Khơi thông nguồn đầu tư vào nông nghiệp tái sinh

Để thực hiện "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn. Không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp đều cần tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ thuật viên của Nestlé hướng dẫn nông dân trồng cây cà-phê theo phương thức mới, giúp mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Ảnh: Quốc Tuấn
Kỹ thuật viên của Nestlé hướng dẫn nông dân trồng cây cà-phê theo phương thức mới, giúp mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Ảnh: Quốc Tuấn

Nụ cười trên rẫy cà-phê

Ông Hoàng Văn Son, thôn 14 xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, là trưởng nhóm của 70 nông hộ tham gia vào chương trình phát triển nông nghiệp tái sinh do Nestlé Việt Nam xây dựng. Trước đây, canh tác theo tập quán nên sản lượng chỉ đạt được từ 2-2,5 tấn/ha, lợi nhuận thu được còn khiêm tốn. Giờ sản lượng đã tăng từ 3-3,5 tấn/ha, vậy là sống khỏe - nụ cười giãn cả nếp nhăn trên gương mặt rám nắng của ông Son! Nếu chỉ trồng cà-phê, doanh thu giỏi lắm chỉ đạt 60-68 triệu đồng/ha, nay nhờ trồng xen canh với cây điều và cây ra trái như sầu riêng mà lợi nhuận tăng đáng kể, đạt mức 200-250 triệu đồng/ha. Rồi nhờ chuyển sang dùng phân bón vi sinh, chi phí sản xuất giảm từ 1,5-1,8 triệu đồng/ha.

Là người phụ trách chương trình giống của Nestlé Việt Nam, anh Nguyễn Thanh Nga cho biết: Mỗi năm, công ty tổ chức tập huấn cho nông dân theo ba chu kỳ chăm sóc cây từ giai đoạn cắt tỉa cành, đầu tư- chăm sóc và thu hái. Nestlé Việt Nam không ràng buộc người nông dân phải cam kết bán sản phẩm, tuy nhiên do cơ chế thu mua sản phẩm cà-phê 4C của công ty có mức giá hấp dẫn nên bà con vẫn lựa chọn. Dẫn chúng tôi khảo sát tại rẫy, anh Nga chia sẻ thêm, nhờ lấy những giống cây lâu năm như cây muồng đen, cây vông làm trụ thay vì đổ cột bê-tông nên đời sống của cây tiêu được trồng xen canh dài hơn. Nhiệt độ tại khu vực trồng cũng giảm đi, rồi lá cây rụng xuống trở thành nguồn phân bón hữu cơ giúp mang lại hiệu quả cao trong bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của đất.

Chia sẻ về "Vai trò và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình hướng tới cam kết phát thải ròng bằng "0"-Net Zero", ông Phạm Phú Ngọc - Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam cho biết: "Kiểm đếm phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi cho thấy, gần hai phần ba lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp. Vì vậy, giải quyết vấn đề này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Nestlé để đạt được cam kết Net Zero, trong đó nông nghiệp tái sinh là yếu tố chủ đạo".

Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình NESCAFÉ Plan Nông nghiệp tái sinh và đạt được các kết quả đáng khích lệ. Theo đó, hơn 21.000 nông hộ đã tuân thủ theo tiêu chuẩn 4C và mỗi năm có hơn 15.000 nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên tích cực tham gia thông qua chương trình Phân phát cây giống từ nguồn của Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (2011-2022). Cũng nhờ đầu tư nông nghiệp tái sinh mà giảm 40%-60% lượng nước tiêu thụ trong tưới tiêu và tối ưu hóa 20% việc sử dụng phân bón bằng cách đưa vào sản xuất phân compost làm từ vỏ và bã cà-phê. Giai đoạn 2011-2022, có 63 triệu cây giống kháng rỉ sắt và năng suất cao được sản xuất và phân phát, giúp tái canh hơn 63 nghìn ha cà-phê già cỗi. Năng suất trang trại tăng cao hơn đáng kể so với mức trung bình (trung bình 3,2 tấn/ha so với 2,8 tấn/ha bình quân)…

Nhìn nhận về Chương trình này, ông Phạm Nam Hưng - Đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, điều quan trọng nhất là người nông dân được đặt vào vị trí trung tâm. Chính họ là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp hoàn cảnh cụ thể của chính mình. Điều này góp phần hình thành thế hệ nông dân sẵn sàng thực hành canh tác mới và ứng dụng số hóa trong quản lý nông hộ.

Rõ ràng, hợp tác với nông dân và các bên liên quan khác là chìa khóa cho một quá trình chuyển đổi công bằng, ông Hưng nhấn mạnh.

Khơi thông nguồn đầu tư vào nông nghiệp tái sinh ảnh 1

Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững là sáng kiến của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD-VCCI), được triển khai thường niên từ năm 2018. Đây là kênh thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Khó về đích Net Zero

Đối với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. Tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực-thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch-trách nhiệm-bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết, Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: cam kết tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí methane toàn cầu"; cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất".

Để hiện thực những cam kết quốc tế, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050". Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, theo góc độ của các chuyên gia, mục tiêu đặt ra nhiều thách thức và sẽ khó về đích nếu thiếu đi những nỗ lực rất lớn để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội vào việc xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Liên quan các nhóm giải pháp giảm 30% lượng phát thải CO2 so với kịch bản thông thường đến năm 2030, TS Trần Đại Nghĩa-Trưởng bộ môn Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), phân tích, đối với ngành trồng trọt, hai giải pháp có tiềm năng giảm thải cao nhất là quản lý nước và áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến; đối với ngành chăn nuôi, cải thiện khẩu phần thức ăn chăn nuôi, công nghệ tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ...

Để thực hiện kế hoạch nói trên, ông Nghĩa nhấn mạnh, cần huy động mọi nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia, nhất là khối tư nhân, trong đó Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, kêu gọi hỗ trợ quốc tế và huy động các nguồn lực từ khối tư nhân và nguồn xã hội. Thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số-nông thôn hiện đại-nông dân văn minh.