Nhà ở cho công nhân

Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn

Vấn đề nhà ở cho công nhân tiếp tục làm nóng không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chiều 3/11. Nguyên nhân được chỉ ra và giải pháp thực hiện cũng đã có, tuy nhiên, điều người lao động mong ngóng vẫn là chính sách đi được vào đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Bình Dương nỗ lực xây dựng nhà ở cho công nhân. Ảnh: Trịnh Bình
Tỉnh Bình Dương nỗ lực xây dựng nhà ở cho công nhân. Ảnh: Trịnh Bình

Lương đã mỏng, giá thuê nhà còn cao

Xã Đại Đồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), chục năm qua thay da đổi thịt, nhà cao tầng mọc lên san sát cạnh Khu công nghiệp VSIP. Nhưng đi sâu vào những con ngõ trong các thôn, xóm sẽ thấy một khung cảnh trái ngược. Những khu nhà trọ công nhân tồi tàn thu hút lượng lớn công nhân đổ về thuê trọ. Mặt nhợt nhạt vì làm tăng ca nhiều giờ, em Vũ Hoàng Thế, quê ở Nghệ An chia sẻ, đã thuê nhà trọ ở thôn Đại Vi được bốn năm, điều kiện sống thì nhếch nhác, nhưng tiền thuê vẫn đều đều phải trả cho chủ nhà.

Len lỏi vào ngõ ngách của các thôn Dương Húc, Đại Thượng thuộc xã Đại Đồng, rồi đi sâu vào thôn Đoài của xã Hoàn Sơn cũng thuộc huyện Tiên Du, chúng tôi cũng dễ dàng tìm thấy những khu nhà trọ chật hẹp. Vào sáng sớm hay chiều tối, công nhân đi làm và tan ca nhiều đến nỗi tắc cả đường liên thôn. Anh Trần Văn Hiến ngậm ngùi: "Tôi làm công nhân ở đây đến nay là sáu năm, cũng đã nhảy việc ở ba công ty, nhưng đồng lương chưa cải thiện bao nhiêu mà sống ở nhà trọ chất lượng thấp nên đôi lúc thấy nản".

Ở Hà Nội, xã Kim Chung, huyện Đông Anh là nơi tập trung nhiều công nhân thuê trọ nhất, và từ lâu, cảnh sống ngột ngạt, chật chội cũng chưa được giải quyết. Hàng nghìn công nhân vẫn phải sống trong những căn phòng trọ vỏn vẹn khoảng 10m2, đủ kê một chiếc giường và chỗ để đặt chiếc bếp ga mini.

Nói về sức ép hạ tầng khi thu hút lượng lớn công nhân về sống và làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ: "Chúng tôi đi thực tế ở nhiều nơi, thấy không ít công nhân có đời sống rất khổ. Nhiều em sống ở những nhà trọ tồi tàn, tài sản chẳng có gì, đồ đạc, quần áo có khi đựng vào bao tải, đút vào gầm giường. Có những cặp vợ chồng làm công nhân gần 20 năm vẫn chưa có nhà ở, điều kiện cho con học hành cũng thiếu thốn. Trong khi đó, những công nhân này đang làm giàu cho địa phương vì phần lớn tiền lương của họ là tiêu ở địa phương. Có những chủ nhà trọ sở hữu tới 260 phòng cho khoảng 1.000 người thuê. Đây là điều khiến chúng tôi trăn trở".

Gỡ hai nút thắt về vốn và quỹ đất sạch

Về chính sách, Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định về nhà ở xã hội, rồi Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rất chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân. Để giải quyết một số tồn tại, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, trong đó đã sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục, hồ sơ chứng minh đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Nhằm phát triển phân khúc thị trường nhà ở công nhân, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà lưu trú công nhân việc đầu tư nhà ở cho công nhân đòi hỏi chi phí lớn và dài hạn, thời gian thu hồi vốn dài nên các doanh nghiệp không mặn mà.

Theo nguyên Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, nguyên nhân khiến việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp chưa được như kỳ vọng là do thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng tại vị trí thuận lợi. Nhiều khu công nghiệp hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Theo các chuyên gia, muốn giải quyết được tốt vấn đề này cần phải gỡ hai nút thắt lớn nhất là vốn và quỹ đất sạch cho thị trường. Quỹ đất đầu tư xây dựng phải nằm ngoài khu công nghiệp. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất từ trước. Đồng thời các sở, ngành phải tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Một trong các mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 11/NQ-CP là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống (trong đó có nhà ở) của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Liên quan lĩnh vực xây dựng, có hai gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cụ thể là: Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng; Cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.

Bộ Xây dựng cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển một triệu căn nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030. Để mục tiêu nhân văn này thành hiện thực cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng từ phía các nhà đầu tư bởi giải pháp đã nói nhiều nhưng phần lớn mới chỉ dừng ở kế hoạch.