Ứng dụng công nghệ để xử lý sim rác

Một trong những nguồn phát tán nhiều cuộc gọi rác, cuộc gọi chứa nội dung lừa đảo là từ những thuê bao rác, sim rác.

Do đó, xử lý sim rác, nhất là việc tăng cường áp dụng công nghệ để xử lý là một trong những giải pháp đang được các đơn vị liên quan áp dụng nhằm giải quyết triệt để hơn vấn nạn sim rác tồn tại lâu nay.

Sim rác vẫn tồn tại và biến tướng

Chỉ cần vài trăm nghìn đồng, người dùng có thể mua được một thẻ sim điện thoại có sẵn số và dung lượng 4G-Data theo nhiều gói dịch vụ của các nhà mạng tại những cửa hàng bán sim, số điện thoại trên rất nhiều tuyến đường của Hà Nội. Hoạt động mua bán sim không sôi động, công khai như hai năm trước, nhưng vẫn còn khá phổ biến mặc dù các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều chiến dịch xử lý sim rác trên diện rộng. Chính các nhà mạng cũng đã có cam kết chung tay "khai tử" những sim không đủ thông tin, tiêu chuẩn. Tình trạng sim rác có giảm, nhưng hoạt động mua bán sim kích hoạt sẵn chuyển sang không bán tại cửa hàng mà bán trên mạng… Thực tế  này cho thấy, thời gian qua, những biện pháp được áp dụng để hạn chế, loại bỏ sim rác chưa hữu hiệu. Vấn đề phát sinh tiếp từ việc khó quản lý sim rác là tình trạng tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác cũng trở thành vấn nạn chưa có cách giải quyết triệt để.

Ðể khắc phục vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc trực tiếp với các công ty viễn thông và yêu cầu các nhà mạng phải mua lại số sim này, nếu tồn tại các sim rác thì các nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới. Mới đây, ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã ký bổ sung thỏa thuận tăng cường quản lý thông tin thuê bao. Ðồng thời, đưa ra các giải pháp kỹ thuật đang triển khai xử lý sim rác. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Hoàng Viết Tiến cho biết, ước tính đến đầu năm 2021, trên thị trường Việt Nam hiện nay có 5% số thẻ sim đang hoạt động bị nghi vấn là không có thông tin chính xác. Nguyên nhân là do số lượng sim này trước đây được dựng sẵn và kích hoạt dịch vụ và thường một số đại lý viễn thông chạy theo lợi nhuận, tự đăng ký, hoặc sử dụng thông tin đăng ký các đại lý bán hàng khác nhau.

Bước đầu áp dụng công nghệ

Nhằm siết chặt quản lý sim đã kích hoạt sẵn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng cùng áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nhận diện khách hàng định danh điện tử các thông tin về thuê bao viễn thông từ tháng 4-2020. Việc phát triển sim mới tại điểm ủy quyền cũng bị dừng từ tháng 6-2020. Nâng cấp phần mềm trí tuệ nhân tạo sinh trắc học để tăng cường giải quyết vấn đề sim kích hoạt sẵn. Qua thống kê, các nhà mạng đã xử lý, thu hồi khoảng 26 triệu sim nghi ngờ kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Hiện nay, các nhà mạng đã phối hợp để ngăn chặn gần 129 nghìn cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn là cuộc gọi rác. Mặc dù các giải pháp nêu trên đã góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán sim rác, tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Tuấn cho biết, đầu năm 2021, việc mua bán, sử dụng sim rác có dấu hiệu phức tạp trở lại. Tỷ lệ thuê bao mới trong ba tháng đầu năm tăng, cao hơn hẳn tốc độ tăng bình quân trong cả năm 2020.

Ba nhà mạng viễn thông chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone cùng thống nhất bổ sung thêm các biện pháp xử lý sim rác. Theo đó, việc kích hoạt thuê bao được thực hiện trên hệ thống tập trung của doanh nghiệp viễn thông. Các đại lý ủy quyền chỉ hỗ trợ bán hàng, nhập thông tin thuê bao. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá, với việc kết hợp cùng triển khai ngăn chặn sim rác, các doanh nghiệp viễn thông thể hiện cam kết và quyết tâm trong việc chung tay, chung sức, đồng lòng loại bỏ sim rác. Bộ sẽ căn cứ vào mức độ thực thi để đánh giá cam kết và quyết tâm của các nhà mạng. Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các sở thông tin và truyền thông tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán sim rác trên thị trường.

Ðể tăng cường việc xác thực thông tin thuê bao, hiện nay, nhà mạng viễn thông triển khai giải pháp công nghệ cuộc gọi hình ảnh (video-call) để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao. Giải pháp công nghệ video-call với ca-mê-ra được tích hợp trên thiết bị đầu cuối tại các cửa hàng của nhà mạng. Mỗi cuộc gọi thời gian ngắn đủ để xác thực thông tin thuê bao trước khi quyết định kích hoạt. Ngoài ra, trong trường hợp vi phạm xảy ra, quy định mới có bổ sung về  việc xử lý cá nhân, đơn vị nếu để xảy ra sai phạm… theo đó, nhà mạng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đăng ký, quản lý thông tin thuê bao. Vì vậy, các nhà mạng thống nhất không cho phép đại lý ủy quyền kích hoạt sim như trước.

Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai nhiều phương cách để xử lý sim rác, nhưng việc xử lý tình trạng này cũng cần có lộ trình. Tuy nhiên, sự quyết tâm của các doanh nghiệp viễn thông, cùng sự áp dụng công nghệ mới sẽ đem đến kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn từ đó hạn chế những rủi ro, lừa đảo dựa trên sản phẩm, dịch vụ viễn thông.

Ninh Cơ và Nguyên Nhi