Khoảng trống soát xét

Các doanh nghiệp (DN) niêm yết đã và đang công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét và một hiện tượng đáng chú ý vẫn xuất hiện: Chênh lệch lớn về kết quả trước và sau soát xét. Cụ thể, trước soát xét DN công bố lãi nhưng sau soát xét lại thành lỗ hoặc ngược lại trước soát xét lãi ít, sau soát xét lại lãi khủng.
0:00 / 0:00
0:00

Rất khó để tìm lý do hợp lý bào chữa cho sự chênh lệch kiểu này. Không thể có chuyện đội ngũ kế toán của DN niêm yết, quy mô trăm tỷ, nghìn tỷ lại có sai sót mang tính trọng yếu như vậy. Nhưng cũng cần đặt lại câu hỏi liệu rằng bộ phận kế toán của các DN niêm yết có thật sự nghiệp dư hay không? Câu trả lời chắc chắn là không, vì khi được hỏi lãnh đạo DN nào cũng sẽ tự tin tuyên bố công tác tài chính của mình minh bạch, chuyên nghiệp. Nhưng điều này chỉ đúng cho đến khi... có sai sót.

Nói đơn cử như một công ty chứng khoán mới đây có kết quả kinh doanh chuyển từ lãi sang lỗ sau khi soát xét. Trước tiên cần biết rằng, cấu trúc nghiệp vụ kế toán của công ty chứng khoán không có gì phức tạp so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp niêm yết và việc hạch toán các nghiệp vụ của công ty chứng khoán cũng liên tục được chuẩn hóa trong những năm qua. Tuy nhiên công ty chứng khoán có thương hiệu này vẫn cứ sai sót và cổ phiếu ngay lập tức bị cắt giao dịch ký quỹ (margin).

Và đây là điều đáng bàn, vì cổ phiếu bị cắt margin, cổ đông bị thiệt hại trước tiên vì giá thường có xu hướng giảm do lực bán ra sẽ mạnh trong ngắn hạn. Liệu DN có ý thức được rằng, mình đã gây hậu quả nghiêm trọng cho cổ đông không? Câu trả lời này thường để ngỏ. Nếu đi tìm giải pháp quyết liệt hơn thì cổ đông có quyền chất vấn ban lãnh đạo, nhất là những nhân sự phụ trách nghiệp vụ kế toán tại sao lại xảy ra sai sót như vậy? Thực tế trong lịch sử chưa có trường hợp nào cổ đông làm “ra ngô, ra khoai” như vậy mà chủ yếu cười buồn cho qua.

Nhưng vẫn còn một cách để có thể bộc lộ thái độ, đó là sự dè dặt với cổ phiếu về mặt dài hạn. Nghĩa là với những DN có tiền lệ sai sót, coi thường cổ đông, nên chăng cổ đông phải đòi hỏi gắt gao hơn nữa trong tương lai, thay vì chỉ thấy giá cổ phiếu tăng rồi lập tức quay lại. Đây là cách thể hiện thái độ quyết liệt và hiệu quả nhất, buộc DN phải nhìn lại mình. Rõ ràng nếu cổ phiếu bị soi xét kỹ vì những sai sót trong quá khứ, DN sẽ phải chú ý hơn, nếu không muốn gặp khó khi huy động vốn hay cần sự chia sẻ từ nhà đầu tư lúc khó khăn. Vấn đề là nhà đầu tư cần quyết liệt và đồng thuận để đủ sức biểu hiện vai trò của mình.