúc các loại virus, vi khuẩn. Trong đó có loại đã kháng sinh hoặc đa kháng thuốc. Trong môi trường bệnh viện quá đông khiến người bệnh và cả nhân viên y tế cũng có thể làm nguồn lây truyền do không bảo đảm các điều kiện về chống nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, ở bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối cũng luôn đối mặt rất nhiều nguy cơ không an toàn như: Mổ nhầm, thuốc nhầm, chất lượng trang thiết bị… Do đó khi tự chủ tài chính không còn ngân sách nhà nước cấp thì vẫn buộc phải đặt tiêu chí an toàn người bệnh lên trước tiên. Nhằm ngăn chặn các nguy cơ đó, nhân viên y tế cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình, như quy định tiếp nhận, bàn giao người bệnh khi phẫu thuật; có các bảng kiểm về bệnh nhân… Với trang thiết bị bảo đảm các thiết bị y tế phải có nguồn gốc, được bảo hành bảo trì và vận hành đúng.

Mặt khác, theo ông Giang, cần khuyến khích việc báo cáo sự cố y khoa thay vì phê phán, kỷ luật… bởi có như vậy mới được công khai, từ đó có phương án khắc phục, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên nếu sai sót, tai biến y khoa xảy ra do y đức thì không thể chấp nhận, phải triệt để ngăn chặn, không được tồn tại trong bệnh viện.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cảnh báo khi các bệnh viện công tự chủ được tự quyết hoàn toàn về nhân lực, nguồn thu chi thì sẽ có xu hướng “tận thu” như: Dịch vụ theo yêu cầu để giảm tối đa chi phí, tiết kiệm nhân lực. Thực tế, tại các bệnh viện có nơi đã đạt 1,3 nhân viên y tế/giường bệnh, nhưng có nơi chỉ đạt 0,7 đến 0,8 nhân viên y tế/giường bệnh, trong khi giá ngày giường điều trị được cơ quan quản lý BHYT thanh toán vẫn như nhau.

Ông Phúc lo ngại, nếu Bộ Y tế không có chuẩn cụ thể về giường bệnh, khi thực hiện tự chủ tài chính, nhằm giảm thấp nhất chi phí các bệnh viện sẽ không duy trì đủ nhân lực ở mức đạt yêu cầu, từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng không chỉ an toàn người bệnh mà còn là an toàn cho nhân viên y tế. Các thầy thuốc có giỏi đến mấy nhưng làm việc quá tải, khám quá nhiều bệnh nhân thì không thể mãi duy trì chất lượng.