Công trình hoàn thành kết nối đường 70 với đường vành đai 3, góp phần giảm ùn tắc giao thông quốc lộ 32, đoạn từ ngã tư Nhổn đến đường vành đai 3; cải thiện hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông chung của Thủ đô.
Quận Hai Bà Trưng tập trung giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 2
Chín tháng qua, kinh tế quận Hai Bà Trưng tiếp tục tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh, thương mại dịch vụ đều tăng cao. Tổng thu ngân sách đạt hơn 3.800 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến, quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 1, đang tập trung dự án đường vành đai 2 và đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài. Đáng chú ý, quận đẩy mạnh thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông… Các lực lượng chức năng của quận đã xử lý gần 11 nghìn vụ vi phạm trật tự giao thông, gần 5.500 vụ vi phạm trật tự đô thị, thu nhập ngân sách gần mười tỷ đồng.
Giao thương với đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc
Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch thành phố vừa tổ chức chương trình giao thương, kết nối các doanh nghiệp Hà Nội với đoàn doanh nghiệp của thành phố Yang-san (Hàn Quốc). Yang-san là thành phố công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc, với nhiều ngành thế mạnh như máy móc thiết bị, hóa chất, đồ điện tử, thực phẩm và đồ uống… Đến Hà Nội lần này, các doanh nghiệp Yang-san mong muốn được tìm hiểu thị trường, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác và triển khai các dự án đầu tư tại Hà Nội, qua đó tăng cường sự giao lưu, kết nối giữa hai vùng kinh tế nói riêng, hai nước Việt Nam - Hàn Quốc nói chung.
Đề xuất xây dựng bốn nhà máy xử lý nước thải
UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020, trong đó có các dự án xử lý nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra lưu vực sông Nhuệ - Đáy theo hình thức xã hội hóa. Cụ thể, thành phố đề xuất xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phú Thượng, công suất từ 15.000 đến 21.000 m3/ngày đêm với kinh phí đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng; Nhà máy xử lý nước thải Phú Xuyên, công suất từ 33.000 đến 52.000 m3/ngày đêm, dự kiến kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng; dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị tại khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây, tổng công suất đến năm 2020 là 29.000 m3/ngày đêm. Kinh phí đầu tư dự kiến nhà máy tại Hà Đông có tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, nhà máy tại thị xã Sơn Tây khoảng 550 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bốn nhà máy là gần 2.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị gần 900 nghìn m3/ngày đêm, nhưng công suất xử lý của các trạm mới đạt hơn 280 nghìn m3/ngày đêm, phần còn lại xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung, sông, mương thoát nước, các ao hồ.
Tăng cường hiểu biết về quyền lợi người tiêu dùng
Chương trình "Hành động vì quyền người tiêu dùng" năm 2016 với thông điệp "Doanh nghiệp có hàng- Người tiêu dùng có quyền" đã thu hút gần 100 doanh nghiệp lớn tham gia với hơn 300 điểm bán hàng vì người tiêu dùng trên toàn địa bàn, tăng 20% so với năm 2015. Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động như miễn phí bảo hành, bảo trì các sản phẩm, gia tăng các chương trình chăm sóc khách hàng, tặng quà, giảm giá bán… cho khách hàng. Qua đó, mức doanh thu và lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm tại các điểm bán hàng vì quyền người tiêu dùng đều tăng trung bình 10%. Tổng đài 04.1081 đã tiếp nhận 3.105 cuộc gọi hỏi về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp nhận các khiếu nại để chuyển tới các cơ quan quản lý giải quyết.