Triển vọng cây tinh dầu tại Tây Nguyên

Tại buổi nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu phát triển một số cây tinh dầu thân thảo có giá trị kinh tế cao và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Tây Nguyên", nhiều người ấn tượng với các sản phẩm làm từ tinh dầu được mang đến trưng bày, trong đó, chế phẩm xua đuổi côn trùng đã được chấp nhận đơn đăng ký độc quyền sáng chế. Ðó cũng là điểm đặc biệt của đề tài này khi đi từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai ứng dụng vào thực tiễn, mở ra những triển vọng mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên.

TS Lưu Ðàm Ngọc Anh (người bên phải) giới thiệu sản phẩm chế biến từ cây tinh dầu.
TS Lưu Ðàm Ngọc Anh (người bên phải) giới thiệu sản phẩm chế biến từ cây tinh dầu.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, TS Lưu Ðàm Ngọc Anh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài thuộc "Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế". Một trong những mục tiêu của đề tài là đánh giá nguồn tài nguyên tinh dầu khu vực Tây Nguyên, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cây tinh dầu, từ đó làm cơ sở đề xuất các chiến lược phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này. Tây Nguyên có hệ thực vật phong phú, đa dạng, nhưng việc điều tra, đánh giá tổng thể nguồn tài nguyên cây tinh dầu ở từng khu vực Tây Nguyên được thực hiện từ năm 1978, hiện nay đã có nhiều thay đổi, cần được đánh giá lại và thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu. Nhóm nghiên cứu đã điều tra, đánh giá một cách hệ thống và toàn diện nguồn tài nguyên cây tinh dầu tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, lâm trường còn diện tích rừng nguyên sinh tương đối tốt ở năm tỉnh Tây Nguyên. Kết quả điều tra ghi nhận 248 loài thực vật bậc cao chứa tinh dầu thuộc 39 họ, các loài thuộc lớp hai lá mầm, ngành hạt kín chiếm phần lớn. Trong đó, các họ giàu loài cây tinh dầu gồm có long não, gừng, na, cúc, bạc hà, cam, sim, hồ tiêu... Một số họ có tất cả các loài đều có khả năng tổng hợp, tích lũy tinh dầu, hàm lượng tinh dầu dao động từ 0,1 đến 1%. Một số loài chứa tinh dầu với hàm lượng rất cao và chất lượng tinh dầu tốt như: Châu thụ (Gaultheria fragrantissima), Gan tiền (Gaultheria sleumeri), Xá xị (Cinamomum spp.), Giổi chanh (Magnolia citrata),... Ðặc biệt, lần đầu nhóm nghiên cứu xác định được sự có mặt của tinh dầu trong đại diện các họ trước đây chưa hoặc ít được nghiên cứu, như: chi Croton (họ Thầu dầu), chi Aristolochia (họ Mộc hương), chi Knema, Horsfieldia (họ Máu chó). Các kết quả điều tra được phân tích kỹ về thành phần loài, giá trị sử dụng của từng loài, đăng trong cuốn chuyên khảo "Các cây tinh dầu khu vực Tây Nguyên và triển vọng ứng dụng" do Nhà xuất bản Khoa học công nghệ ấn hành. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phát triển ba loài cây triển vọng cho giá trị kinh tế cao để phát triển tại Tây Nguyên: Châu thụ, Gan tiền, Giổi chanh. Thí dụ, cây Châu thụ và Gan tiền có hàm lượng Methyl salicylate trong tinh dầu đạt hơn 90%, có thể là nguyên liệu sử dụng để sản xuất các loại dầu xoa bóp, miếng dán giảm đau được dùng phổ biến trong hoạt động thể thao và đời sống. Ngoài ra, nhiều loài cây tinh dầu có thể ứng dụng trong lĩnh vực hương liệu, y, dược học…

Trước thực trạng nước ta hằng năm vẫn phải nhập khẩu lượng lớn tinh dầu như oải hương, cúc La Mã, hương thảo, bạc hà cay... sử dụng cho công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng của Tây Nguyên có thể giải quyết vấn đề này với giải pháp di thực các cây tinh dầu ôn đới về trồng ở những vùng có khí hậu mát mẻ ở Tây Nguyên. Nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn nhập nội và thuần hóa 25 giống cây tinh dầu có nguồn gốc từ Nga, Bê-la-rút. Qua ba mùa vụ đã lựa chọn được năm giống cây nhập nội có chất lượng tinh dầu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phù hợp điều kiện sinh thái Tây Nguyên.

Từ những kết quả nêu trên, nhóm nghiên cứu đã phối hợp người dân xây dựng mô hình trồng, chế biến tinh dầu đối với cây sả chanh Ấn Ðộ, oải hương, cúc La Mã, hương thảo với diện tích 7 ha ở ba điểm của tỉnh Lâm Ðồng. Mô hình canh tác đa dạng, như trồng trên đất dốc, trồng dưới tán cây công nghiệp và đất dốc xen cây ăn quả. Ông Nguyễn Phúc Duẩn, ở thôn Hà Phúc, xã Quốc Oai, huyện Ðạ Tẻh cho biết, gia đình ông trồng sả chanh Ấn Ðộ dưới tán rừng, cây sinh trưởng tốt, phù hợp điều kiện nóng ẩm, đất pha cát nơi đây. Sau một năm trồng thử, gia đình thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi, thu nhập cao hơn các cây nông nghiệp khác, gia đình mong muốn mở rộng diện tích trồng để vừa tăng thu nhập, vừa chống xói mòn cho đất. Hiện, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật trồng, cây giống, công nghệ tách chiết tinh dầu cho các trang trại, nông hộ tại TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng để người dân trồng thay thế các cây kém hiệu quả, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch và tạo thu nhập bền vững cho người dân.

Không chỉ "khép kín" từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, sản xuất thử nghiệm sản phẩm, nhóm còn nghiên cứu quy trình xử lý bã cây tinh dầu sau khi chưng cất để tránh ô nhiễm môi trường. TS Lưu Ðàm Ngọc Anh cho biết: Tinh dầu trong thực vật chiếm hàm lượng rất nhỏ, khoảng từ 2% đến 3%, do vậy, lượng bã thải ra rất lớn. Sử dụng và tái sản xuất được nguồn bã thải này là mục tiêu mà đề tài hướng tới nhằm khép kín chu trình sản xuất và giảm áp lực lên môi trường. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất quy trình xử lý bã thải sau chưng cất của ba loài sả chanh, sả java và bạc hà cay; tạo giá thể trồng nấm sò; tạo được phân bón hữu cơ vi sinh kháng bệnh và diệt sâu cho cây trồng từ bã oải hương; tạo được đệm lót chuồng sinh học từ bã cây dương cam cúc kết hợp cùng u-rê và vi sinh vật.

Kết quả nghiên cứu được đánh giá xuất sắc và là một trong số ít đề tài đi từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai và ứng dụng. TS Nguyễn Ðình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 cho biết, Tây Nguyên không chỉ có đất rừng, cây công nghiệp mà còn có nguồn tài nguyên cây tinh dầu phong phú cần được bảo tồn, phát triển, đồng thời việc chuyển giao giống nhập nội và thuần hóa là hết sức cần thiết nhằm khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu tại Tây Nguyên. Các kết quả nghiên cứu rất có giá trị để bảo tồn nguồn gien cây tinh dầu, từng bước gây trồng tạo nguồn nguyên liệu tạo hàng hóa. Các mô hình trồng thử nghiệm của đề tài đã thành công, do đó, cần được chuyển giao cho địa phương nhân rộng để cây tinh dầu trở thành nguồn động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của người dân Tây Nguyên.